Bangladesh là đối thủ thường xuyên cạnh tranh vị trí số 2 thế giới với Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may. Ở vị trí số 1 luôn là Trung Quốc.
Theo báo cáo của Hiệp hội dệt may Việt Nam vào tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so năm 2022.
Trái với sự chững lại của Việt Nam, Bangladesh đã vượt lên chiếm vị trí thứ 2 trong lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng may mặc. Tuy nhiên, ngành may mặc của Bangladesh đang phải đối mặt với giá cước vận chuyển tăng cao bởi tác động lan tỏa từ an ninh bất ổn trên Biển Đỏ.
Bangladesh bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Hai tháng sau khi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen bắt đầu tấn công các tàu container ở Biển Đỏ vào tháng 11/2023, Mỹ và Anh đã trả đũa bằng các cuộc không kích tên lửa từ cuối tuần trước, buộc các chủ hàng lớn nhất thế giới phải chuyển hướng khỏi tuyến đường thương mại quan trọng bậc nhất thế giới.
Trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng bởi xung đột hiện nay, Bangladesh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngành may mặc của nước này là động lực cốt lõi của nền kinh tế, mang lại 47 tỷ USD vào năm ngoái trong tổng số khoảng 55 tỷ USD thu nhập xuất khẩu hàng năm.
Ước tính hơn 65% hàng may mặc xuất khẩu trị giá hàng tỷ USD của quốc gia Nam Á này được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ thông qua tuyến đường Biển Đỏ - kênh đào Suez, vốn được đánh giá là nhanh và hiệu quả nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, cảng chính tại đây với mực nước nông có nghĩa là ngay cả khi không có sự gián đoạn địa chính trị, quốc gia này vẫn cần nhiều thời gian hơn để giao hàng theo đơn đặt hàng.
Các công ty vận tải biển đã tăng từ 40% đến 50% phí vận chuyển container từ Bangladesh đến Châu Âu và Châu Mỹ. Nhưng những mức giá đó cho sẽ còn tiếp tục tăng thêm 20% đến 25% nữa trong bối cảnh bất ổn tiếp tục kéo dài.
Các công ty mất đơn hàng vào tay đối thủ
Tập đoàn Sparrow của Shovon Islam sản xuất quần áo cho các thương hiệu thời trang hàng đầu như Banana Republic, J.Crew và Marks & Spencer. Trong tuần trước, Islam cho biết ông đã mất đơn đặt hàng 150.000 sản phẩm trị giá vài triệu USD từ một khách hàng hàng đầu ở Mỹ.
"Tôi không thể giao hàng đúng hẹn. Thời gian vận chuyển bị tăng lên ít nhất 10 ngày và chi phí tăng gần 50%", Islam nói. Ông nói, công việc kinh doanh cuối cùng đã rơi vào tay một đối thủ cạnh tranh Indonesia có thời gian vận chuyển ngắn hơn.
Mặc dù Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may mặc sẵn lớn thứ hai sau Trung Quốc nhưng nước này không thể giao hàng nhanh chóng do cảng Chattogram quan trọng của nước này không đủ sâu để các tàu container lớn cập bến.
Do đó, các nhà xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh thường xuất khẩu sản phẩm của họ từ Chattogram trên các tàu trung chuyển chở các lô container nhỏ đến các tàu lớn cập cảng Colombo, Singapore, Kelang hoặc Tanjung Pelepas. Quá trình này làm tăng thời gian giao hàng của Bangladesh thêm khoảng 15 ngày.
Nhập khẩu sợi từ Trung Quốc và Ai Cập cũng yêu cầu hình thức chuyển giao tương tự, nghĩa là phải mất khoảng 10 ngày nữa trước khi các nhà máy may mặc có thể bắt đầu hoạt động.
"Chúng tôi luôn phải đưa ra mức giá rẻ nhất do yêu cầu nhiều hơn 15-20 ngày so với các quốc gia sản xuất hàng may mặc lớn khác. Chưa kể về mặt thời gian thực hiện, chúng tôi luôn chịu sức ép phải hoàn thành nhanh chóng và chỉ một sự gián đoạn nhỏ nhất trong chuỗi cung ứng cũng có thể ảnh hưởng đến chúng tôi theo hướng rất nghiêm trọng", Islam giải thích.
"Cuộc xung đột ở Biển Đỏ này có thể sẽ ảnh hưởng đến Bangladesh nhiều hơn cuộc chiến Ukraine-Nga", Islam nói.
Nhiều nhà sản xuất hàng may mặc lớn hiện đang mất đơn hàng hoặc thua lỗ. Rakibul Alam Chowdhury của Tập đoàn RDM đã được người mua châu Âu yêu cầu chuyển hàng qua đường hàng không để đáp ứng nhu cầu may mặc thường cao hơn của phương Tây vào đầu năm mới.
Chowdhury, đồng thời là phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) cho biết: "Vận chuyển hàng không có chi phí cao gấp 10-12 lần so với đường biển. Nếu vận chuyển bằng đường hàng không, điều đó có nghĩa là đơn hàng đó khả năng cao sẽ bị lỗ. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
Ruhul Amin Sikder, tổng thư ký BICDA cho biết: "Vì phải di chuyển theo tuyến đường Mũi Hảo Vọng thay vì kênh đào Suez nên các tàu chở container phải ở trên biển ít nhất 25 ngày nữa. Sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng này tạo ra một cuộc khủng hoảng container".
Tồi tệ hơn cả là cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ chưa phải vấn đề cuối cùng mà các doanh nghiệp Bangladesh phải đối mặt. Dữ liệu từ BGMEA cho thấy xuất khẩu sang Mỹ – nước mua sản phẩm may mặc lớn nhất của Bangladesh – đã giảm 25% xuống 6,79 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2023, từ mức 9,04 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Siddiqur Rahman, cựu chủ tịch của BGMEA, giải thích rằng Bangladesh đã kỳ vọng ngành này sẽ mang lại ít nhất 50 tỷ USD vào năm 2023 và phần lớn thu nhập đến trong nửa đầu năm trước khi đơn đặt hàng bị đình trệ.
Ông nói: "Chi phí trên mỗi sản phẩm của chúng tôi cũng tăng đáng kể do giá sợi tăng. Vì vậy, thu nhập thực tế không tăng nhiều."