Đôi vợ chồng giàu có nắm tay nhau cùng chết và những bí mật đằng sau thiên tình sử Titanic

Phương Anh |

Ít ai biết rằng những gì thực tế diễn ra trong làn nước băng giá của Đại Tây Dương hơn 100 năm về trước cũng hấp dẫn và đầy sức truyền cảm không kém gì chuyện phim.

Đã 2 thập kỷ năm trôi qua và lịch sử điện ảnh vẫn chưa được chứng kiến một tác phẩm nào đạt thành công lớn như Titanic

Với 11 tượng vàng ở hầu hết các hạng mục quan trọng nhất, Titanic vẫn là bộ phim giành nhiều giải Oscar nhất từ trước đến nay

Cũng bởi thành công xuất sắc của bộ phim, từ chuyện tình yêu không phân biệt giai cấp cho đến những câu chuyện cảm động cũng như đáng trách diễn ra trong bối cảnh sự kiện thảm họa khủng khiếp khiến nhiều người cho rằng đây đều là sản phẩm hư cấu của các nhà làm phim đại tài.

Thế nhưng, ít ai biết rằng những gì thực tế diễn ra trong làn nước băng giá của Đại Tây Dương hơn 100 năm về trước cũng hấp dẫn và đầy sức truyền cảm không kém gì chuyện phim.

Có hay không cặp đôi Jack và Rose trên chuyến tàu Titanic tử thần?

Ngày đó, trong danh sách hơn 2000 hành khách của tàu Titanic cũng có một chàng trai với những đặc điểm gần như trùng khớp hoàn toàn với miêu tả nhân vật Jack trong phim của đạo diễn James Cameron.

Đó là một chàng trai người Ý có tên Emilio Portaluppi, là một hành khách ở khoang hạng hai. Cũng như Jack Dawson, Portaluppi có được tấm vé lên tàu vào phút cuối và anh được mời lên dùng bữa tại khoang hạng nhất ngay đúng đêm con tàu va phải tảng băng trôi định mệnh.

Đôi vợ chồng giàu có nắm tay nhau cùng chết và những bí mật đằng sau thiên tình sử Titanic - Ảnh 1.

Người mời Portaluppi lên khoang hạng nhất là vị tỷ phú giàu có nhất trên tàu lúc bấy giờ John Jacob Astor đệ tứ và vợ.

Không xấu số như Jack, Portaluppi thực tế lại là một trong số ít ỏi những người sống sót sau thảm họa chìm tàu. 

Mãi cho đến những năm cuối đời Portaluppi mới hé lộ cho các nhà báo địa phương ở Ý rằng ông đã từng phải lòng một nữ hành khách người Mỹ giàu có trên tàu mà nhiều người suy đoán người đó chính là quý bà Madelein Astor, vợ của tỷ phú Astor.

Không ai có thể biết được Jack và Rose của đời thực liệu có một lần nữa gặp lại nhau sau khi cả hai cùng qua mặt được tử thần trên chuyến tàu Titanic. Vậy là đã từng có một mối tình bất chấp mọi khác biệt như thế trên chuyến tàu lịch sử. Đó là mối tình đáng để lưu giữ cả cuộc đời, mãi tới tận khi gần đất xa trời mới hoài niệm lại.

Lựa chọn cái chết nếu không thể cùng sống bên nhau: Câu chuyện về cặp đôi cùng nắm tay nhau ra đi là có thật!

Một trong những phân cảnh lấy đi nhiều nước mắt nhất của Titanic là hình ảnh cặp vợ chồng già bình thản ôm chặt nhau trên nền nhạc da diết trước khi chìm xuống cùng con tàu.

Đây là một chi tiết hoàn toàn có thật nhưng câu chuyện thực tế còn gây xúc động mạnh mẽ hơn cả trên phim.

Isador và Ida Straus là một cặp vợ chồng giàu có và là hành khách của khoang hạng nhất. Dù đã được sắp xếp chỗ trên thuyền cứu sinh nhưng người chồng Isador đã từ chối lên thuyền khi vẫn còn nhiều phụ nữ khác vẫn còn mắc lại trên tàu.

Đôi vợ chồng giàu có nắm tay nhau cùng chết và những bí mật đằng sau thiên tình sử Titanic - Ảnh 2.

Nhất quyết không rời xa chồng, bà Ida kiên quyết: "Chúng ta đã chung sống từng ấy năm. Anh đi đâu thì em theo đó". Lần cuối người ta nhìn thấy họ là lúc hai người nắm tay nhau ngồi cùng trên băng ghế, chứ không phải nằm trên giường như cảnh phim.

Tàu Titanic chìm xuống nhưng tình yêu âm nhạc thì không bỏ cuộc

Trong cảnh phim tàu Titanic gãy đôi và dần hòa lẫn vào sóng biển, ban nhạc biểu diễn trên tàu vẫn tiếp tục chơi nhạc giữa thảm họa hỗn loạn. Nhạc trưởng thực sự của ban nhạc trên tàu Titanic, Wallace Henry Hartley là một nghệ sĩ violin.

Sau khi tai nạn xảy ra, Wallace Henry Hartley đã tập hợp ban nhạc lại và cùng chơi những bản jazz và valse ngay trên boong để trấn tĩnh những người còn lại trên tàu.

Không ai biết chính xác bản nhạc cuối cùng mà họ chơi là gì nhưng âm nhạc du dương đã vang lên không dứt suốt 2 tiếng đồng hồ. Các nghệ sĩ chỉ ngừng chơi 30 phút trước khi con tàu chìm hẳn. Tất cả các thành viên của ban nhạc cuối cùng đều đã bỏ mạng trong vụ đắm tàu.

Khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết cũng không thiếu những kẻ hèn nhát

Một trong những nhân vật có thực trên tàu Titanic được đạo diễn James Cameron lựa chọn chuyển tải lên phim là Bruce Ismay- giám đốc điều hành của hãng tàu White Star Line. Sau sự kiện Titanic, Bruce Ismay được báo chí lúc đó gán cho cái tên "kẻ hèn nhát của tàu Titanic". 

Trong phim, Ismay đã giả trang thành phụ nữ để lén lút trốn lên thuyền cứu sinh, bỏ lại thuyền trưởng cùng các thuyền viên trong nỗ lực cứu con tàu.

Các nhân chứng còn sống của Titanic cho biết thực tế thì không có chuyện vị giám đốc cải trang thành nữ như trên phim. Nhưng hắn cũng đã chen lấn dữ dội để tranh giành một chỗ trên thuyền. Sau cùng Bruce Ismay cũng bị dư luận lên án mạnh mẽ và phải từ chức.

Khi phải đối diện với cái chết cũng là lúc bản chất của con người lộ diện rõ ràng nhất. Sau cùng thì người ta lựa chọn điều gì là quan trọng nhất khi thần chết đã cận kề?

Chọn tình yêu, chọn người thân, chọn trách nhiệm với những người xung quanh hay chọn chính bản thân mình. Lựa chọn cuối cùng đó sẽ nói lên tất cả về một con người.

Đôi vợ chồng giàu có nắm tay nhau cùng chết và những bí mật đằng sau thiên tình sử Titanic - Ảnh 3.

Sự kiện Titanic trở nên vĩ đại như vậy không phải vì có bao nhiêu người đã chết mà bởi có bao nhiêu người đã chọn chết vì danh dự. Từ các triệu phú cho đến những kẻ nhập cư không xu dính túi, phần lớn trong số họ đã sẵn sàng chờ chết vì một quy luật bất thành văn "Ưu tiên phụ nữ và trẻ em".

Hơn 100 năm sau thảm họa và 20 năm sau bộ phim cùng bao câu chuyện cảm động, một câu hỏi vẫn ám ảnh những người biết đến sự kiện Titanic: lựa chọn của bạn là gì?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại