Đời cào mứt

Phóng sự của Lâm Chiêu Tranh |

Mỗi một mùa mứt (một loài rong biển) đi qua- mỗi một (vài) mạng người đổ xuống. Gành mứt cheo leo giữa biển khơi, sóng đánh dưới chân, người vẫn bất chấp. Tiếng gọi đời mứt réo trên những đôi chân xứ biển…

Những đôi chân vút bay trên đá ghềnh

“Ăn đi con, không phải mùa nào cũng có mứt mà ăn đâu, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn trên xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thúc tôi.

Tô canh mứt nấu kèm cá giò xắt thêm vài lát ớt hiểm,một thìa mắm cá, mọi xúc giác được đánh thức. Cánh mũi phập phồng đón lấy mùi thơm đặc trưng khó thể quên.

Lấy đũa gắp một chùm, mứt dòn dòn, dai dai trong khoang miệng, quyện lên đầu lưỡi, mặn mà lúc đầu, ngọt thanh về sau. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được cả một cuộc đời đằng sau tô canh. Cho đến khi hụt chân ngã chổng vó trên ghềnh mứt.

Thảm đá phía Đông, xã đảo Nhơn Châu luôn sẵn sàng làm “mồi” bất cứ ai đùa giỡn. Nó mai phục ở khắp nơi. Trước mặt, đá thịt trơn láng, lúc nhúc rêu. Sau lưng, đá chẻ xù xì, mũi sắc lẻm như con dao chọc tiết lợn.

Cụ Nguyễn Hát (65 tuổi) trùm chiếc mũ sói thời Liên Xô, dẫn đầu “đoàn quân cào mứt” lao phăng phăng.

5 giờ sáng. Hơi lạnh trong rừng chạy vào tay áo. Rùng mình. Rừng đông hoang sơ, trần trụi ngổn ngang lá đổ. Đoàn người lẳng lặng đi xuyên qua những cành dài thượt của đám bạch đàn gầy nhẳng. Trời vẫn còn lờ mờ.

Thằng Tẹo túm lấy áo mẹ nó. Đám trẻ con ở làng chẳng rõ lắm về cái “nghiệp” này. Chỉ thấy mỗi sớm mùa đông, má đùm đề đồ nghề ra ghềnh, chúng nó vội vã bám theo.

“Ngon lắm. Không đi không được”- chị Phấn cười hể hả dưới cái mũ tai bèo rách vành. “Đồ nghề đây”- chị chìa ra. Cái rổ con, một cái hũ đựng tro cắt từ chai nước, cái muỗng móp. “Trừ khi nó hư thì thôi.

Còn không thì không đổi đồ khác đâu. Nghề nào cũng có Tổ. Cào mứt không có Tổ, chỉ có cái rổ rách vẫn cố dùng, vì sợ đổi sẽ “xui”.

Đời cào mứt - Ảnh 1.

Đội quân cào mứt Nhơn Châu trên vách đá nhọn.

Rừng dại, làm gì có đường. Mưa xói mòn lở đất, thành cái lạch nhỏ, dẫn ra biển. Lách khỏi bụi hoa Ủ Tiền, dốc đá dưới chân dựng đứng. “Đoàn quân cào mứt” toàn các chị.

Sớm, cánh đàn ông nhoài trên con thúng ra khơi, thu gom lưới từ tối. Phụ nữ ở nhà hò nhau ra ghềnh. Các chị băm băm trên dốc đá, phốc sang bên này, chồm tới bên kia. 5 phút là ra đến sườn. “Ai đi cào mứt cũng phải mang dép bộ đội hết.

Vì nó chắc, bám tốt, không bị trượt. Đi dép thường té trẹo cẳng như chơi” - cụ Phạm Mực rít hơi thuốc, nghỉ chân trên mốp đá. Cụ Mực là tay lão làng, đeo quả đồng hồ của lính ngày xưa. Mũ lưỡi trai giấu vẻ mặt gan lì của một lão ngư có tiếng một thời.

Mứt sợ cụ. Đá e dè cụ. “Hồi còn trẻ, chân còn vững. Nhiêu đây chưa ăn nhằm gì. Ngoại đi nhẹ như không”. Cụ Mực thuần dân đảo từ thời ông Sơ (ông cố- PV) đến đời cha.

Hồi còn trẻ, cụ theo cha ra ngoài “thằng Méc, thằng Mới” (Quảng Ngãi) đánh bắt cá thu đen. Rồi thất mùa liên miên, cụ quay trở về. Và cụ ôm cái nghề cào mứt, ôm luôn đám trẻ thời đó, chỉ dạy từng kinh nghiệm.

Cái tuổi 82 cũng không thôi làm cụ nhớ “nghề”. Hai anh con trai ra khơi sớm, cụ cũng lật đật. “Ai đã làm rồi. Là mê. Là không bỏ được”.

Chị Hương cởi phăng cái áo khoác “vướng víu”, lách chân tìm đá vững, bước tiếp. “Má đợi con với”- con Xí tóm lấy cái rổ của má nó. Mặt trời hửng sau lớp mây đặc quánh. Chẳng một tiếng nói cười.

Chỉ sóng đỡ lời, dăm phút lại ì oạp vỗ. Đoàn chị em đã thoắt ra đến ghềnh. Ghềnh tách ra hai ngả, chìa ra ngoài khơi. Mấy cái nón con con xụp xuống, hí hoáy “hành nghề”.

Mứt thời nay cũng chẳng còn như xưa nữa. Nước thải từ trên núi đổ về, rác từ sông đổ ra, những mùa mưa, bùn đất kéo về vì nạn phá rừng, san núi khiến mứt trở nên bẩn. "Mỗi lần bị như vậy, phải mang về rửa rất cực. Nhưng phải biết cách không thì sạn lắm".

Ông Thành chặc lưỡi

Mứt thực ra chính là rong biển. Nó mọc thành từng đám trên những khe đá. Chẳng biết ai sinh ra nó. Chỉ là sóng đánh lên đá, gặp tiết trời nồm, khí hậu ẩm ướt, con cháu họ mứt lũ lượt kéo ra. Một năm, mứt sinh trưởng 3 đợt. Mùa xuân, mứt non gọi là Mơ, lún phún mọc. Sang hạ, Mơ chuyển xanh, trông như rêu, ngắn cụt ngủn. Hai mùa này, chưa ăn được. Những tay mứt phải ẩn mình chờ đến mùa đông. Mùa đông- mùa ngon của mứt. Thời điểm này, chúng đạt đến độ tuyệt hảo, màu xanh đen, hơi thẫm, dài khoảng gang tay. “Mứt mùa này là mùa để thu hoạch. Bởi nó rất thơm. Nếu để già quá, nó sẽ thành lá. Ăn chả có vị gì”. Dân chuyên cào mứt sành đến nỗi, chỉ cần nếm, biết ngay mứt ngon hay dở. “Không có công thức chung nào cả. Chỉ là vị quen trong đầu rồi. Ăn vào là biết thôi”.

Chẳng dễ gì tìm được mứt. Chúng chỉ mọc ở những ghềnh đá phía xa ngoài khơi. Vị trí giữa dòng nước sông và nước biển là nơi tìm thấy chúng hoàn hảo nhất. Nếu quá gần sông, sẽ bị bẩn, dễ sạn và tanh.

Còn quá gần biển, sẽ chát, mặn khằn. Món quà thiên nhiên tưởng mềm mại, hóa đỏng đảnh vô ngần. Và cũng chính thế mà nó có cái giá ngất ngưởng, năm được mùa lên đến 3.000.000đồng/ ký.

Ở riêng Đà Nẵng, ngon nhất và đắt nhất là mứt Nam Ô hoặc đoạn từ cảng Tiên Sa trở vào. Đến mùa, không kịp có để bán.

Đỏng đảnh đã đành, mứt còn khó thu hoạch. Chúng bám chắc cú lên đá. Chị Thương nhúm tay, móc chút tro bếp rải lên trên lùm mứt. Lúc này, chúng chịu thua. Bởi tro có độ ma sát tốt, sần, rải lên sẽ làm mất độ trơn của mứt.

Lúc ấy, chỉ việc dùng tay bứt. Cái để phân biệt dân lành nghề và tay a-ma-tơ chính là ở việc lấy mứt. Những người mới, chỉ dùng muỗng để cạo. “Chuyên nghiệp” như cụ Mực sẽ chỉ dùng tay. “Dùng tay mới đảm bảo được sợi mứt.

Không bị hao”. Mấy ngón lẳng nhẳng, khô đét, thoăn thoắt rải tro và bứt. Nhoắng cái đã thấy mép đá ráo trọi. Các chị xắn quần. dạng chân cố bấu đá.

Ở ghềnh, chẳng có chỗ nào phẳng. Mõm nhọn hoắt như kính vỡ cắm xuống đất, chỉ chực đâm thủng đôi dép cao su. Chỗ này chị Thương đã cạo sạch từ hôm qua. Mò mẫm chả còn gì, chị kéo ra tận mũi, chúi mắt nhìn từng mép đá, lần mò.

Chục cánh tay lem nhem, ôm riết tảng đá, “cố cào được chừng nào. Hay chừng đó”. Hết mẻ bên này, các chị lại lũ lượt băng trên ghềnh, qua đến rặng bên kia.

Những người đàn bà mê mứt mang trên mình đôi chân nhái bén. Các chị không nhìn thấy mấy móng chân bấu chặt quá, căng ra đỏ au. Chỉ thấy có mứt là có tiền.

Đời cào mứt - Ảnh 3.

Sản phẩm Mứt.

Não nề đời mứt

Ba triệu đồng cho mỗi ký, và “năm nào cũng có người chết”. Ông Nguyễn Thanh, người lấy mứt có tiếng ở Đà Nẵng chỉ cho tôi từng mái nhà có người “đi” vì mứt.

Não nề. Thứ màu xanh đen, thẫm hoặc, hóa là loại ma thuật. Không có sự dừng chân nào cho cái nghề cào mứt. Có người chết - vẫn cào. Và hàng năm, vẫn như mọi năm...

Mứt đặc tính sống ngoài ghềnh xa. Sóng ghềnh vốn là con thú dữ. Những người cẩn thận, đã đứng trông chừng dâng của sóng. Nhưng, vẫn bị nó lừa. Mứt mọc dày, kéo dân biển. Lúi húi cào mứt trên mõm, sóng lầm lì dưới chân.

Nó nhứ từng cơn lên sát mép chân người. Người thì mải mốt chủ quan, hí húi. Rồi bất ngờ, con sóng tung sức, bật dậy, ôm choàng lấy “con mồi” xấu số, tóm ra xa.

Chưa hết, nó lại dồn trọn lực, quăng vào trong các hốc đá. Lúc ấy, cái chết đến ngay tức khắc.

Biển càng động, mứt mọc càng dày. Đôi lúc thời tiết xấu kéo dài, nhưng thấy mứt lên quá hấp dẫn, ngư dân vẫn lao đi.

Sự cố thủ trong mưu sinh hay là bất chấp vì thói quen?! Rặng đá phía đông đảo Nhơn Châu vẫn rợn khi nhắc nhớ cái chết của một cô giáo trẻ. Từ Quy Nhơn ra đảo dạy học, cô cùng một anh lính biên phòng yêu nhau say đắm.

Chiều, sóng tưởng lặn, hai người đi cào mứt. Sóng đột ngột dâng cao, cuốn lấy cô, anh níu tay không kịp. Năm ngoái thôi, tít ngoài đảo Nhơn Lý, Nhơn Hải cũng có 5 người ra đi. Cụ Mực lại rít thuốc, cụ nhớ về lần thoát chết của cụ.

“Năm đó, sóng đánh vào dữ dội lắm. Ngoại phải phóng ra ngoài nước xa. Đợi sóng rút rồi mới dám lần mò lên lại”.

Cô Cân thôi thoăn thoắt tay cào, hai khóe mắt trũng sâu, nước mắt tràn về phía khoảng đá, nơi em gái mình thất thanh “Cứu em chị ơi”…

Và nhiều cuộc đời khác bỏ mình hoặc thương tật trên những gành đá bởi chính câu cửa miệng “tới đâu thì tới”. Đời mứt bạc như nắm tro trong cái chai nhựa cắt lở dở.

Cụ Nguyễn Minh Thành ở thôn Trung khóc khô mắt “Trông thằng Út về mà nó không về. Nó đi luôn rồi”.

Mới đây, sáng ngày 4/1/2018, trong lúc đi hái rong mơ tại Eo Gió (đảo Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam), bà Nguyễn Thị Nhanh, 53 tuổi không may bị sóng biển cuốn trôi, đến chiều mới tìm thấy thi thể.

Suốt cả bao thế hệ, cứ mông lung đánh đổi trên chênh vênh phiến đá trơn tuột. Mạng người chỉ bằng một cú trượt chân. Rồi người ta chết, người ta khóc, người ta lại tiếp tục...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại