Liên quan đến vụ việc một số đối tượng đã dùng dao để cưỡng đoạt tiền trông xe ôtô tại khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), công an quận Hoàng Mai đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Minh (36 tuổi) về hành vi cướp tài sản.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết, hành vi phạm tội của đối tượng là đã sử dụng phương tiện nguy hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt 30.000 đồng tiền gửi xe ôtô của anh Đ.
Căn cứ Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 hướng dẫn áp dụng một số qui định của BLHS thì "phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) như búa đinh, các loại dao sắc, nhọn...
Cùng với đó, bãi gửi xe trên không thuộc quyền quản lý của các đối tượng trên, không được nhà nước cho phép đăng ký trông giữ, do đó, hành vi này có dấu hiệu phạm tội cướp tài sản được quy định tại điểm d, khoản 2 điều 133 BLHS.
"Căn cứ vào các tình tiết được nêu thì hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Minh là đã sử dụng dao -phương tiện nguy hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản được quy định tại diểm d, khoản 2, điều 133 Bộ luật Hình sự và có thể đối diện với mức án 15 năm tù", luật sư Thơm nêu rõ.
Đồng quan điểm đó, luật sư Nguyễn Đức Long cũng cho hay, với các tình tiết được nêu, Nguyễn Văn Minh đã có những hành vi đe dọa bằng lời nói và vũ lực mà cụ thể là dùng dao đe dọa nếu không đưa 30.000 đồng thì sẽ đâm.
Luật sư Long phân tích thêm, ở đây, theo thông tin, Nguyễn Văn Minh đã dùng dao nhọn có chiều dài khoảng 30cm đâm anh Đ. và mũi dao chạm ngực trái, nhưng do anh phản ứng kịp thời nên con dao bị bật ra ngoài.
"Như vậy, ở đây có thể thấy, hành vi của đối tượng Minh là hành vi dùng vũ lực để cướp tài sản dù có thể chưa gây ra thương tích cho nạn nhân.
Hành vi này rõ ràng là rất nguy hiểm cho xã hội và thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác.
Căn cứ theo các quy định hiện hành thì hành vi này đã vi phạm vào Điều 133 của Bộ luật Hình sự quy định về tội cướp tài sản", luật sư Long nói.
Cũng theo luật sư Long, ngoài Nguyễn Văn Minh thì hai đối tượng cùng với Nguyễn Văn Minh tham gia đe dọa nhằm cướp 30.000 đồng của anh Đ. dù không có hành vi dùng vũ lực nhưng đều bị coi có hành vi dùng vũ lực và cũng có thể bị xem xét, xử lý về hành vi đồng phạm, giúp sức.
"Ở đây, cơ quan công an điều tra sẽ làm rõ vai trò của hai người bị triệu tập cùng Nguyễn Văn Minh trong vụ việc đe dọa dùng vũ lực chiếm đoạt 30.000 đồng của anh Đ. là xúi giục, tổ chức hay biết mà không tố giác tội phạm...
Tùy thuộc vào mức độ, tính chất, cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý phù hợp", luật sư Long cho biết thêm.
Trước đó, chiều 21/11, anh Nguyễn Tiến Đ. (Thanh Trì, Hà Nội) đến thăm một người bạn tại tòa nhà CT1A1, KĐT Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội).
Khi ra về, anh bị một đối tượng xưng là bảo vệ tòa nhà đòi 30.000 đồng tiền trông giữ xe. Do anh Đ. không đồng ý trả tiền, đối tượng này đã gọi thêm một đối tượng được xác định tên là Minh đến hỗ trợ và dùng lời lẽ thô tục, vũ lực ép nộp tiền.
Người này đã dùng dao nhọn có chiều dài khoảng 30cm đâm anh Đ. Mũi dao chạm ngực trái, nhưng do anh phản ứng kịp thời nên con dao bị bật ra ngoài.
Trước sức ép của nhóm thanh niên, anh Đ. phải trả tiền và kịp quay clip cảnh nhóm Minh nhận tiền của mình. Hôm sau, anh Đ. đến trụ sở công an trình báo. Sau một ngày điều tra, công an đã làm rõ hành vi của Minh. Cơ quan chức năng cũng triệu tập hai người liên quan khác để phục vụ điều tra.
Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực đe doạ, dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.