Trong dự báo đưa ra vào đầu năm 2016, Stratfor tin rằng thế giới trong thập kỷ tới sẽ trở nên nguy hiểm hơn với sự suy thoái quyền lực Mỹ và những cường quốc khác hứng chịu khủng hoảng và suy thoái liên tiếp.
1. Nga bị phân rã
“Sẽ không có cuộc đảo chính nào ở Moscow, tuy nhiên khả năng yếu kém để duy trì và kiểm soát Liên bang Nga rộng lớn sẽ khiến quốc gia này sụp đổ”, Stratfor cảnh báo. “Liên bang Nga sẽ tan rã”.
Các lệnh trừng phạt kinh tế, giá dầu giảm, đồng rúp giảm, chi phí quân sự gia tăng, mâu thuẫn nội bộ tăng cao sẽ khiến cho chính quyền trung ương Nga suy yếu.
Nga sẽ không bị chia năm xẻ bảy nhưng quyền lực của Moscow sẽ bị giảm tới mức Nga sẽ biến thành nhiều vùng tự trị khác nhau thay vì một lãnh thổ độc nhất, ổn định.
2. Mỹ dùng vũ lực để duy trì ưu thế hạt nhân quốc gia
Vũ khí hạt nhân Nga trải khắp một diện tích rộng lớn. Nếu như sự tan rã về chính trị ở Nga xảy ra như Stratfor dự đoán thì nguy cơ mỗi khu vực tự trị sở hữu một lượng khí tài khổng lồ là hoàn toàn có cơ sở.
Sự phân tán của kho vũ khí hạt nhân Nga trong 10 năm tới “sẽ là thảm họa tồi tệ nhất thập kỷ”. Và như vậy, chắc chắn Mỹ sẽ phải điều bộ binh khắp nước Mỹ nhằm đảm bảo an toàn cho kho vũ khí.
3. Đức sẽ có vấn đề nghiêm trọng
Đức là quốc gia xuất khẩu và được lợi rất nhiều từ tự do mậu dịch, thương mại xuyên suốt EU và đồng tiền chung euro.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa rằng nếu khủng hoảng đồng euro xảy ra, Đức sẽ hứng chịu nhiều tác động liên hoàn và dẫn tới chủ nghĩa bài euro trong nội địa.
Nhu cầu trong nước không thể bù đắp cho sự thiếu hụt nếu vấn đề khủng hoảng euro và xuất khẩu sụt giảm xảy ra. Quốc gia này chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng trì trệ như Nhật Bản trước đây.
Các chuyên gia ở Stratfor nhận định Đức sẽ gánh chịu nhiều tác động kinh tế nghiêm trọng trong thập niên tới.
4. Ba Lan là một trong những lãnh đạo châu Âu mới
Ba Lan giống Đông Đức và tình hình sẽ không tồi tệ lắm. “Trung tâm phát triển kinh tế và ảnh hưởng chính trị sẽ là Ba Lan”, báo cáo viết.
Dân số Ba Lan không sụt giảm nhiều như những quốc gia châu Âu khác. Quốc gia phồn thịnh nhất biên giới phía Tây nước Nga sẽ trở thành bá chủ khu vực và dần dần chiếm vị thế lớn hơn trong ưu thế địa chính trị toàn châu Âu.
5. Sẽ có 4 châu Âu
Châu Âu sẽ không như kì vọng và không thể trở thành một khu vực hợp nhất. Trong tương lai, châu Âu sẽ chia thành 4 khu vực lớn là Tây Âu, Đông Âu, Scandinavia và Anh.
Liên minh châu Âu vẫn tồn tại ở mặt nào đó, tuy nhiên nền kinh tế, chính trị, quân sự của toàn châu Âu sẽ bị kiểm soát bởi các mối quan hệ đa phương hoặc song phương hạn hẹp.
6. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đồng minh thân cận nhưng vì lí do khác
Một số quốc gia Ả Rập đang gặp bất ổn và Stratfor tin rằng mâu thuẫn này chưa chấm dứt ngay trong thập kỷ tới. Quốc gia được hưởng lợi lớn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ với đường biên giới từ Biển Đen tới Syria và Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ dù không muốn cũng phải giải quyết mâu thuẫn ở biên giới với những quốc gia Ả Rập láng giềng. Khi chính quyền Ankara mạnh hơn, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là đồng minh không thể thiếu của Mỹ.
Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ nếu cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự gần biên giới Armenia thì Mỹ phải giúp quốc gia Tây Nam Á này đối phó với Nga.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn tiếp tục cho Mỹ tham gia vào công việc chính trị và quân sự ở quốc gia mình. Mỹ sẽ giúp đỡ nhưng cái giá đổi lại là phải chung tay hạn chế sức mạnh của Nga”.
7. Trung Quốc sẽ gặp vấn đề lớn
10 năm tới, Trung Quốc sẽ đối mặt kinh tế suy giảm khiến bất đồng của người dân trong nước gia tăng.
Bắc Kinh còn phải đối mặt với vấn đề nữa lớn hơn, đó chính là phát triển kinh tế không đều giữa các vùng miền. Khu vực ven biển phát triển quá nóng nhưng miền tây thì ít được tiếp cận thị trường quốc tế và do đó nghèo hơn. Đô thị hóa càng làm cho vấn đề nghiêm trọng.
Sự bất cập về kinh tế của vùng ven biển và vùng nội địa Trung Quốc chỉ đào sâu thêm hố ngăn cách trong nước. Mâu thuẫn vùng miền từ lâu đã tồn tại cố hữu trong lịch sử Trung Quốc.
Chính sách đầu tư nhiều hơn hoặc tái bổ sung nguồn lực cho các vùng nghèo khó chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các thế lực kinh tế vùng ven biển.
8. Nhật sẽ là cường quốc hải quân mới
Nhật Bản có truyền thống hải quân nhiều thế kỉ. Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng hải quân và chắc chắn sẽ kiểm soát mạnh tay hơn khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông và thậm chí cả Ấn Độ Dương.
Nhật không còn lựa chọn nào khác là ngăn cản sự trỗi dậy và bành trướng của Trung Quốc và bảo vệ các tuyến hàng hải cốt lõi của mình. Với nền kinh tế Mỹ suy yếu, Nhật sẽ phải tự tay xây dựng “cơ đồ”.
9. Biển Đông chưa “dậy sóng”
Các quốc gia trong khu vực sẽ chưa leo thang quân sự ở Biển Đông, tuy nhiên đây vẫn là điểm nóng của bất ổn khu vực.
“Đánh nhau vì những đảo nhỏ không mang lại giá trị lớn về kinh tế nên không thể là vấn đề trong khu vực này”, báo cáo dự đoán.
“Hơn nữa, thế chân vạc sẽ xuất hiện. Nga sẽ dần mất đi khả năng bảo vệ các lợi ích trên biển. Nhật và Trung Quốc sẽ ngăn cản quốc gia còn lại chiếm thêm đảo hoặc biển”.
10. Sẽ có 16 “tiểu Trung Quốc”
Kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc, phát triển sản xuất đình đốn. Điều này là tin vui cho nhiều quốc gia. Những công việc tay chân đơn giản mà Trung Quốc vốn “nuốt trọn” sẽ được chia đều cho 16 quốc gia đang phát triển khác với tổng dân số 1,15 tỉ người.
Vậy nên khi nền kinh tế Trung Quốc kém phát triển, các biến đổi chính trị, kinh tế sẽ diễn ra.
Các quốc gia gồm Mexico, Nicaragua, Dominica, Peru, Ethiopia, Uganda, Kenya, Tanzania, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka, Lào, Việt Nam, Campuchia, Philippines và Indonesia sẽ có nhiều cơ hội hơn về kinh tế khi việc làm đa dạng hơn xuất hiện.
11. Mỹ suy yếu
Khi thế giới trở thành một địa điểm hỗn loạn và khó dự đoán hơn trong 10 năm tới, Mỹ sẽ khôn ngoan hơn với những phản ứng trước thách thức mới thay vì giải quyết mọi vấn đề.
Một nền kinh tế hàng đầu thế giới, sản xuất năng lượng nội địa gia tăng, xuất khẩu giảm, sự an toàn do vị trí địa lý biệt lập sẽ giúp Mỹ có ưu thế để tránh được các cuộc khủng hoảng liên miên trên thế giới.
“Mỹ sẽ vẫn là cường quốc về chính trị, kinh tế, quân sự hàng đầu thế giới nhưng sẽ ít tham gia giải quyết các vấn đề hơn so với trước đây”.