Một căn nhà riêng là mơ ước của nhiều cặp vợ chồng, dù sống ở thành thị hay vùng quê. Nhưng với những người sống ở thành phố lớn, giá cả bất động sản cao "ngút trời", chi tiêu đắt đỏ, để ước mơ trở thành hiện thực không phải là điều dễ dàng.
Đôi khi, họ phải thực sự liều lĩnh và quyết đoán với có thể có nhà riêng.
Gia đình chị T. (TP. Vũng Tàu) là một ví dụ của sự liều lĩnh, quyết đoán "ăn tiền" đó. Nhớ lại những tháng ngày sóng gió vừa qua, chị T. "hú hồn" vì gia đình đã vượt qua thành công, dù có không ít trục trặc.
Chị T. cho hay, gia đình chị có 4 người, hai vợ chồng chị và 2 con, 1 trai 1 gái. Cuối năm 2015, với tổng thu nhập của hai vợ chồng là 30 triệu/tháng, có trong tay 400 triệu tiền tiết kiệm, anh chị quyết tâm vay mượn để mua nhà riêng.
Chị nhẩm tính, anh chị sẽ vay ngân hàng 700 triệu và vay mượn thêm bạn bè người thân chút đỉnh để mua lại một căn nhà cấp 4 với giá 1.3 tỷ đồng.
Với mức thu nhập ổn định như trên, chị tự tin, chỉ cần khéo co kéo một chút, gia đình chị sẽ sống khỏe và có một căn nhà riêng.
Căn nhà đang ở chỉ là nhà cấp 4, với nhiều người là bình thường, nhưng đó là kết quả nỗ lực làm việc và vay mượn trả nợ của chị T. và chồng.
Mọi chuyện những tưởng sẽ suôn sẻ, nhưng đúng ngày vợ chồng chị T. nhận giấy tờ nhà, hoàn thành thủ tục vay ngân hàng cũng là ngày chị bị đột ngột cho nghỉ việc với lý do cắt giảm nhân sự.
Khi ấy, trong tay anh chị là 700 triệu tiền vay ngân hàng (600 triệu anh chị trực tiếp vay, 100 triệu mẹ chồng chị cầm cố đất ngoài quê để vay), 120 triệu tiền chị vay được của nhà chồng, hơn 400 triệu tiền để dành.
Khi nghỉ việc, người ta trả cho chị khoảng 60 triệu tiền "hưu non" nữa. Lương tháng hai vợ chồng đang 30 triệu, giờ hụt còn một nửa.
Đếm đi đếm lại, tiền có trong tay chưa đủ để mua nhà, chị T. cố gắng đàm phán với chủ nhà (cũng là một người bạn của chị) để bớt cho anh chị chút đỉnh, coi như là tiền sang sửa nhà cửa trước khi chuyển về.
Chốt giá, chị T. mua được căn nhà cấp 4 khá rộng rãi với giá 1,2 tỷ đồng.
Phòng khách đơn giản nhưng ấm cúng nhà chị T.
Những chuỗi ngày sau đó, với chị T. cực kỳ căng thẳng. Trước khi bị nghỉ việc đột ngột, chị T. có thuê một người giúp việc nhà.
Giờ việc làm đã mất, nợ nần chồng chất, nhà có rồi nhưng còn cần sang sửa gọn gàng, chị T. đành nói khó cho bà giúp việc nghỉ làm, còn chị tạm thời sẽ ở nhà trông con và tìm việc mới.
"Những ngày đầu ở nhà là những ngày tôi vô cùng căng thẳng và mệt mỏi.
Tôi rối đầu với cái khoản nợ ngân hàng vừa mới vay đấy cả. 600 triệu vợ chồng tôi vay ngân hàng, phải trả góp trong 5 năm, mỗi tháng trả 10 triệu tiền gốc, năm đầu tiên được lãi suất ưu đãi là khoảng 3,8 triệu/tháng, tổng khoảng 14 triệu.
Tiền thuê nhà không mất nữa, nhưng tiền ăn uống hằng ngày, đủ các thứ khác để chi tiêu thì vẫn vậy.
Từ năm thứ hai trở đi, lãi suất thả nổi lên cao, mỗi tháng chúng tôi phải lo gần 15 triệu tiền trả ngân hàng. Nhiều khi cảm thấy ngột ngạt vì quyết định liều lĩnh của mình". - chị nhớ lại.
Căn nhà có 2 tầng, khá rộng rãi nên vợ chồng, con cái chị T. có thể thoải mái sinh hoạt hơn hồi ở nhà thuê.
Biết nhà cửa căng thẳng, chồng chị T. động viên, làm tư tưởng với vợ, khuyên vợ "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", ở nhà nghỉ ngơi chăm con một thời gian rồi tìm công việc khác.
Chị nghỉ ở nhà chừng 1 tháng thì có công ty mời chị đi làm với mức lương 11 triệu, nhưng chỗ làm thì xa, mức lương thì thấp hơn so với mức lương chị có trước đó nên chị không nhận lời.
3 tháng sau khi nghỉ làm, chị vẫn chưa tìm được công việc ưng ý. Có chút tiếc nuối, chị bảo: "Phải chi lúc đó tôi cứ nhận lời và làm tạm cho đến khi tìm được công việc tốt hơn để còn có thêm tiền trả nợ, nhà sẽ đỡ túng hơn.
Giờ nghĩ lại chị vẫn thấy hơi tiếc".
Phòng vệ sinh đủ các thiết bị nhà chị T.
Đợi mãi vẫn chưa xin được công việc phù hợp, mức lương ưng ý, chị T. cảm thấy mệt mỏi và lo lắng.
Với người tham công tiếc việc, đi làm quen rồi như chị thì việc ở nhà quả thật rất tù túng, bức bách, cộng thêm việc phải căn ke chi tiêu để vừa trả nợ hàng tháng, vừa ăn uống, học hành của của nhà, khiến chị cảm thấy rối đầu.
Đến tháng 4/2016, chị vào làm ở công ty hiện tại, mức lương thấp hơn ngày xưa nhưng cũng đủ xoay sở.
"Bây giờ, tổng lương của vợ chồng tôi khoảng 26 triệu/tháng, không thể vừa trả nợ, vừa chi dùng, vừa để dư ra được vài triệu để có tiền dự phòng như dự tính ban đầu nhưng vẫn đủ chi tiêu, dễ thở hơn khi tôi chưa đi làm lại nhiều.
Nhà tôi có 2 bé, bé lớn học trường công lập, bé nhỏ học trường tư, tiền học một tháng của 2 bé chừng 3 triệu, tiền sữa cho 2 bé là 1,2 triệu, tiền cáp tivi, tiền điện nước, tiền ga 1 triệu, thêm tiền ăn khoảng 5 triêu nữa.
Nhà tôi gần như ăn cơm nhà 3 buổi, lâu lâu cuối tuần hoặc tối nào đi làm về mệt quá, nhà tôi mới đi ăn ngoài thôi. Chồng tôi chỉ thích ăn cơm nhà chứ không ăn quán, nên tiền cafe quán xá gần như không mất" - chị T. nhẩm tính.
Chuyện sắm sửa quần áo đồ đạc thì anh chị chia ra, tháng này sắm sửa cho con thì tháng sau đến bố mẹ. Nếu tháng nào có đám cưới, ma chay hay việc gì khác thì không sắm sửa nữa.
Đồ đạc trong nhà thì anh chị dùng những đồ đã có trước đó, không mua sắm gì thêm.
Nhìn lại quãng thời gian đã qua, khi mọi thứ đã tạm ổn định, chị T. đúc kết, để có được nhà riêng thì phải liều... vay nợ.
"Có nợ mới lo toan bộn bề mà trả nợ. Chứ như trước đây, vợ chồng tôi làm được nhiều tiền hơn, không nợ nần gì nên cứ chi tiêu tẹt ga.
Tính chồng tôi cũng thoải mái, nên mỗi lần ăn nhậu, đi du lịch cùng bạn bè người thân, chúng tôi chi hết. Thành thử hồi đó chẳng tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Bây giờ, có áp lực nên phải tự co kéo cho đủ.
Tiền trả lãi ngân hàng, tính ra cũng không cao hơn tiền đi thuê nhà hồi xưa bao nhiêu.
Vay tiền để mua nhà thì cái nhà đó còn là của mình , còn đi thuê, mỗi năm cũng mất bốn năm chục triệu, lại còn phải lo chuyển nhà khi không hợp hay chủ nhà đòi bất ngờ.
Có cái nhà rộng rãi, thoáng mát, con cái cũng đỡ ốm đau, bố mẹ cũng khỏe người "
Chị T cho biết phải vay nợ thì nhà chị mới có chỗ ở ổn định.
Các khoản chi tiêu nhà chị T:
1. Tiền học cho 2 con: 3.000.000 đồng
2. Tiền sữa cho 2 con: 1.200.000 đồng
3. Tiền ăn uống cả nhà: 5.000.000 đồng
4. Tiền sắm sửa hoặc tiền ma chay cưới hỏi: 1.000.000 đồng
5. Tiền cáp tivi, điện, nước, ga: 1.000.000 đồng
6. Tiền xăng xe, điện thoại , lặt vặt : 1.000.000 đồng
7. Tiền trả ngân hàng: 14.500.000 đồng
Tổng cộng: 26.700.000 đồng
Căn bếp nhỏ nơi chị T nấu ăn cho cả nhà.
Kết thúc cuộc nói chuyện với tôi, chị T. bảo: "Đôi khi trong cuộc sống cần phải liều mới thắng được.
Lúc mới rơi vào cảnh nợ nần, lại thất nghiệp như vậy, nhiều người dè bỉu, trách móc tôi là sao trước có tiền không biết lo tiết kiệm, rồi có việc lương thấp chút cũng cứ làm đi…
Phán xét nhiều lắm! Nhưng giờ qua hết rồi! Chúng tôi rất vui vẻ, hạnh phúc. Chúng tôi vẫn dành thời gian đi café, gặp bạn bè, cuối tuần vẫn chở nhau đi tắm biển, đi dã ngoại, cảm giác cuộc sống bình yên, mặc dù mình không giàu.
Nếu mỗi người cố gắng trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua".