Bà Asma al-Assad rất hiếm khi xuất hiện ở nơi công cộng. Đệ nhất phu nhân Syria là một gương mặt khả ái với gu ăn mặc sành điệu. Theo giới quan sát, bà là một phụ nữ hiện đại khác biệt trong thế giới Ảrập.
Sinh năm 1975 ở London, bà Asma al-Akhras lớn lên ở Anh, được bạn bè gọi là Emma. Bà tốt nghiệp Đại học King's ở London năm 1996 và có bằng cử nhân hạng nhất về khoa học máy tính, và bằng về văn học Pháp.
Bà biết nói nhiều thứ tiếng, như Ảrập, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Sau khi ra trường, Asma làm chuyên gia phân tích kinh tế tại Deutsche Bank Group, thuộc bộ phận quản lý quỹ phòng ngừa rủi ro với các khách hàng ở châu Âu và Đông Á.
Năm 1998, bà đầu quân cho J.P. Morgan, làm việc cùng một nhóm chuyên về các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm.
Bà Asma al-Akhras gặp ông Bashar al-Assad trong những năm 1990, khi ông đang học tại London ngành bác sĩ nhãn khoa. Tháng 6/2000, ông trở thành Tổng thống Syria và tháng 12 năm đó, họ kết hôn.
Lễ cưới khiến nhiều người ngạc nhiên, vì trước đó không có thông tin nào trên báo chí về việc họ hẹn hò hay đính hôn. Hai người hiện có 3 con: Hafez, Zein và Karim.
Trước khi cuộc nội chiến bùng nổ ở Syria vào tháng 3/2011, Đệ nhân phu nhân Asma mong muốn gây dựng hình ảnh là một nhà cải cách. Các thương gia địa phương thường xuyên ca ngợi hình ảnh hiện đại của vợ chồng Tổng thống Syria.
Năm 2011, tạp chí Vogue mô tả vợ của Tổng thống Syria là "bông hồng trong sa mạc".
Nhưng khi Syria rơi vào xung đột, Asma al-Assad lại trở thành một nhân vật gây tranh cãi. Bà hứng chịu nhiều chỉ trích vì vẫn giữ im lặng trong lúc người dân đau khổ vì bạo lực.
Gần một năm sau đó bà mới có thông điệp chính thức gửi tới truyền thông quốc tế. Trong email gửi cho báo The Times, bà bênh vực chồng: "Tổng thống là Tổng thống của Syria chứ không phải của một phe nhóm Syria nào, và Đệ nhất phu nhân ủng hộ ông trong vai trò đó".
Việc bà Asma hiếm khi xuất hiện nơi công cộng đã dẫn tới nhiều đồn đoán rằng bà đã rời khỏi thủ đô Syria vào năm 2012.
Tuy nhiên, Đệ nhất phu nhân Syria đã có mặt tại sự kiện "Cuộc tuần hành của Mẹ" tháng 3/2013 và một lần nữa tái xuất vào tháng 10/2013, dập tắt tin đồn bằng lời khẳng định: "Hôm qua tôi đã ở đây, hôm nay tôi ở đây và ngày mai tôi sẽ lại ở đây".
Tháng 3/2013, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định phong tỏa tài khoản và cấm đi lại đối với bà Asma và các thành viên thân thiết trong gia đình Tổng thống Syria.
Động thái này nằm trong loạt đòn trừng phạt nhằm vào chính quyền Damascus. Bản thân Asma vẫn có thể tới Anh vì bà là công dân Anh nhưng không thể tới các nước khác thuộc EU.