Đôi gánh Xiểng "đo tài năng, đọ sức vóc" chàng rể mới của người Bình Định

Nguyễn Gia |

Đôi gánh Xiểng do người cha miệt mài đan trong suốt 1 năm để chuẩn bị cho ngày trọng đại của con trai, được chú Phùng giữ gìn như báu vật đã gần 50 năm.

Người dân tại xã Hoài Hải (Hoài Nhơn, Bình Định) lâu nay quen gọi chú Nguyễn Hữu Phùng (68 tuổi) là Năm "Nhờ”. Tên gọi này đã gắn liền với chú hơn nửa đời người và cũng xuất phát từ đôi Xiểng.

Đôi gánh Xiểng trong phong tục cưới xưa

Chú Phùng còn nhớ, hồi chú mười tám, đôi mươi, phong tục cưới hỏi của người Bình Định được tổ chức khá kỹ theo 6 bước hay còn gọi là Lục lễ: Lễ thăm nhà và Sơ vấn (lễ nói), Lễ hỏi, Lễ đại nạp, Lễ cưới, Lễ nghinh hôn (rước dâu) và Lễ hồi dâu.

Trừ lễ hồi dâu thì 5 bước lễ còn lại nhà trai phải mang đến nhà gái một cặp rượu, một cặp trà, trầu cau và một góc tư (một xị) rượu trắng. Các cặp rượu, trà trên sẽ được nhà gái đặt trang trọng nơi bàn thờ như là một sự chấp nhận hôn nhân, còn góc tư rượu trắng thì được rót mời đôi bên khi hành lễ. Xong lễ, nếu còn rượu thì phải sang vào hũ của nhà gái rồi đưa lại nhà trai cầm chai không về.

Đôi gánh Xiểng đo tài năng, đọ sức vóc chàng rể mới của người Bình Định - Ảnh 1.

Chú Phùng được cha đan tặng đôi gánh Xiểng.

Trong lễ nghinh hôn, ngoài những lễ phẩm trên, khi nhà trai qua nhà gái rước dâu thì chú rể phải gánh trên vai đôi gánh Xiểng. Mỗi đồi Xiểng buộc phải có từ 4 đến 6 đòn bánh tét, một quả bánh khô, một mâm trầu cau đã được têm. Nhà trai nếu có điều kiện hơn, sẽ bỏ vào một ít tiền trong Xiểng để phụ thêm nhà gái tổ chức tiệc cưới.

Trước khi tiễn nhà trai về, nhà gái phải có thủ tục “lại Xiểng”, tức là bỏ lại một ít quà trong đôi gánh Xiểng cho người gánh đem về.

Đám cưới ngày xưa, nhà trai đi qua nhà gái rước dâu đều phải đi bộ chứ không hiện đại như bây giờ. Có lẽ việc đi bộ tiện cho việc phát triển gánh thúng trở thành đôi gánh Xiểng. Một là bảo vệ được lễ vật mang qua nhà gái. Hai là thể hiện sự “thăm dò” sức khỏe của chú rể khi gánh đôi gánh Xiểng xem có đủ để gồng gánh gia đình, bảo vệ được con gái nhà Nẫu hay không?

Lão nông nghèo tự đan Xiểng cho con

Đôi gánh Xiểng đo tài năng, đọ sức vóc chàng rể mới của người Bình Định - Ảnh 2.

Chị Dư, em gái chú Phùng cũng được đàng trai đem sính lễ bằng chính đôi gánh Xiểng do cha mình để lại.

Xiểng hay còn gọi là “cặp Nừng”, là một đôi gánh đan bằng tre như đôi bầu bán cốm, nhưng nhỏ và đẹp hơn nhiều. Xiểng làm hai tầng, có chân đế và nắp đậy, xung quanh trang trí hoa văn, kẻ chữ rất đẹp. Chỉ có nhà đại hào, đại phú mới sắm nổi đôi gánh Xiểng, còn nhà thường dân thì muốn sang phải đến mượn, lúc xong việc phải có mâm trầu, bánh trái tạ ơn người đã cho mượn Xiểng.

Nhà chú Phùng khi đó bữa đói bữa no. 18 tuổi, như bao trai tráng trong làng biển nghèo đến tuổi cập kê, chú Phùng để ý cô gái cùng làng và ngỏ lời xin cha mẹ năm sau qua hỏi cưới.

Trai cả muốn ra ở riêng mà trong nhà chưa chuẩn bị được gì khiến ông Nguyễn Lặt nhiều đêm mất ngủ. Sính lễ thì gom góp dần rồi cũng đủ, nhưng còn đôi gánh Xiểng dùng trong ngày đón dâu thì biết tính sao. Đi mượn thì sợ người ta nói “nghèo còn học làm sang”, không có thì e đàng gái nghĩ đàng trai không coi trọng.

Sau nhiều ngày suy đi tính lại, ông Lặt quyết định tự tay đan đôi gánh Xiểng. Vậy là ngoài thời gian ra biển kéo lưới bắt cá, thời gian còn lại ông Lặt bắt đầu hành trình “tạo” đôi gánh Xiểng cho con trai.

Để đan được đôi gánh Xiểng vừa đẹp, vừa bền, phải chọn loại tre không non, không già, mọc thẳng, có độ cứng cao. Cả 4 bụi tre quanh nhà lựa mãi ông Lặt mới tìm được loại như ý.

Tre sau khi đốn hạ sẽ bỏ hết cành lá, chỉ lấy phần thân và đem phơi cho tái sau đó cạo vỏ, đánh bóng. Rồi cho vào lò, dùng rơm hoặc lá tre để hun khói, vừa có tác dụng tạo màu, vừa giúp làm khô nguyên liệu, lại giúp chống cong vênh, chống mối mọt. Sau khi hun lấy màu, tre sẽ có màu nâu tây hoặc nâu đen. Khi tre nguội sẽ được đem đi uốn thẳng và chẻ sợi.

Xong phần nguyên liệu mới đến phần đan. Phần này cần tỉ mỉ và chắc tay, sao cho các mắt Xiểng đều nhau, đan tới đâu chắc tới đó.

Đôi gánh Xiểng đo tài năng, đọ sức vóc chàng rể mới của người Bình Định - Ảnh 3.

Vợ chú Phùng tuy không được đàng trai gánh đôi Xiểng đem sính lễ, nhưng nghe chuyện cha chồng đan Xiểng suốt 1 năm đã rất xúc động và hạnh phúc.

Ông Lặt cần mẫn đan đôi gánh Xiểng ngày này qua ngày khác, có những đêm giật mình tỉnh giấc, chàng trai 18 tuổi thấy cha vẫn chong đèn cặm cụi. Rồi nhiều hôm anh thấy mắt cha đỏ quạch vì thiếu ngủ. Chú Phùng đưa lời can ngăn, nói cha đừng đan nữa nhưng ông Lặt quyết làm cho xong.

“Cha tôi đã đan đôi gánh Xiểng trong 1 năm trời để chuẩn bị cho tôi gánh lễ qua nhà gái hỏi cưới. Đan Xiểng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỳ công. Nhà giàu đại phú hào thì họ mua, mình nghèo thì chỉ tự đan", chú Phùng bồi hồi nhớ lại.

Người tính không bằng trời tính, khi đôi gánh Xiêng đã hoàn thành được 1 bên thì ông Lặt bị ốm, trận ốm kéo dài cả tháng, rồi sau đó sức khỏe của ông yếu đi nhiều, bàn tay run run không đủ sức kéo chặt những đường đan. Việc đan đôi gánh Xiêng vì thế mà bị chậm lại. Đến ngày cưới của chú Phùng (năm 1975) chiếc Xiểng còn lại vẫn chưa hoàn thiện.

“Cha tôi buồn lắm, ông sợ đàng gái phật ý, nhưng bên nhà vợ tôi cũng nghèo nên rất hiểu và thông cảm. Suy cho cùng thì điều quan trọng nhất vẫn là sau này vợ chồng sống với nhau sao cho ấm êm, hạnh phúc”, chú Phùng nói.

Đôi Xiểng sau đó vẫn được ông Lặt túc tắc hoàn thành, coi như sự chuẩn bị cho những người con kế.

Và cũng từ đó, trong làng có đám cưới hỏi đều sang mượn đôi gánh Xiểng của ông Lặt để đựng sính lễ đón dâu. Vừa giữ được nét truyền thống, vừa lan truyền duyên hạnh phúc của những cặp đôi đi trước.

Cha mất, đôi gánh Xiểng vẫn được chú Phùng giữ gìn cẩn thận cho người làng mượn dùng khi cần. Những người thuê mượn đều gửi tiền nhưng chú đều không nhận, họ lại bỏ vào Xiểng nửa cây bánh Tét, một ít trầu cau, một chai rượu gọi là Lộc bà khi trả đôi gánh Xiểng

Và tên gọi Năm "Nhờ” của chú Phùng xuất phát từ việc cho mượn nhờ đôi gánh Xiểng mà không lấy tiền.

Chú Phùng cũng không biết đôi gánh Xiểng xuất hiện từ khi nào trong phong tục cưới hỏi. Bởi từ khi chú nhỏ xíu, các đám cưới trong làng đều có sự xuất hiện của đôi gánh Xiểng trên vai chú rể vào ngày đón dâu.

Sau này lớn, có đôi ba lần anh em chú Phùng hỏi ông bà, cha mẹ về nguồn gốc đôi gánh Xiểng nhưng tất cả đều lắc đầu. Họ chỉ biết rằng đôi gánh Xiểng ăn sâu bén rễ trong tâm trí họ là một trong những vật không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi của người Bình Đinh. Nó tượng trưng cho hình ảnh vợ chồng mãi đôi mãi cặp.

Chú Phùng tự hào cho biết, đôi Xiểng đã giúp cho rất nhiều cặp nên duyên, trong đó có cả em trai và em gái chú.

Ngày nay, phong tục cưới hỏi của các địa phương được đơn giản hóa hơn rất nhiều. Nhắc đến đôi gánh Xiểng có lẽ ít người biết.

Đôi gánh Xiểng của cha để lại đã không còn ai đến hỏi mượn, chú Phùng lau sạch rồi cất giữ như báu vật gần 50 năm nay. Nhiều người sưu tầm đồ cổ, đồ độc lạ đến nhà ngỏ ý muốn mua với giá cao nhưng chú Phùng lắc đầu cười nhẹ thay lời từ chối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

31 dự án được vinh danh tại Human Act Prize 2024: Một tinh thần Việt Nam hào sảng, để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ

31 dự án được vinh danh tại Human Act Prize 2024: Một tinh thần Việt Nam hào sảng, để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ

14/12/2024 18:30

Tối 14/12, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, Ban tổ chức giải thưởng Human Act Prize 2024 sẽ vinh danh những dự án xuất sắc, có những đóng góp lớn lao cho cộng đồng.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top