Báo cáo do CBRE thực hiện về “Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014” cho biết Việt Nam thuộc top 10 quốc gia được đánh giá cao về tiềm năng bán lẻ bậc nhất khu vực. Tốc độ tăng tưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2008 – 2014 đạt 11,7%/năm và dự báo tăng trưởng 13% trong giai đoạn 2015 – 2018.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tỷ trọng doanh thu bán lẻ hiện đại từ 10% đã tăng thành 25% vào cuối năm 2014, nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp. Ví dụ, các thị trường lân cận như Thái Lan và Phillipines lần lượt đạt 34% và 33%, hay Malaysia và Singapore là 60% và 90%.
Như vậy, có thể thấy dư địa phát triển kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam còn khá lớn. Dự báo thị phần sẽ đạt 45% vào năm 2020.
Tiềm năng của thị tường bán lẻ Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện các tập đoàn phân phối lớn nước ngoài đã có mặt và triển khai đầu tư ở Việt Nam như: Aeon, Central/BigC, 7-Eleven, Lotte,...
Nói riêng về cửa hàng tiện lợi, Việt Nam được đánh giá là thị trường cửa hàng tiện lợi tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm 2017. Nguyên nhân nằm ở tỷ lệ đô thị hoá nhanh, dân số trẻ tăng nhanh và thu nhập cũng tăng cao hơn.
Thống kê của Forbes Việt Nam cho biết, tính đến tháng 4/2017, có khoảng 1.600 cửa hàng thuộc khoảng 10 thương hiệu lớn nhất triên thị trường. Dù vậy, con số này cũng nhanh chóng biến đổi vì các chuỗi liên tục mở rộng để giữ vững thị phần.
Trong bối cảnh đó, 7 – Eleven trong tháng 6 này sẽ gia nhập thị trường Việt. Tính đến cuối năm 2016, chuỗi đã có hơn 60.000 cửa hàng ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tính. Riêng đối với năm 2016, với tốc độ cứ 2,5 giờ mở 1 cái, tổng cộng 7 - Eleven đã có thêm 4.000 của hàng nữa.
Theo thông báo, cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam sẽ khai trương tại trung tâm TP.HCM. 7 - Eleven cũng cho biết sẽ có thêm khoảng 20 cửa hàng ra đời trong năm 2017, và sẽ tăng thành 100 cửa hàng trong 3 năm tiếp theo.
Sự gia nhập của chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới vào Việt Nam báo hiệu một cuộc cạnh tranh mới, khốc liệt và nóng bỏng hơn để giành miếng bánh thị phần.
Theo thống kê, hiện chuỗi Vinmart+ đang chiếm ưu thế về số lượng với 843 cửa hàng trên cả nước, kế tiếp là Circle K, vào Việt Nam năm 2008 hiện có 232 cửa hàng, B’s mart với 166 cửa hàng...
Giới chuyên gia cho biết, mặc dù bán lẻ là một miếng ngon béo bở, nhiều tiềm năng nhưng hiện tại, doanh nghiệp Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi hạn chế về nguồn lực, kỹ năng kinh doanh, hệ thống quản trị.
Trong khi đó, những nhà đầu tư nước ngoài, với kế hoạch bài bản, nhanh chóng, quyết liệt dưới nhiều hình thức: đầu tư trực tiếp, liên doanh liên kết, mua bán sát nhập đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường... Tính đến hiện tại, 53% thị trường thuộc về nhà đầu tư ngoại.
Dù vậy, không có nghĩa là doanh nghiệp Việt không còn cơ hội.
Trong một bài viết mới đây của mình, ông Nguyễn Ngọc Hoà, nguyên Chủ tịch HĐQT Co.op Mart đã nhấn mạnh, điểm mấu chốt trong cuộc chiến này là các nhà bán lẻ nội địa phải biết sử dụng và phát huy tối đa sự am hiểu, kiến thức và kinh nghiệm về thị trường nội địa để cạnh tranh với sức mạnh về quy mô của các nhà phân phối nước ngoài.