Nói đến những nội dung xấu độc trên nền tảng TikTok thời điểm này, người ta nói nhiều đến kênh TikTok "Nờ Ô Nô" - kênh đã bị xóa và chủ nhân của kênh TikTok này cũng đã có "3 Xin" - Xin lỗi; Xin báo chí và cộng đồng mạng tha thứ và Xin được làm lại. Vì thế, chuyên mục Điểm tuần của Chuyển động 24h hôm nay không phân tích sâu thêm về riêng câu chuyện ấy, mà chỉ muốn từ đó nhìn rộng ra một thực tế rằng: việc quản lý các nội dung xấu trên nền tảng TikTok nói riêng và mạng xã hội (MXH) nói chung vẫn là câu chuyện chưa được giải quyết dứt điểm.
Cách đây vài năm, chẳng ai lại nghĩ có một MXH tên là TikTok sẽ ra đời và phát triển nhanh đến chóng mặt như vậy. Với thế mạnh là các video ngắn, TikTok đi thẳng vào thói quen lướt ngón tay trên màn hình của triệu triệu người dùng.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng đang sử dụng ứng dụng TikTok đã tăng từ 34% (năm 2020) lên 62% (năm 2022), với thời lượng sử dụng đã tăng gấp đôi. Và như một lẽ tất nhiên, khi số lượng những nhà sáng tạo nội dung tăng lên quá nhanh, cũng đồng nghĩa rằng việc quản lý nội dung của các video đăng tải sẽ vất vả hơn rất rất nhiều.
Báo cáo minh bạch hàng quý của TikTok cho thấy, có hơn 113 triệu video bị mạng xã hội này xóa do vi phạm "Tiêu chuẩn cộng đồng" trong quý 2/2022, số lượng này là cao hơn quý 1. Nhưng cần chúng ta phải hiểu rằng, những video chưa bị xóa không có nghĩa là nó hoàn toàn tốt đẹp. Không bị xóa chỉ có nghĩa là video đó đã lách qua được bộ lọc nội dung và đội ngũ kiểm duyệt vốn đã luôn quá tải của TikTok mà thôi. Và khi những nội dung xấu đã lọt qua được rồi, đó là lúc những ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng bắt đầu.
Đập phá khi đi review đồ ăn hay chỉ trích một cách thậm tệ, thái quá về các nhà hàng... Nhiều chiêu trò đã được các TikToker thổi phồng lên để gây sốc, câu kéo lượt xem của người dùng.
Bên cạnh đó, trên TikTok có không ít các nội dung lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục như khuyến khích tìm sugar baby, quảng cáo mại dâm trá hình, các clip hướng dẫn mẹo gian lận trong thi cử. Đặc biệt là rất nhiều trào lưu thử thách nguy hiểm liên tục được tạo ra, một số đã để lại những hậu quả đau lòng
Chị Nguyễn Khánh Linh - Thành phố Hà Nội chia sẻ: "Điều tôi lo ngại là tôi chỉ mất vài giây để hiểu được mức độ nguy hại nhưng TikTok lại không có bất cứ hành vi nào để ngăn chặn, thậm chí còn đẩy lên xu hướng".
Anh Hoàng Anh Việt - Thành phố Hà Nội cũng có sự bức xúc riêng: "Mình cảm thấy khó chấp nhận được tại sao có một người làm nội dung bẩn đến như vậy lại xuất hiện trên MXH - nơi tập trung phần lớn người dùng là người trẻ".
Chính sự tương tác của khán giả đã góp phần khiến nhiều nội dung bẩn vẫn được sản xuất tràn lan, thậm chí lên xu hướng thịnh hành. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng giống như con dao 2 lưỡi, nếu muốn gây sốc để nổi tiếng thì cũng rất có thể, điều mà các bạn trẻ nhận về chỉ là sự tai tiếng.
Không chỉ tại Việt Nam mà tại các quốc gia khác, TikTok cũng không ít lần bị chỉ trích liên quan đến nội dung bẩn và độc hại, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng người dùng của nền tảng này.
Tại Mỹ, không ít nội dung độc hại từng lan truyền trên TikTok và gây phẫn nộ như: thử thách mài răng, thả đồng xu vào khe hở ổ điện để tạo tia lửa… và gần đây nhất là "Thử thách ngạt thở - Blackout" - từ giữa năm 2021 đến nay. "Thử thách ngạt thở" này đã khiến ít nhất 15 trẻ em tại Mỹ thiệt mạng.
"Thử thách ngạt thở" đã khiến ít nhất 15 trẻ em tại Mỹ thiệt mạng.
Trước những video độc hại này, người dùng luôn đòi xóa, thậm chí là xóa cả những kênh TikTok chứa video đó, nhưng liệu người dùng chúng ta có hoàn toàn vô can trong việc lan truyền chóng mặt của những video này?!
Câu trả lời nằm ở thuật toán phân bổ video của TikTok. Khi một nội dung mới xuất hiện, thuật toán sẽ phân bổ đến 200-300 người dùng đang hoạt động để đo mức độ tương tác. Nếu trên 10% người xem thích video (thể hiện bằng cách thả tim, bình luận hoặc xem đến cuối video) thì thuật toán sẽ nhận diện đó là nội dung hấp dẫn và sẽ tiếp tục đưa nó tiếp cận đến 10.000-100.000 người dùng khác. Cứ thế, AI sẽ lan truyền nội dung đến hàng triệu người chỉ trong thời gian ngắn mà không đặt nặng vấn đề độc hại hay hữu ích.
Vậy là TikTok cố gắng giữ chân người dùng bằng thuật toán của mình, và người dùng chúng ta lại góp phần vào thuật toán ấy bằng cách nhiệt tình xem và tương tác.
Tóm lại, trong tương lai những video "rác" trên TikTok chỉ có thể bị ngăn chặn theo mấy cách sau đây. Một là video sẽ bị xem xét xóa nếu có một lượng người xem đủ lớn báo cáo vi phạm nội dung, điều này đã xảy ra với kênh TikTok "Nờ Ô Nô". Hai là video sẽ bị xóa khi TikTok nâng cấp các biện pháp bảo vệ tự động và cập nhật chi tiết hơn nữa "Tiêu chuẩn cộng đồng", từ đó có thể phát hiện các nội dung vi pháp sớm và chính xác hơn. Ba là về phía cơ quan chức năng, việc lên một "danh sách đen" những kênh TikTok có nội dung xấu độc là một phương án đang được tính tới. Bởi đó sẽ là danh sách các kênh mà các nhãn hàng sẽ quay lưng, khi nguồn lợi kinh tế không còn, các nội dung xấu độc sẽ tự bị triệt tiêu mà thôi.
Trong thời gian qua, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới, như lập ra một blacklist - liệt kê những tài khoản, trang web, nền tảng gắn quảng cáo trên các nội dung không phù hợp, nội dung chống phá Đảng và Nhà nước hay nội dung vi phạm bản quyền... Trong blacklist này có kênh TikTok Nờ ô Nô.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời gian tới sẽ lập thêm một whitelist bao gồm các nền tảng có nội dung "sạch" được Bộ xác nhận để đáp ứng nhu cầu quảng cáo an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp.
Để có thể tham gia vào whitelist, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo cần hết sức cẩn thận trong khâu kiểm duyệt nội dung, phòng ngừa và ngăn chặn nhanh chóng các nội dung "rác", nội dung xấu độc xuất hiện trên nền tảng của mình.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện Tiktok Việt Nam cho biết: "Tất cả nội dung vi phạm, TikTok kiểm soát rất chặt chẽ. Năm nay chúng tôi quyết định tái khởi động Hashtag "Vắc-xin số", với sự hợp tác của Hiệp hội an toàn thông tin và Cục An toàn thông tin, chia sẻ với nhau nội dung thế nào là độc hại, sống thế nào là văn minh. Đào tạo giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng để hướng tới một môi trường Internet lành mạnh và tích cực".
Với sự sâu sát của các cơ quan chức năng cùng thái độ hợp tác tích cực của các nền tảng phát triển nội dung, môi trường Internet Việt Nam được kỳ vọng sẽ giảm bớt tình trạng tràn lan video "rác", chứa nội dung độc hại gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng.