Từ bỏ vị trí giám đốc để dành thời gian cho gia đình
Khi viết đơn xin nghỉ việc, rất nhiều người thường đưa ra một lí do mang tính "chung chung" là vì muốn dành thời gian cho gia đình. Và nó cũng được không ít các vị lãnh đạo cao cấp tại nhiều công ty lớn tin dùng.
Nhưng với Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Google, ông Patrick Pichette thì lại khác. Ông đã kể lại một câu chuyện của mình để chứng minh rằng bản thân thực sự muốn có nhiều thời gian hơn cho tổ ấm của mình.
Trích thông báo nghỉ việc của Patrick Pichette:
"Sau gần 7 năm làm CFO, tôi sẽ rời khỏi Google để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Đúng, tôi biết là bạn đã nghe thấy câu này ở đâu đó trước đây rồi. Chúng tôi đã cống hiến rất nhiều cho công việc.
Tôi không mong bạn đồng cảm. Tôi chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ của mình, vì rất nhiều người đang vật lộn với chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Mọi chuyện bắt đầu từ mùa Thu năm ngoái. Vào một sáng tháng 9, sau cả đêm leo núi, chúng tôi đã nhìn thấy mặt trời mọc trên đỉnh Kilimanjaro ở châu Phi. Tôi và vợ mình - Tamar không chỉ tận hưởng khung cảnh trên đỉnh núi.
Trời hôm đó rất trong, chúng tôi có thể thấy đồng bằng Serengeti rộng lớn bên dưới và nảy ra ý định du lịch mạo hiểm khắp châu Phi.
Tamar buồn bã nói với tôi: "Anh này, sao chúng ta không tiếp tục đi nhỉ". Hãy khám phá châu Phi, sau đó tới phương Đông, sang Ấn Độ. Rồi ta có thể tới đỉnh Himalaya, Everest, Bali, rặng san hô Great Barrier Reef, Nam Cực. Cô ấy chẳng hề biết ý tưởng đó liều lĩnh thế nào đâu.
Tôi còn nhớ đã nói với cô ấy rằng mình rất thích đi, nhưng chúng tôi phải quay về thôi. Vẫn chưa đến lúc đó, tôi còn rất nhiều việc phải làm tại Google. Có rất nhiều người đang trông cậy vào chúng tôi.
Nhưng rồi cô ấy hỏi: Thế khi nào mới đến lúc? Đến lúc cho chúng ta? Cho em? Và chẳng có câu trả lời nào đáp lại.
Bài viết của Patrick Pichette trên Google Plus đã nhận được nhiều lượt like, share và bình luận (Ảnh: Google plus)
Vài tuần sau đó, tôi vui vẻ quay lại công việc, nhưng không thể xua đi câu hỏi: Khi nào mới đến lúc chúng ta tiếp tục đi? Tôi tự xem lại cuộc sống của mình và rút ra vài điều như sau:
Đầu tiên, lũ trẻ đã tự lập cả rồi. Hai đứa đang học đại học, một đã ra trường và khởi nghiệp ở châu Phi. Chúng là niềm tự hào của vợ chồng tôi. Tamar thực sự xứng đáng được ghi công lớn trong việc này.
Cô ấy đã làm được việc thật tuyệt vời. Nhưng sự thật là với cả hai chúng tôi, sẽ chẳng còn những chiếc xe chất đầy bánh ngọt, những đêm thức trắng vì con bị viêm tai hay những trận hockey lúc 6h sáng nữa. Chẳng đứa nào cần hay chờ đợi chúng tôi nữa.
Thứ hai, tôi đang làm việc không ngừng nghỉ 25-30 năm rồi. Đó là những trải nghiệm rất tuyệt vời. Nhưng khi đếm lại, tôi đã làm việc suốt 1.500 tuần, lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng, kể cả khi không phải như vậy. Tôi cảm thấy có tội.
Tôi rất yêu công việc của mình, yêu đồng nghiệp, bạn bè, yêu cơ hội dẫn đầu và thay đổi thế giới nữa.
Thứ ba, Tamar và tôi sắp kỷ niệm 25 năm kết hôn. Khi bạn bè lũ trẻ hỏi chúng về bí quyết chúng tôi bên nhau được lâu như vậy, chúng chỉ đùa là chúng tôi dành quá ít thời gian bên nhau, đến mức "còn quá sớm để kết luận" liệu cuộc hôn nhân này có thành công hay không.
Tôi ước gì chúng biết tôi và Tamar đã có bao nhiêu kỷ niệm đẹp bên nhau. Nhưng chắc chắn là tôi muốn có nhiều hơn nữa. Và cô ấy xứng đáng có nhiều, thật nhiều hơn thế.
Nhưng câu trả lời đơn giản chỉ là tôi không thể tìm được lý do nào tốt hơn để nói với Tamar rằng chúng tôi nên đợi thêm một thời gian nữa để đi du lịch.
Chúng tôi sẽ kỷ niệm 25 năm bên nhau bằng cách sang trang mới và tận hưởng tuổi trung niên. Tôi nên dành cơ hội cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo và ngay lập tức lên danh sách những nơi cần đến.
[...] Tóm lại, cuộc sống thật tuyệt vời, nhưng những sự đánh đổi thì không, đặc biệt là đánh đổi giữa công việc và gia đình.
Tôi thật sự hạnh phúc khi cảm thấy mình đã đạt đến thời điểm còn không phải đưa ra những sự lựa chọn khó khăn trong cuộc đời nữa. Tôi thực sự biết ơn điều đó. Và hãy tận hưởng cuộc sống của ngày hôm nay."
Đừng quên dành thời gian cho gia đình và tận hưởng cuộc sống
Thông báo xin nghỉ việc độc nhất vô nhị này đã khiến nhiều người bị thôi thúc mạnh mẽ, cảm xúc lẫn lộn khi ngẫm lại về cuộc sống hiện tại của bản thân.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, vòng quay của cuộc sống diễn ra quá nhanh nên hầu như tất cả mọi người đều bận rộn với công việc, với chuyện kiếm tiền và không thể dành nhiều thời gian cho gia đình.
Hầu hết mọi người đều quá mệt mỏi sau một tuần dài làm việc chăm chỉ và không thể nghĩ thêm bất kì việc gì thú vị có thể làm cùng với gia đình.
Tuy nhiên, cuộc sống này biết thế nào là đủ và liệu chúng ta cứ phải cố gắng đến khi nào nữa? Ai cũng bận rộn mưu sinh, kinh doanh, làm việc, quỹ thời gian của ai cũng eo hẹp, nhưng rốt cuộc, tất cả đều có 24 giờ mỗi ngày như nhau, không ai hơn và cũng chẳng ai kém.
Vậy điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta sắp xếp, phân chia quỹ thời gian ấy như thế nào, bao nhiêu phần dành cho công việc và bao nhiêu để tận hưởng cuộc sống này bên cạnh những người thân yêu?
Chân dung vị giám đốc tài giỏi, "khác người" đến từ Google
Như Pichette cũng cho biết, ông viết bức thư này để "chia sẻ quá trình đấu tranh trong suy nghĩ". Ông giải thích: "rất nhiều người đấu tranh để có một phép toán cân bằng, hợp lý giữa công việc và cuộc sống cá nhân".
Thông báo xin nghỉ việc kì lạ của vị CFO đã khiến cộng đồng mạng xôn xao. Nhiều người tán thành với quan điểm của vị giám đốc "khác người".
Facebook Tuan Nguyen đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi còn trẻ, cũng chưa giàu, tất nhiên không bỏ công việc của mình được rồi.
Nhưng để khỏi hối tiếc, cứ mỗi cuối tuần, tôi lại cố gắng cùng vợ con rong ruổi đâu đó, để tăng thêm trải nghiệm và cùng nhau khám phá cuộc sống này. Cuộc đời ngắn lắm, hãy tận dụng đi thôi."
Hai vợ chồng Patrick Pichette trên đỉnh Kilimanjaro năm 2014 (Ảnh Google Plus)
Quả thật, gia đình là môi trường giáo dục quan trọng nhất giúp hình thành nên nhân cách của một con người. Hạnh phúc gia đình cần được vun đắp qua những việc rất nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên.
Sự gặp gỡ giữa các thành viên trong gia đình được ví như những ngón tay của hai bàn tay đan lại với nhau. Một khi thiếu đi sự đối thoại gần gũi sẽ để lại những khoảng trống không được làm ấm từ bàn tay mỗi thành viên.
Do đó, để thích nghi với lối sống hiện đại mà vẫn giữ được hạnh phúc, mỗi gia đình phải tự tìm ra cho mình một phương pháp "giữ lửa" thích hợp.
Chẳng hạn cả nhà cùng đi du lịch, dã ngoại, hay đơn giản hơn, hãy dành ra 20 phút cho gia đình mỗi ngày, để cùng ăn cơm tối, trò chuyện với nhau, hâm nóng tình cảm gia đình.
Tóm lại, công việc, tiền bạc là không thể thiếu, nhưng chúng cũng không phải là tất cả và là thứ duy nhất mang lại hạnh phúc. Dù rằng, không phải tất cả những người muốn dành nhiều thời gian cho gia đình có thể đủ khả năng đi theo con đường tương tự Pichette.
Nhưng dẫu có ở đâu, làm gì, hãy cứ sống hết mình và trân quý mỗi phút giây được sống trên cuộc đời này.
Nếu như bạn còn trẻ, nếu như có khả năng, nếu như còn có thể... hãy cứ sống hết mình với đam mê của chính bản thân. Hãy cứ làm những gì mình thích, đi đến những nơi mình muốn cùng người thân yêu!