Tuy nhiên, ông Pavel cho biết liên minh gồm 28 quốc gia, chủ yếu từ châu Âu và Bắc Mỹ, vẫn quan tâm đến việc hỗ trợ các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có mong muốn phát triển khả năng quốc phòng, hoặc chia sẻ thông tin tình báo và tập luyện về an ninh hàng hải.
Trên cơ sở này, tướng Pavel nói rằng NATO cũng rất chú ý "tìm kiếm cơ hội" hợp tác giữa liên minh với ASEAN.
"Chúng tôi đang cố gắng hiện diện nhiều nhất trong khu vực của mình và không can thiệp vào vấn đề của khu vực khác," ông nói với tờ Straits Times (Singapore) và đại diện các hãng truyền thông từ Việt Nam, Nhật Bản ngày 3/6, bên lề hoạt động Đối thoại Shangri-La.
Đại diện NATO cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ xem xét cẩn trọng những tuyên bố chủ quyền và các động thái của Trung Quốc ở biển Đông, bởi chúng tôi vẫn chưa rõ ràng về ý đồ của Bắc Kinh...
Nhưng chúng tôi sẽ ủng hộ bất kỳ giải pháp khu vực nào dựa trên nền tảng đàm phán về chính trị và ngoại giao."
Ông cho hay, NATO ủng hộ các giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột và thúc giục các bên liên quan tuân thủ luật pháp cùng các nguyên tắc quốc tế.
Trước đây, Mỹ đã kêu gọi sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây trong vấn đề biển Đông, làm dấy lên quan ngại ở Trung Quốc rằng NATO có thể "bị lôi kéo" hiện diện ở khu vực này.