Thế vận hội, hay Đại hội thể thao Olympic là sân chơi danh giá nhất hành tinh, cho toàn thể các môn thể thao phổ biến bậc nhất. Đây là nơi những nỗ lực, những giá trị về thể chất, tinh thần lên ngôi, sau rất nhiều năm trời rèn luyện của VĐV.
Thế nhưng, Olympic thời hiện đại đang biến thành sân chơi, cuộc chạy đua của tiền bạc, nhập tịch, doping và là nơi bị khủng bố, cướp giật, trộm cắp thường xuyên nhòm ngó.
Tại Olympic mùa Đông ở Sochi năm 2014, có ít nhất 120 VĐV (chiếm 4%) nhập tịch.
"Nhìn từ góc độ đạo đức, chuyện "chuyển nhượng" VĐV kiểu này rất nên tránh. Chúng ta không thể thích chuyện một VĐV bị thu hút tới các quốc gia khác, vì cơ hội hay vì tiền bạc" - Chủ tịch IOC Jacques Rogge chia sẻ từ năm 2000.
Đau đầu vì nạn nhập tịch, Olympic Rio 2016 cũng có nhiều scandal chấn động liên quan tới doping. Rất nhiều VĐV Nga đã bị loại khỏi sân chơi này vì doping. Nhưng khi Olympic diễn ra, người ta vẫn phát hiện thêm nhiều trường hợp vi phạm khác.
Vào tháng trước, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng đã công bố hơn 45 VĐV, trong đó có 31 người từng đoạt HC bị phát hiện sử dụng doping ở Thế vận hội tại Bắc Kinh, London.
Và nếu nhìn vào BXH Olympic những năm gần đây, giới mộ điệu không khó để nhận ra, 3 cái tên thường xuyên đứng đầu là những cường quốc có sự đầu tư cực lớn cho Thể thao, gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Nga vướng bê bối doping lớn chưa từng có.
Sân chơi thể thao giờ gắn liền với công nghệ và tiền bạc. Những đất nước giàu có, phát triển sẽ sở hữu những VĐV tốt nhất. Nhưng điều đó không chắc phản ánh đúng rằng cái "gốc" của những VĐV này vượt trội đối thủ tới từ những nền thể thao nghèo hơn.
Cuối cùng, mỗi ngày trôi qua, người ta đều có thể đọc được những thông tin về cướp bóc, trộm cắp ở Rio, mà mục tiêu bị nhắm vào là ban huấn luyện, VĐV và khán giả nước ngoài tới xem Olympic 2016.
Điều ấy khiến cho không khí ngày hội tại Rio mất đi sức sống và sự náo nhiệt rất nhiều. Vì người ta chỉ dám thoải mái ở trong những nơi tổ chức thi đấu. Còn bên ngoài, mọi thứ giống như một địa ngục trần gian.
Vậy thì, trong từng ấy những thứ tệ hại về Olympic, Hoàng Xuân Vinh có ý nghĩa gì?
Anh "chỉ" là một VĐV tới từ một nền thể thao mà rất nhiều kì Thế vận hội còn chẳng được xếp hạng, vì không có bất cứ huy chương nào.
Anh "chỉ" tới từ một nền thể thao, mà xung quanh còn nhiều tay súng phải tập khan vì thiếu đạn, phải chờ lúc đi tập huấn nước ngoài, hoặc về CLB Quân đội hiếm hoi có bia điện tử để... hội nhập với thế giới...
Nhìn vào Hoàng Xuân Vinh, NHM và những đồng nghiệp khác "chỉ" có thể ngưỡng mộ anh về tinh thần vượt khó, về ý chí xuất sắc, khi vượt trở lại VĐV chủ nhà, sau khi bị lật ngược thế cờ ở loạt bắn áp chót.
Sẽ không quá khi nói rằng, hình ảnh và tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh là giá trị nguyên thủy, cốt lõi nhất của Thế vận hội. Đó là giá trị của con người, bằng cách đẩy những khả năng, tố chất ưu việt của bản thân qua rất nhiều giới hạn, chinh phục thách thức về công nghệ (và có thể cả doping) để đạt tới đỉnh cao.
Thành tựu của Xuân Vinh là sức hút, động lực với không chỉ thể thao Việt Nam, mà còn với rất nhiều nền thể thao khác, rằng đạt thành tích ở Olympic hóa ra không phải luôn cần thật nhiều tiền bạc, hay sự hiện đại cũng như... doping.
Đấy mới là những giá trị thật, sức hút thật để thể thao phát triển.