Đa số những người thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng ở Trung Quốc đều chọn cách nạp tiền vào thẻ giao thông để khỏi mất công lục tìm tiền lẻ mỗi khi lên xe bus.
Tùy từng tuyến xe sẽ có những mức giá khác nhau, nhưng thường chỉ giới hạn ở mức vài tệ.
Ở Trung Quốc, đa phần trên các tuyến xe bus đều không có người thu vé, hành khách tham gia giao thông khi lên xe sẽ tự giác bỏ tiền vào chiếc hòm nhỏ ngay trên đầu xe, vì vậy, nếu không chuẩn bị sẵn tiền lẻ, sẽ không có ai trả lại tiền thừa cho bạn.
Ở đất nước đông dân nhất thế giới này, hàng ngày, mỗi phương tiện giao thông công cộng chuyên chở tới cả ngàn hành khách và số lượng tiền lẻ mà họ thu được cuối ngày là không hề nhỏ.
Tiền lẻ ở Trung Quốc có cả tiền xu và tiền giấy với các loại mệnh giá: 5 tệ, 2 tệ, 1 tệ, 5 hào, 2 hào, 1 hào (1 tệ bằng khoảng 3500 đồng). Các công ty xe bus tại Trung Quốc có những nhân viên chuyên phụ trách kiểm kê số tiền này.
Nhiều người cho rằng việc kiểm tiền chẳng có gì là vất vả cả, chỉ là ngồi một chỗ và đếm thôi. Thế nhưng, với số lượng tiền lẻ như núi mỗi ngày, lại thêm các quy trình phân loại phức tạp, công việc của những nhân viên chuyên trách kiểm tiền ở các công ty xe bus này không hề đơn giản chút nào.
Cứ vào 7h30' hàng ngày, các nhân viên kiểm tiền của công ty vận tải hành khách Nam Thông ở thành phố Trường Xuân phải sắp xếp đâu ra đấy các khoản tiền thu được trong ngày hôm trước.
Không chỉ phân loại tiền theo mệnh giá, những nhân viên này còn phải xếp riêng tiền mới và tiền cũ.
Từng cọc tiền: 1 tệ giấy mới, 1 tệ giấy cũ, 1 tệ xu, 5 hào giấy cũ, 5 hào giấy mới, thậm chí là cả cọc tiền giả ngay ngắn được niêm phong và đóng dấu, sau đó được cất vào nơi quy định và chờ đợi các công đoạn kiểm tra, đối chiếu tiếp theo.
Tiền, đặc biệt là tiền giấy là thứ được truyền qua tay nhiều người trong ngày vào những hoàn cảnh khác nhau nên thường chứa cực kỳ nhiều vi khuẩn, thậm chí còn được coi là đại bản doanh đủ mặt "giang hồ hiểm ác" trong giới vi và siêu vi trùng gây bệnh: từ anh E.Coli ăn bẩn đến mấy tay bặm trợn viêm gan siêu vi, lỵ trực trùng...
Những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tiền có nhiều nguy cơ bị mắc các loại bệnh nan y, thậm chí cả những căn bệnh không tưởng, ví dụ như trường hợp một nhân viên thu ngân gần đây bị phát hiện mắc bệnh... hoa liễu vì đếm tiền bẩn.
Vì vậy, công việc tưởng chừng đơn giản này thực ra lại ẩn chứa rất nhiều mối nguy hại, thế nhưng không phải ai cũng hiểu.
Mỗi ngày, các nhân viên kiểm tiền ở các công ty này luôn phải quay cuồng giữa các cọc tiền lẻ, vì số liệu tiền thu được trong ngày luôn được kiểm tra rất kỹ càng với nhiều công đoạn rồi mới được chuyển tới ngân hàng.
Nhìn thấy những cọc tiền chất cao như núi tại đây, có lẽ nhiều người sẽ không dám phán bừa rằng: "Đếm tiền chẳng có gì khó khăn!" nữa.