Đời cay đắng của diễn viên cao 1m48: "Vợ ho ra máu mà trong nhà chỉ có 20 nghìn đồng"

Hương Hương |

"Thời điểm ngặt nghèo nhất là ngày vợ tôi ho ra máu vì bị lao phổi nhưng trong nhà chỉ có vẻn vẹn 20.000 đồng...", diễn viên Lê Khâm kể.

Lê Khâm là gương mặt quen thuộc với khán giả ở sân khấu kịch Hồng Vân nhiều năm nay và là học trò ruột của nghệ sĩ hài Trung Dân.

Lăn lộn trong nghề hơn 10 năm với đủ các thể loại tấu hài, kịch dài, phim ảnh... nhưng cái tên Lê Khâm chỉ thực sự được biết đến từ gameshow "Đấu trường tiếu lâm" cách đây gần 1 năm.

Trước đề nghị chia sẻ về đời tư và con đường làm nghệ thuật, Lê Khâm bảo: "Cuộc sống và con đường vào nghệ thuật của tôi rất cơ cực. Có sao tôi kể vậy nhưng chị viết tế nhị dùm vì tôi không muốn khán giả thương hại mình"

Cơ cực cả trong đời và trong nghề

Để đến và tồn tại được với nghề hơn chục năm là chặng đường dài đối với một chàng trai sinh ra trong gia đình nghèo ở miền quê nghèo như Lê Khâm. Tôi biết, với một diễn viên không nổi tiếng thì mưu sinh là chuyện không dễ dàng...

Tôi quen với cuộc sống cơ cực từ nhỏ. Gia đình tôi rất đông anh em. Bố mẹ làm việc vất vả cũng chưa bao giờ gia đình đủ ăn. Suốt những năm học cấp 1, tôi chỉ mặc 1 bộ đồ. Muốn có bộ khác là phải mặc lại của các anh. Thậm chí, tôi thường xuyên bị kêu lên cột cờ đứng vì không có tiền đóng học.

Hoàn cảnh đó khiến tôi tự lập và biết suy nghĩ sớm hơn so với các bạn. Học hết lớp 12, tôi tự bắt xe đò xuống Sài Gòn ôn thi. Thi xong hết tiền về quê, tôi và cậu bạn thân quyết định ở lại Sài Gòn kiếm việc làm thêm.

Chúng tôi tới một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Phan Văn Trị quận Gò Vấp. Họ giới thiệu cho hai đứa làm sơn nước ở một công trình xây dựng ngay góc bãi đỗ xe Nhà hát Thành phố bây giờ.

Đời cay đắng của diễn viên cao 1m48: Vợ ho ra máu mà trong nhà chỉ có 20 nghìn đồng - Ảnh 1.

Lê Khâm trên phim truyền hình

Hai thằng dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe vòng vòng tới hơn 6 giờ mới mua được chiếc nón bảo hộ màu vàng. Không còn tiền để ăn sáng, hai thằng ra công viên gần đó ngồi chờ tới 7 giờ sáng để vào làm.

Người ta phát cho bạn tôi một cái búa và dùi để đục gạch đá. Còn tôi giữ dây điện và phích cắm để mấy người làm điện nước cưa. Tôi vừa đứng giữ vừa gà gật ngủ. Cậu bạn sau khoảng nửa tiếng thì đòi bỏ về vì tay bầm tím và sưng vù. Gạch đá cứng quá nên cứ đập trúng tay hoài.

Chúng tôi tới trung tâm giới thiệu việc làm để đòi tiền cọc nhưng họ bắt quay lại công trình xin giấy xác nhận của chỉ huy trưởng công trình là "không phù hợp với công việc". Đợi tới trưa, chúng tôi cũng xin được giấy và quay về trung tâm nhận 50% tiền cọc tương đương 50.000 đồng.

Hồi đó, xăng 3000 đến 4000 đồng 1 lít nên 50.000 là một số tiền lớn với hai thằng bé nghèo như chúng tôi.

Trong lúc ngồi đợi người ta trả tiền cọc, tôi thấy có người tới trung tâm nhờ tuyển 20 người phụ hồ. Tôi liếc giấy thấy ghi địa chỉ là 122 Võ Văn Tần. Vậy là hai thằng bảo nhau chạy thẳng xuống đó xin việc.

1 tháng sau, hai thằng theo công trình xuống làm thạch cao ở bệnh viện Hùng Vương. Quãng đường đi làm hàng ngày hơn 20 km, công việc vất vả, bụi thạch cao bám lỗ chân lông, về tắm kì cọ thế nào cũng không sạch. Dội nước, nước trôi tuột như dội trên dầu mỡ... Vậy mà vẫn kiên trì không bỏ việc.

Đến khi đi học cao đẳng, tôi lại vùi đầu vừa học vừa làm để lo học phí và miếng ăn hàng ngày. Cuộc sống ấy dạy tôi rất nhiều thứ. Nó khiến tôi ranh ma hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm, cơ hội kiếm tiền, cơ hội sinh tồn...

Đời cay đắng của diễn viên cao 1m48: Vợ ho ra máu mà trong nhà chỉ có 20 nghìn đồng - Ảnh 2.

Và trên sân khấu cùng nghệ sĩ hài Trung Dân

Còn cuộc sống hiện tại thì sao?

Hiện nay tôi đã nghỉ diễn ở sân khấu Hồng Vân và đang diễn ở sân khấu Trịnh Kim Chi. Ngoài diễn kịch dài tôi vẫn đi đóng phim, quay clip, game show... mỗi thứ một chút.

Có những lúc show bèo lắm, lại đi xa nhưng vui vẫn nhận. Tính tôi đó giờ vậy, nghèo thì nghèo thật, túng thiếu cũng túng thiếu thật nhưng không vui thì không làm.

Con tôi mới được 18 tháng nên kinh tế trong nhà phụ thuộc hoàn toàn vào tôi. Tôi tự nhủ cố gắng được ngày nào hay ngày đó. Tổ cho ăn ngày nào biết ngày đó. Muốn trồi lên nữa, muốn nhiều show hơn nữa cũng khó vì diễn viên bây giờ đầy nhóc.

Quãng thời gian đen tối nhất...

Nhìn lại chặng đường đã qua, đâu là quãng thời gian đen tối nhất đối với Lê Khâm?

Thời điểm ngặt nghèo nhất có lẽ là khi vợ tôi bị ho ra máu vì lao phổi nhưng trong nhà chỉ có vỏn vẹn 20.000 đồng.

Tối lấy vợ năm 2011 nhưng cuộc sống khi đó còn bấp bênh, kinh tế hạn hẹp đến mức hai vợ chồng không dám sinh con ngay. Sau đó, để cải thiện kinh tế, bao nhiêu tiền đi phim, đi tấu hài, diễn kịch... tôi dồn hết vào mở tiệm sửa chữa điện và bán thoại nhưng cũng không khá hơn.

Tôi nhớ mãi, ngày hôm đó tôi chỉ bán được duy nhất một chiếc card điện thoại mệnh giá 20.000 đồng. Vợ ho ra máu mà không có tiền chở đi viện...

Vậy còn quãng thời gian Lê Khâm ăn nhờ ở đậu khắp nhà anh em bạn bè vì thất nghiệp thì sao? Thời điểm đó đã xảy ra chuyện gì và bạn sống như thế nào?

Đúng là có gần 1 năm tôi bị thất nghiệp phải ăn nhờ ở đậu nhà anh em bạn bè. Khoảng năm 2007, sau khi tôi rời nhóm hài của chú Bảo Khương.

Đời cay đắng của diễn viên cao 1m48: Vợ ho ra máu mà trong nhà chỉ có 20 nghìn đồng - Ảnh 3.

Vai diễn chú cá chùi kiếng trên Đấu trường Tiếu lâm giúp tên tuổi của anh được biết tới nhiều hơn...

Thời điểm đó tại sao Lê Khâm lại rời đi khi nhóm đang rất đắt show?

Đó là chuyện đã qua lâu rồi, tôi không muốn nhắc lại. Tôi làm với chú Bảo Khương gần 2 năm thì ngưng vì có một số chuyện không hay xảy ra.

Cát xê của diễn viên tấu hài như tôi ngày đó bèo bọt lắm, bình quân 1 suất diễn được 15.000 đồng. Tôi sống lay lắt nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ diễn.

Tối trước Noel năm đó, tôi diễn ở 7 tụ điểm. Mỗi nơi được khoảng 20.000 đồng. Số tiền ấy tôi dự định mua tặng mẹ một chiếc áo dài. Nhưng cuối cùng, tôi không được trả đủ số ấy nên đành lỗi hẹn với mẹ.

Có lần đi diễn với chú, xảy ra va chạm xe, tôi phải nằm nhà nhiều ngày nhưng cũng không ai hỏi thăm. Tôi buồn và hụt hẫng... Cộng thêm những mâu thuẫn sau đó khiến tôi quyết định rời nhóm.

Sau hơn chục năm làm nghề, gặp không ít chuyện buồn, Lê Khâm đã bao giờ thất vọng, chán nản và muốn từ bỏ con đường này?

Nói thật với bạn, khi đi làm tôi lựa chọn cách đối đãi phù hợp nhất để né chuyện mất lòng đồng nghiệp. Đã là thằng khùng thì không ai trách. Chính vì thế ra phim trường hay đi làm gì, tôi thường giỡn cà tưng cà tưng như 1 thằng khùng. Tôi lựa chọn cách đó để được yên làm việc.

Còn ở lĩnh vực sân khấu, hầu như ai cũng có đôi lần bị vùi dập. Nổi tiếng bị dập kiểu khác. Không nổi tiếng bị dập kiểu khác. Diễn viên có tiềm năng lại bị dập kiểu khác.

Tôi nhớ mãi câu nói của cô Lê Thanh "làm nghề này phải nhiều chuyện". Phải nhiều chuyện mới biết được nhiều chuyện, đó là vốn sống để diễn hay để giỏi nghề. Còn ù lì thì không bao giờ trở thành nghệ sĩ giỏi được.

Thế nên nghệ sĩ nhiều chuyện là đương nhiên, nó nằm trong máu của họ rồi. Vấn đề là nhiều chuyện để tốt hay xấu còn do tâm tính của mỗi người. Thế gian có người đẹp người xấu thì tất cũng có Thạch Sanh, Lý Thông nên nghệ sĩ có người nọ người kia cũng rất bình thường.

Đời cay đắng của diễn viên cao 1m48: Vợ ho ra máu mà trong nhà chỉ có 20 nghìn đồng - Ảnh 4.

Lê Khâm và vợ.

Đã là nghệ sĩ không ai không sục sôi ngọn lửa muốn mình nổi tiếng, ở trên đỉnh vinh quang. Ngọn lửa đó luôn bùng cháy nên khó trách được chuyện họ cào cấu, trèo dẫm lên nhau.

Nó giống như bản năng sinh tồn vậy. Mình kém hơn, yếu hơn thì ở dưới. Nếu có trách hãy trách bản thân mình bất tài chứ đừng trách bị đồng nghiệp chơi xấu.

Con đường vào nghệ thuật của tôi rất cơ cực. Thấy điều kiện làm nghề của các bạn "con ông cháu cha" mà thèm. Họ có chỗ bấu víu nên phát triển nghề rất dễ.

Còn mình ở quê, ti vi không có mà xem, không biết gì về nghệ thuật. Khi xuống Sài Gòn lại phải vùi đầu đi học đi làm... Chỉ tính nguyên cái vốn xem truyền hình của các bạn cũng đã hơn tôi nhiều rồi.

Tôi ý thức được mình "sinh sau đẻ muộn" lại là "con mồ côi" trong nghề so với người ta nên lúc nào cũng phải phấn đấu. Tôi làm nghề gần như là bản năng.

Ở cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi như Kon Tum mà tới giờ tôi vẫn được làm nghề là ơn Tổ nghiệp nhiều lắm. Vì thế lúc nào thắp nhang với Tổ, tôi cũng nguyện xin Tổ cho theo nghề tới cuối cuộc đời...

Cám ơn Lê Khâm đã chia sẻ và chúc bạn có thật nhiều show diễn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại