Đổi bài, ông Trump quay sang tấn công 'người cũ'

Bình Giang |

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây bắt tay vào một cuộc tấn công mới nhằm viết lại câu chuyện về cuộc điều tra liên quan đến vai trò của Nga, bằng cách đưa ra những cáo buộc không có căn cứ rằng cựu Tổng thống Barack Obama đạo diễn một âm mưu nham hiểm để hạ bệ ông.

Trên Twitter, truyền hình, ở Vườn Hồng và thậm chí cả trang tài khoản mạng xã hội của Nhà Trắng, ông Trump trong những ngày gần đây liên tục tấn công người tiền nhiệm của mình theo cách mà một số báo chí Mỹ mô tả là không có vị tổng thống Mỹ đương nhiệm nào làm trong lịch sử hiện đại. Đó là cáo buộc ông Obama phạm những tội ác có thể đặt tên là “Obamagate”.

Ngày 14/5, ông Trump thậm chí còn cho rằng Thượng viện Mỹ phải yêu cầu ông Obama “giải trình về tội ác và bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Vài giờ sau, đồng minh gần gũi nhất của ông trong đảng Cộng hòa thông báo sẽ tiến hành điều tra, dù sẽ không triệu tập ông Obama.

Khi tấn công người tiền nhiệm, ông Trump không đưa ra bằng chứng nào và cũng không nói cụ thể về “tội ác” mà ông buộc tội cựu tổng thống. Thay vào đó, ông Trump có vẻ gắn cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người khiến ông tức giận trong nhiều năm, với ông Obama, và ám chỉ rằng những tiết lộ trong thời gian tới sẽ củng cố những lời ông nói.

Ông Obama trở thành tâm điểm mới trong bối cảnh ông Trump được đánh giá là đang cố thay đổi chủ đề quan tâm của mọi người khỏi cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nguy hiểm nhất mà Mỹ phải đối mặt trong nửa thế kỷ. Vào ngày số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ cán mốc 85.000 và gần 3 triệu người đăng ký thất nghiệp, ông Trump dành buổi sáng để tấn công ông Obama.

Ngoài việc phân tán chú ý khỏi đại dịch, việc tấn công ông Obama cũng có thể giúp ông Trump chuyển hướng cáo buộc về phía những người chỉ trích ông, trong khi tấn công được cả đối thủ tranh cử Joe Biden.

“Những thứ này đều là do Obama, đều là do Biden”, ông Trump nói trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Fox Business phát sóng ngày 14/5. “Những người đó đều hủ bại, toàn bộ hủ bại, và chúng tôi bắt được họ. Chúng tôi bắt được họ”, ông Trump nói.

Khi người dẫn chương trình Maria Bartiromo hỏi liệu ông Trump có tin rằng ông Obama chỉ đạo các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi ông, ông Trump đã đồng ý, nhưng không đưa ra bằng chứng.

“Đúng, ông ta có thể chỉ đạo họ. Nhưng nếu không chỉ đạo, ông ta cũng biết hết – bạn sẽ thấy như vậy”, ông Trump tiếp tục. Ông nói rằng các tài liệu sẽ sớm được công bố để củng cố lập luận này.

Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy trước cuộc bầu cử vào tháng 11/2016 ông Obama đã liên quan đến cuộc điều tra của FBI nhằm vào các cố vấn của ông Trump và quan hệ của họ với sự can thiệp của Nga. Tháng 1/2017, ông Obama được thông báo về những cuộc điện đàm giữa ông Michael Flynn, người sau đó trở thành cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, và đại sứ Nga để thảo luận về các biện pháp trừng phạt mà vị tổng thống sắp mãn nhiệm áp dụng với Mátxcơva để đáp trả nỗ lực can thiệp bầu cử.

Tài liệu do các đồng minh của ông Trump công bố tuần này nói rằn các quan chức của chính quyền Obama, trong đó có cả ông Biden, đã yêu cầu cung cấp thông tin về người Mỹ không được nêu tên trong các báo cáo tình báo về chuyện liên lạc với Nga. Người Mỹ đó hóa ra là ông Flynn. Theo các tài liệu của phe ông Trump, mỗi năm có hàng ngàn đề nghị như vậy được đưa ra. Trong điều kiện bình thường, những yêu cầu như vậy vẫn được chấp thuận theo quy trình thông thường và người nhận được quyền cung cấp thông tin.

Nhưng đồng minh của ông Trump cho rằng những đề nghị đó cho thấy các trợ lý của ông Obama chắc chắn đã dính dáng đến chuyện “giăng bẫy” ông Flynn, người bị FBI thẩm vấn sau khi ông Obama hết nhiệm kỳ. Ông Flynn sau đó thừa nhận đã nói dối. Bộ trưởng tư pháp William Barr tuần trước lại nói rằng FBI không có cơ sở gì để thẩm vấn ông Flynn, khiến ông Obama cho rằng phát biểu này hủy hoại nguyên tắc pháp quyền.

Những cuộc tấn công của ông Trump nhằm vào người tiền nhiệm được Fox News , báo chí bảo thủ và nhóm vận động tái tranh cử của ông Trump khuếch đại. Ông Trump còn dùng cả cơ sở của chính phủ để thúc đẩy những cáo buộc của mình, bằng cách đăng video “Obamagate” lên trang Facebook của Nhà Trắng. Đây bị coi là thông điệp mang tính đảng phái, vượt qua ranh giới mà những chính quyền trước tuân thủ.

Báo New York Times dẫn nhận xét của những người thân cận nói rằng ông Trump thường tấn công các đối thủ chính trị trên sóng truyền hình bằng ngôn ngữ giật gân, nhưng cáo buộc không có cơ sở, khiến những cố vấn của ông phải chạy theo và lấp đầy chỗ trống. Ông Trump hy vọng những người thân thiết với ông trong giới tình báo sẽ có đủ thông tin để khuấy đục tình hình và khiến dư luận nhầm lẫn về điều ông Obama có thể đã làm.

Những tổng thống khác không đồng ý với người tiền nhiệm về chính sách hoặc chính trị, thậm chí có thể dẫn đến đấu khẩu công khai. Nhưng ngoài Richard Nixon và vụ Watergate, chưa có tổng thống Mỹ đương nhiệm nào trong lịch sử hiện đại công khai và quyết liệt cáo buộc cựu tổng thống phạm tội hình sự.

Quan hệ cá nhân giữa ông Trump với ông Obama từ lâu đã mâu thuẫn. Ông Trump từng nhấn mạnh thuyết âm mưu cho rằng ông Obama được sinh ra ở châu Phi. Ông Obama trả đũa bằng việc chế nhạo ông Trump tại bữa tiệc của nhóm báo chí Nhà Trắng năm 2011 rằng vị chủ trò của chương trình truyền hình thực tế đang sôi sục.

Ông Trump bắt đầu dùng cụm từ “Obamagate” từ hôm 10/5 nhưng không giải thích vì sao khi phóng viên Washington Post đặt câu hỏi. “Anh biết tội ác là gì. Tội ác đã rất rõ ràng với mọi người. Tất cả điều anh cần cần làm là đọc báo, ngoại trừ báo của anh”, ông nói.

Đến ngày 14/5, ông giục Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Chủ tịch Ủy ban tư pháp Thượng viện, điều tra.

“Nếu tôi là Thượng nghị sĩ hay nghị sĩ, người đầu tiên tôi triệu tập đến để giải trình về tội ác và bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ CHO ĐẾN NAY, là cựu Tổng thống Obama”, ông Trump viết trên Twitter. “Ông ta biết MỌI THỨ. Hãy làm điều đó @LindseyGrahamSC, hãy cứ làm...Không nói thêm nữa!”, ông Trump viết.

Chưa đầy 2 giờ sau, ông Graham thông báo sẽ tổ chức điều trần về vụ của ông Flynn và các vấn đề khác, bao gồm vấn đề liệu ông Mueller có nên được chọn ngay từ đầu hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại