Trong khi ở bên này Đại Tây Dương, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực xích lại gần nhau thông qua cuộc gặp tối 18/8 ở Berlin, thì ở bên kia bờ biển, Tổng thống Mỹ Donald Trump dõi theo với ánh mắt dò xét.
Điều khiến các chính trị gia ở châu Âu phải hồ nghi ẩn sau lý do đến muộn của ông Putin.Theo đó, ông Putin đã đến muộn tới 30 phút cho cuộc gặp với bà Merkel.
Được biết, trước cuộc gặp với bà Merkel, Tổng thống Nga đã ghé qua một vườn nho ở bang Styria, đông nam nước Áo, để dự đám cưới của nữ Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl.
Vì mải khiêu vũ cùng nữ chính trị gia thân Nga đang lên ở Áo, ông Putin đã đến muộn cho cuộc gặp khó nhằn với “bông hồng thép” của Đức Angela Merkel.
Lời mời được cô dâu 53 tuổi đưa ra trong chuyến thăm của ông Putin đến Vienna đầu tháng 6 đã khiến dư luận trong và ngoài nước bất ngờ bởi quan hệ Nga và EU vốn căng thẳng sau vụ Crimea, nay càng khó xử hơn sau vụ London cáo buộc Moscow đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ở Anh.
Nhưng việc Tổng thống Nga nhận lời và thu xếp để đến Áo, dù chỉ với tư cách cá nhân, giữa lúc nước này giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU và ngay trước cuộc gặp với bà Merkel còn khiến giới chức khối này bất ngờ và lo lắng hơn.
Theo giới phân tích, việc tới dự đám cưới bà Kneissl như là một cách để Tổng thống Putin chứng tỏ ông không những không bị cô lập mà còn có đồng minh trong lòng châu Âu, một thông điệp quan trọng cho công chúng trong và ngoài nước Nga giữa lúc quan hệ Moscow với phương Tây căng thẳng.
Chỉ từ một lời mời có lẽ mang khá nhiều tính chất xã giao, ông Putin đã khiến cả châu Âu phải xì xào bàn tán và phấp phỏng lo âu về mục đích thực sự của Moscow.
Khác với Tổng thống Trump, Thủ tướng Đức tỏ ra khá thận trọng trong nhận định trước thềm cuộc gặp Tổng thống Nga và cũng tránh phạm phải sai lầm là “chấm điểm” thành công hay thất bại cho cuộc gặp này. Bà Merkel đã miêu tả về cuộc gặp với ông Putin rằng, đó là một cuộc gặp mặt làm việc mà không trông đợi kết quả cụ thể nào.
Đây cũng là cuộc gặp Nga - Đức đầu tiên trên lãnh thổ Đức kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Bầu không khí của cuộc gặp Nga - Đức lần này được cho là bớt căng thẳng hơn những lần trước, có lẽ bởi Tổng thống Nga Putin rất biết tìm cách khiến đối phương nhìn về cùng một hướng với mình, đặc biệt là với nhà lãnh đạo “thực dụng” như Thủ tướng Đức Merkel.
Vấn đề chủ chốt của cuộc thảo luận kéo dài tới tối muộn hôm 18/8 giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức là nhằm tăng gấp đôi công suất của “Dòng chảy phương Bắc” bằng việc thêm đường ống thứ ba và thứ tư trong năm tới.
Trong khi, ông Trump càng muốn hạ “knock-out” “Dòng chảy phương Bắc 2” bao nhiêu thì ông Putin và bà Merkel lại càng muốn chứng minh dự án này vẫn còn dẻo dai bấy nhiêu, bởi không ai muốn mình chỉ có một sự lựa chọn duy nhất trong đàm phán thương mại, cụ thể ở đây là khí đốt từ Mỹ.
Lúc này, “Dòng chảy phương Bắc” được khơi lại có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn trước trong bối cảnh Mỹ trừng phạt Nga vì tranh cãi ngoại giao và căng thẳng thương mại với Liên minh châu Âu (EU).
Có lẽ hiểu được điều đó, trong các bình luận trước cuộc gặp với bà Merkel, ông Putin chỉ muốn xoáy sâu hợp tác kinh tế, đặc biệt là cung cấp khí đốt, bất chấp việc Thủ tướng Đức nhấn mạnh đến trách nhiệm toàn cầu trong hàng loạt vấn đề khác, trong đó có Ukraine và Syria.
Dù hai nhà lãnh đạo kết thúc cuộc gặp mà không đưa ra tuyên bố. Nhưng các nhà phân tích đã xem cuộc gặp như cơ hội để quan hệ Berlin và Moscow chuyển hướng thực dụng hơn sau nhiều năm căng thẳng.
Hai quốc gia này có thể được mô tả như cặp đôi "vừa là bạn vừa là thù" tối hậu của quốc tế, với mối quan hệ kinh tế, văn hóa và trí tuệ đã tồn tại hàng thế kỷ. Từ thế kỷ 18, họ đã trải qua rất nhiều lần xung đột và hòa giải, gần đây nhất là Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh.
Trong suốt thời kỳ Xô Viết, Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Moscow và nhiều người Đức nhìn nhận mối quan hệ mạnh mẽ, tích cực với Moscow là nhân tố quan trọng góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh và thống nhất nước Đức.
Khi Bức tường Berlin sụp đổ, người Đức đã vun đắp cho quan hệ với Nga, một phần để giúp các nước tách ra từ Liên Xô gia nhập Liên minh Châu Âu (EU), không chỉ củng cố quan hệ chính trị và kinh tế mà còn đầu tư vào xã hội dân sự.
Rạn nứt trong mối quan hệ bắt đầu từ phản ứng của chính quyền Nga trong các cuộc biểu tình của công chúng vào năm 2011 - 2012, và trở nên tồi tệ hơn trong năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ phiến quân ở miền Đông Ukraine.
Dù vậy, suốt thời gian căng thẳng đó, bà Merkel và ông Putin vẫn duy trì liên lạc thường xuyên. Vào tháng 5, thủ tướng Đức đã đến gặp tổng thống Nga tại nơi dinh thự mùa hè của ông ở Sochi và bà nói với các phóng viên rằng bà xem cuộc gặp hôm 18/8 là sự tiếp nối của cuộc đối thoại đó.