Đối thoại ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Trung lần 2: “Ông nói gà, bà nói vịt”

Thu Thủy |

Sau một thời gian trì hoãn, cuộc Đối thoại ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Trung lần 2 đã được tổ chức ngày 9.11 tại Washington. Nhưng mặc dù không khí ban đầu khá hòa dịu, hai bên đều tìm cách sử dụng ngữ khí hòa hiếu, quan chức cao cấp của Washington và Bắc Kinh đã không tìm cách che giấu sự bất đồng trên các vấn đề then chốt.

Tân Hoa xã cho biết, các ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ James Mattis đồng chủ trì. Cùng tham gia còn có Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Tại cuộc họp báo chung sau khi kết thúc cuộc đối thoại, hai bên đều bày tỏ cuộc đối thoại "thẳng thắn, có tính xây dựng và có kết quả". Nhưng những gì diễn ra có vẻ không hoàn toàn như vậy…

Theo giới thiệu của hai ông Mike Pompeo và Dương Khiết Trì, trong khi đối thoại, hai bên đã thảo luận về những vấn đề rộng rãi, bao gồm: vấn đề Triều Tiên, hạt nhân của Iran, Đài Loan, Biển Đông, nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, quan hệ mậu dịch Mỹ - Trung và việc chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo Donald Trump – Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G-20.

Ông Mike Pompeo nói: "Sự hợp tác Mỹ - Trung là cần thiết. Mỹ tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Về vấn đề hạt nhân của Iran, Mỹ cũng hy vọng có thể hợp tác với Trung Quốc". Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giao lưu giữa hai quân đội, cho rằng,sự giao lưu đó sẽ giúp giảm thiểu xung đột khi xuất hiện khủng hoảng.

Đối thoại ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Trung lần 2: “Ông nói gà, bà nói vịt” - Ảnh 1.

4 nhà lãnh đạo tổ chức họp báo chung sau khi kết thúc hội đàm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng nhấn mạnh: sự cạnh tranh Mỹ - Trung không có nghĩa nhất định là sự đối địch. Trong khi còn có thể hợp tác được, sự gặp gỡ ở cấp cao giữa hai quân đội có lợi cho việc giữ ổn định quan hệ hai quân đội và rất quan trọng đối với việc phát triển quan hệ hai nước.

Về vấn đề bất đồng lớn giữa hai bên, ông Mike Pompeo nói: "Tôi cũng rất thành khẩn nói về bất đồng rất lớn giữa chúng ta. Chúng tôi bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục các hành động quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tuân thủ những điều cam kết trước đây. Về quan hệ vững chắc giữa chúng tôi với Đài Loan dân chủ, tôi nhấn mạnh, lập trường của nước Mỹ không thay đổi, nhưng chúng tôi cũng quan tâm đến việc Trung Quốc tăng cường hành động, cưỡng bức người khác, hạn chế không gian quốc tế của Đài Loan". Ông Mike Pompeo cũng bày tỏ "lo ngại" đối với Trung Quốc trong các vấn đề tôn giáo và người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Về những bất đồng này, ông Dương Khiết Trì đã lên tiếng đáp trả tại cuộc họp báo. Ông nhắc lại luận điệu cho rằng Trung Quốc bố trí "những thiết bị an ninh" trên các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng và tôn tạo phi pháp là "để đối phó với mối đe dọa đến từ bên ngoài" và "bất cứ quốc gia nào cũng không nên dùng bất cứ cớ nào để quân sự hóa khu vực này". Ông Dương Khiết Trì còn nói: tại Biển Đông không tồn tại vấn đề cản trở tự do hàng hải. Việc lấy cớ tự do hàng hải để tiến hành các hoạt động quân sự hóa là không đứng vững.

Về vấn đề Đài Loan, ông Dương Khiết Trì yêu cầu Mỹ tuân thủ "nguyên tắc một nước Trung Quốc và quy định trong 3 bản thông cáo chung Trung – Mỹ, thận trọng xử lý những việc liên quan đến vấn đề Đài Loan. 

Ông Dương Khiết Trì nói, nguyên tắc "một nước Trung Quốc" là cơ sở chính trị quan trọng trong quan hệ Trung – Mỹ. Cho rằng "thế lực Đài Loan độc lập và hoạt động chia rẽ là mối đe dọa lớn nhất của tình hình ổn định ở eo biển Đài Loan, Mỹ cần nhận thức rõ về điều này".

Tuy khi họp báo, ông Mike Pompeo không hề nhắc đến "Luật quan hệ Đài Loan", nhưng trong bản thông báo của chính phủ Mỹ phát đi buổi chiều cùng ngày có nêu: trong khi hội đàm, phía Mỹ đã xác nhận trên cơ sở Luật quan hệ Đài Loan và cam kết về chính sách "một nước Trung Quốc" trong 3 bản thông cáo chung. Mỹ kêu gọi Trung Quốc khôi phục sự ổn định ở Eo biển Đài Loan, tôn trọng không gian quốc tế của Đài Loan. Mỹ "phản đối mọi hành vi của bất cứ bên nào nhằm thay đổi hiện trạng, bao gồm mọi hành động vũ lực hoặc cưỡng ép".

Về việc "nguyên tắc một Trung Quốc" của Trung Quốc và "chính sách một Trung Quốc" của Mỹ có gì khác nhau, ông Dương Khiết Trì không trực tiếp trả lời mà nhắc lại lập trường của Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh Đài Loan là bộ phận lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc; Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì nguyên tắc này vì nó liên quan đến chủ quyền, ôn nghiêm, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khi phát biểu cũng lại nhấn mạnh "nếu Đài Loan bị chia cắt, quân đội Trung Quốc không tiếc mọi giá để giữ gìn sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giống như cuộc Chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ khi xưa".

Về cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo Tập Cận Bình – Donald Trump sắp tới, ông Dương Khiết Trì nói: "cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị G-20 tại Argentina này có ý nghĩa trọng đại. Hai bên Trung – Mỹ tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo cho cuộc gặp gỡ quan trọng này đạt thành quả tích cực".

Theo SCMP, tại cuộc họp báo chung, ông Dương Khiết Trì đã cảnh cáo Mỹ "chấm dứt ngay việc đưa tàu chiến và máy bay" đến vùng biển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tôn tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, "ngừng ngay các hành vi gây tổn hại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc".

Tuy nhiên, ông James Mattis đáp trả, Mỹ sẽ tiếp tục hành động cho máy bay, tàu chiến bay và hành trình tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép. Đồng thời, ông Mike Pompeo cũng thẳng thừng phê phán Mỹ quân sự hóa Biển Đông. Thông cáo của chính phủ Mỹ về cuộc đối thoại này viết: Mỹ kêu gọi Trung Quốc triệt thoái các thiết bị gây tranh cãi và hệ thống tên lửa ra khỏi quần đảo Trường Sa, đồng thời nhắc lại tất cả các nước cần tránh dùng cách uy hiếp hoặc dọa dẫm để giải quyết vấn đề. Mỹ vẫn cam kết tự do bay, hải hành và diễn tập tại bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép".

Đối thoại ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Trung lần 2: “Ông nói gà, bà nói vịt” - Ảnh 4.

Hai ông Dương Khiết Trì và Mike Pompeo công khai đấu khẩu tại cuộc họp báo chung về các vấn đề Biển Đông, Đài Loan và người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Trang tin Đa Chiều và tờ Military Times của Mỹ cũng đưa tin: Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ chấm dứt việc đưa máy bay và tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo mà họ gọi là "của Trung Quốc ở Nam Hải". Tuy nhiên, phía Mỹ đã phản bác, khẳng định sẽ tiếp tục tự do bay và hàng hải tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép.

Trang tin Đa Chiều cũng dẫn tin của trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, chiều 9.11, ông Ngụy Phượng Hòa đã hội đàm với ông James Mattis. Ông Ngụy Phượng Hòa nói, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đã đạt được một loạt nhận thức chung quan trọng, là chỉ dẫn chiến lược cho sự phát triển quan hệ Trung – Mỹ. Hai bên cần tích cực thực hiện nhận thức chung của hai nhà lãnh đạo, nỗ lực thực hiện không xung đột,không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng… Hai bên cần tích cực xử lý ổn thỏa quan hệ hai quân đội, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chiến lược, mở rộng giao lưu hợp tác, khống chế ổn thỏa nguy cơ, nghiên cứu tìm biện pháp quy tắc ngăn ngừa xung đột, va chạm ngoài ý muốn, nỗ lực để quan hệ hai quân đội trở thành "khí cụ giữ ổn định quan hệ hai nước".

Ông James Mattis nói, Mỹ không có ý định bao vây Trung Quốc, mục tiêu trước sau của Mỹ là phát triển quan hệ hai quân đội có tính xây dựng. Hy vọng quân đội hai bên dùng cơ chế đối thoại để trao đổi phối hợp, tăng cường quản lý nguy cơ, tránh phán đoán sai lầm, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Đài RFI tiếng Trung nhận xét, tại cuộc họp báo chung mặc dù không khí ban đầu khá hòa dịu, hai bên đều tìm cách sử dụng ngữ khí hòa hiếu, nhưng các quan chức cao cấp của Washington và Bắc Kinh đã không tìm cách che giấu sự bất đồng trên các vấn đề then chốt, bao gồm vấn đề Biển Đông, Đài Loan và người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Nhìn chung, dư luận đánh giá, cuộc đối thoại ngoại giao và quốc phòng  lần này chỉ góp phần làm dịu quan hệ căng thẳng giữa hai bên, tạo tiền đề cho cuộc gặp gỡ Tập Cận Bình – Donald Trump vào cuối tháng 11 này, chứ không đạt được bất cứ tiến triển thực chất nào trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại