Đồn đại về loài rắn khổng lồ ăn thịt trẻ con ở Indonesia

Song Hy |

Cách đây vài thế kỷ, hàng loạt những đứa trẻ ở một ngôi làng trên đảo Borneo, Indonesia mất tích không một dấu vết, dân làng tin rằng chúng bị một loài rắn khổng lồ ăn thịt.

Hàng trăm năm trước đây, một nhóm người bản xứ Borneo rời các ngôi làng của họ, đi vào rừng sâu, tìm kiếm mảnh đất cư trú mới để không phải núp dưới bóng của thực dân Hà Lan. Cuối cùng, họ dừng lại một rừng mưa nhiệt đới ở vùng núi gần trung tâm Borneo rồi bắt đầu xây nhà, trồng cây, bắt cá từ dòng sông gần đó. Tất cả đều rất ổn cho tới trẻ em bắt đầu biến mất.

8 ngày liên tiếp, ngày nào cũng có một đứa trẻ bặt vô âm tín. Để tìm hiểu nguyên nhân, người dân đặt bẫy và hy sinh một mạng người, dụ kẻ thủ ác ló mặt.

Tất cả sau đó đều kinh hãi khi thấy một sinh vật nổi lên từ dòng sông lớn. Nó không có chi và phủ một lớp vảy quanh người. Mọi người ban đầu tin đó là con rắn nhưng do kích thước của nó quá lớn, họ gọi nó là một con rồng. 2 con rồng khổng lồ màu sô-cô-la sau đó được tìm thấy quanh khu vực dân làng sinh sống.

Sau khi biết được lũ trẻ bị đưa lên một hang gần đó, dân làng tìm cách chế ra giáo, xẻng đào đường hầm tới đó. Khi xông vào, họ phát hiện "hai con rồng" khổng lồ, con nhỏ hơn có bề ngang to bằng thân cây dừa, màu sắc sặc sỡ. Để trả thù cho những đứa trẻ vô tội, dân làng cắt con lớn thành 2 nửa và tha cho con nhỏ.

Trên thực tế, đây chỉ là một câu chuyện truyền miệng được người dân Indonesia truyền tai nhau. Nhưng nhà thám hiểm Nadia Drake tin rằng tồn tại những con rắn có một vài điểm tương đồng với mô tả về "những con rồng" trong các mẩu chuyện nghe có vẻ hoang đường này.

Theo Drake, rừng nhiệt đới ở Borneo 140 triệu năm tuổi là một trong những khu rừng lâu đời nhất trên trái đất. Vào thời kỳ cuối của kỷ băng hà, các cầu đất đã nối Borneo với lục địa châu Á và các hòn đảo khác của Indonesia. Điều này giúp các sinh vật tới từ nhiều mảnh đất khác di cư và đẻ con trên hòn đảo này, một trong số đó là rắn.

Drake cho rằng có khoảng 150 loài rắn đang sinh sống trên đảo và thậm chí còn nhiều hơn. Chúng sống ở các ngóc ngách trong khu rừng, từ ngọn cây, cho tới các hang động hay ẩn dưới lớp lá rụng. Nhiều trong số đó rất nguy hiểm đối với con người.

"Vào khoảng 100 triệu cho tới 150 triệu năm trước, rắn tiến hóa nhanh chóng, một số còn tạo ra những cách thức mới để sát hại con mồi. Hầu hết các loại rắn đều có nọc độc, thậm chí cả những con được coi là vô hại",  Robert Stuebing, một nhà sinh vật học cho biết.

Theo Drake, nọc độc của nhiều trong số hàng trăm loài rắn đang sinh sống trên đảo Borneo hoàn toàn có thể giết chết một đứa trẻ. Nhưng những con rắn với vết cắn chết người như rắn cạp nong hay rắn san hô xanh lại không có ngoại hình giống những con rồng trong truyền thuyết. Drake vì vậy chuyển đối tượng khả nghi sang loài trăn ở Borneo. 

Chúng không sử dụng nọc độc mà dùng cơ thể ngoại cỡ siết chết con mồi, như loài trăn gấm có khả dài tới hơn 10 m.

Một vài năm trở lại đây, rất nhiều trường hợp trăn nuốt người được ghi nhận ở quốc gia vạn đảo. Tuy nhiên, trăn gấm thường ngồi chờ rình con mồi chứ ít khi đi tìm kiếm. Chúng có thể đợi chờ cả năm trời để tới bữa ăn tiếp theo chứ không phải loài rình rập bắt cóc trẻ con nhiều ngày liên tiếp.

Từ những lập luận này, Drake tin rằng câu chuyện những con rồng ăn thịt trẻ con có thể được người dân thêu dệt từ kỹ năng săn mồi của rắn hổ mang, nọc độc chết người của rắn cạp nong và kích thước khổng lồ của một con trăn,  nhưng chẳng ai có thể chắc chắn về điều này.

"Hiện nay, khu vực "những con rồng" xuất hiện được gọi là Teluk Naga. Phần còn lại của ngôi làng cùng những dụng cụ giết rồng vẫn còn nằm lại tại đó", Rusni, một cư dân địa phương cho hay.

Rusni và nhiều người nói vẫn thấy những con rồng nước xuất hiện gần đó - "những con rồng màu đen, sáng bóng và tơ lớn". "Nhưng chúng không bao giờ quanh quẩn ở một nơi nào đó lâu. Chúng có thể xuất hiện và biến mất theo ý chúng muốn", Rusni nhớ lại.

Rusni nói rằng anh sợ những sinh vật đó, nhưng nếu "chúng không làm phiền ta và ta cũng không động chạm gì tới chúng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại