Đàn con nheo nhóc, ăn cơm trắng với nước tương
Căn nhà tuy rộng rãi nhưng đã xuống cấp, xập xệ, trần nhà thủng lung tung, có chỗ như muốn sập xuống là nơi anh Lộc Lộc (40 tuổi, quê ở Châu Thành, An Giang) và chị Nà (39 tuổi, quê ở Vị Thanh, Hậu Giang) cùng 6 đứa con đang sinh sống (2 đứa gửi ở quê). Tuy nhiên, đây cũng chẳng phải nhà của anh chị mà hiện đang thuê với giá 1 triệu đồng/tháng.
Bên trong chẳng có một món đồ nào có giá trị. Cả nhà trải chiếu và một miếng bạt lớn ở căn phòng phía trong để ngủ, quần áo, chăn màn ngổn ngang. Trong bếp, chiếc nồi cơm điện đã hỏng phải lấy lõi nấu trên bếp gas, mấy chai nước mắm, nước tương là bữa tối của cả gia đình.
Anh Lộc, chị Nà trước đây đi làm ở Vũng Tàu, sau đó quen biết và nên duyên vợ chồng. Hiện tại đã kết hôn được 17 năm, có tổng cộng 8 đứa con. Đứa lớn nhất 17 tuổi, đứa bé nhất 8 tháng tuổi. Bé lớn không được khôn ngoan nên anh chị gửi con ở quê với mẹ già năm nay đã 80 tuổi, có người anh trai của chị Nà hỗ trợ ăn uống, thuốc men cho cháu. Đứa con thứ hai khoảng 15 tuổi, gửi một người dì nuôi giúp ở ngoài Vũng Tàu.
Hơn 1 tháng nay, gia đình anh chị từ Vũng Tàu về Hậu Giang sinh sống. Năm 24 tuổi, anh Lộc trong lúc đi làm phụ hồ, bị điện giật, phải cắt bỏ hết gân hai bàn tay, một phần ở hai bàn chân nên chân tay giờ không còn được lành lặn. Hàng ngày, anh Lộc mưu sinh bằng nghề bán vé số. Hôm nào đông khách, anh bán được khoảng 150 tờ, lãi 150 nghìn đồng, có hôm chỉ bán được khoảng 100 tờ.
Chị Nà ai thuê gì thì làm ấy, có hôm đi phụ chồng bán vé số. Mỗi buổi đi dọn dẹp thuê được trả khoảng 60-70 nghìn đồng. Hai vợ chồng gom lại, khéo chi tiêu cũng đủ trang trải cho cả gia đình. Hôm nào bán được, anh Lộc đi chợ mua thêm thức ăn, chục trứng để dành, hoặc có người hàng xóm tốt bụng cho cá thì cả nhà được bữa cơm có thức ăn. Còn không, bữa cơm quen thuộc của vợ chồng anh Lộc cùng 6 đứa con là cơm trắng trộn nước tương.
3 đứa con ở giữa ở anh Lộc, chị Nà đi học lớp tình thương ở nhà thờ. Tan học chúng đi chơi luôn ở quanh xóm, khi nào thấy đói thì về ăn cơm, bố mẹ cũng chẳng biết con đi đâu. Hàng ngày khi anh Lộc, chị Nà đi làm thì bé thứ 3 nay nay gần 14 tuổi ở nhà trông các em.
“Lúc đẻ thì chẳng nghĩ gì nhưng giờ tôi thấy khổ rồi"
Như bao buổi tối khác, chị Nà lấy nồi cơm nguội nấu từ buổi trưa ra, múc từng thìa vào bát, rót thêm nước tương cho 3 đứa con út lần lượt 3 tuổi, gần 2 tuổi, 8 tháng tuổi ăn. 3 đứa trẻ ngây thơ, đói bụng nên ăn rất ngon. Chỉ vào đứa con trai hơn 2 tuổi, chị Nà cho biết vì có em nên thằng bé bị cắt sữa. Bố mẹ chỉ đủ khả năng mua sữa cho bé út mà thôi.
Khi được hỏi có dám sinh con nữa hay không? Vợ chồng anh Lộc, chị Nà đều nói rất sợ đẻ rồi. Trước đây, chị Nà có uống thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng vì hay quên nên anh chị mới “vỡ kế hoạch” nhiều lần.
“Lúc đẻ thì chẳng nghĩ gì nhưng giờ tôi thấy khổ rồi. Nhìn các con nheo nhóc, khổ sở, tôi buồn và thương con. Đông con thì oải lắm nhưng biết sao được, con mình thì mình phải nuôi”, anh Lộc nói.
Cuộc sống tuy nghèo khó, thiếu thốn đủ đường nhưng anh Lộc, chị Nà không bao giờ nghĩ đến việc cho con. Sướng khổ có cha mẹ, con cái vui vầy, các con cũng là nguồn động lực lớn lao để hai vợ chồng cố gắng mỗi ngày.
Nguồn: Tiến Sài Gòn