Năm 1920, Marcel Griaule là một thanh niên người Pháp có thành tích học tập rất tốt, đặc biệt là về toán học. Anh đã từng là tình nguyện viên trong Lực lượng Không quân Pháp và mong muốn được vào học tại trường Lycée Louis le Grande danh giá.
Mặc dù đã có một định hướng tố như vậy, nhưng có vẻ như số phận lại có một kế hoạch hoàn toàn khác cho người thanh niên này - một con đường mới bắt đầu hình thành khi anh ấy quyết định tham gia một cuộc hội thảo cùng năm đó. Cuộc hội thảo này bao gồm các diễn giả như Marcel Mauss (một nhà xã hội học người Pháp), nhà ngôn ngữ học Marcel Cohen cùng với các nhà nhân chủng học và sử học về tôn giáo.
Griaule đã bị thu hút bởi những lời nói của họ và quyết định cống hiến hết mình cho việc nghiên cứu nhân chủng học. Từ năm 1928 đến năm 1933, Marcel Griaule tham gia hai cuộc thám hiểm dân tộc học, và trong giai đoạn này (1930), ông tiếp xúc với một bộ tộc Châu Phi bí ẩn: Dogon.
Đây cũng là khoảng thời gian mà Marcel Griaule học tập tại Mali cùng với Germaine Dieterlen (học trò của Mauss và rất quan tâm đến việc nghiên cứu các câu chuyện thần thoại cổ đại). Từ thời điểm đó, bí ẩn về Nommo cũng bắt đầu được hé mở, đây là một yếu tố quan trọng trong di sản cổ đại mà chúng ta không thể không nói đến khi nhắc tới người Dogon.
Những người đàn ông Dogon trong trang phục nghi lễ của họ. Nhìn chung, bộ tộc Dogon không tiên tiến bằng các nền văn minh cổ đại khác (như Trung Quốc, Hy Lạp,…) nhưng họ sở hữu vốn kiến thức đáng kinh ngạc về thiên văn. Họ cho biết họ nhận được những kiến thức này từ những người đến từ các vì sao…
Dogon là một bộ tộc sống trên một vùng đất sa mạc của Mali, gần biên giới với Burkina Faso. Đây được xem là nơi định cư cuối cùng của bộ lạc này sau khi chạy trốn để tránh áp lực bành trướng của các đế chế thời trung cổ và những trận chiến khốc liệt trên bờ sông Niger khoảng hơn 1.000 năm trước.
Nhiều nhà nghiên cứu đã thảo luận về hàng loạt bí ẩn xung quanh bộ lạc bí ẩn này, nhưng điều khiến giới khoa học đặc biệt quan tâm đến những kiến thức thiên văn học phức tạp của họ liên quan đến niềm tin vào một vị thần sáng tạo - Amma, và mô hình chuyển động của "Quả trứng của thế giới" (Egg of the World).
Một giản đồ về “Quả trứng của thế giới” của người Dogon.
Hình ảnh trên thoạt nhìn có vẻ khá đơn giản và không có ý nghĩa đặc biệt, nhưng trên thực tế nó lại ẩn chứa một kiến thức rất sâu sắc về vũ trụ và về các thiên thể.
Nhưng điều khiến hai học giả ấn tượng nhất là phát hiện ra rằng, mặc dù người Dogon mới chỉ được tiếp xúc với nền văn minh của con người hiện đại chưa lâu, nhưng họ lại sở hữu kiến thức khoa học và thiên văn sâu rộng một cách đáng kinh ngạc.
Một số kiến thức này chắc chắn là kết quả của một di sản văn hóa có tuổi đời hàng thiên niên kỷ, nhưng có lẽ điều khiến giới khoa học ngạc nhiên nhất lại là kiến thức chi tiết về ngôi sao Sirius (sao Thiên Lang).
Người Dogon trên thực tế đã nhận thức được sự thật rằng Sirius là một hệ nhị phân (tức là một hệ thống bao gồm hai ngôi sao, Sirius A và Sirius B); họ đã biết rằng Sirius B quay quanh Sirius A với quỹ đạo hình elip trong một khoảng thời gian tương ứng với 50 năm; và khám phá đáng kinh ngạc nhất là người Dogon biết rõ vị trí chính xác của Sirius A trong hình elip.
Sirius A và Sirius B khi được Kính viễn vọng Không gian Hubble nhìn thấy.
Nhiều người có thể tự hỏi tại sao giới khoa học lại cảm thấy bối rối như vậy? Sự ngạc nhiên này nảy sinh từ thực tế là vào năm 1862, nhân loại mới biết tới kiến thức này khi nhà thiên văn học người Mỹ Alvan Clark tìm ra được sự tồn tại của Sirius B bằng kính thiên văn (một trong những loại tiên tiến nhất vào thời đại đó).
Tuy nhiên, người Dogon đã biết về nó hàng trăm năm trước, và không chỉ vậy, họ còn gọi Sirius B với cái tên "Po Tolo", trên thực tế, thuật ngữ Tolo có nghĩa là ngôi sao, trong khi Po dùng để chỉ một loại ngũ cốc đặc biệt có đặc điểm là cực kỳ nặng mặc dù kích thước nhỏ; ý nghĩa của tên gọi này hoàn toàn phù hợp với Sirius B vì nó là một sao lùn trắng và do đó, nó có mật độ rất cao (kích thước nhỏ nhưng lại sở hữu trọng lượng cực kỳ lớn).
Một biểu đồ của người Dogon được cho là đại diện cho quỹ đạo hình elip của Sirius B xung quanh Sirius A.
Trên thực tế, nhân loại sẽ không thể biết được những thông tin này nếu như không có những thiết bị theo dõi thiên văn học hiện đại, nhưng theo như những gì được khám phá, bộ lạc Dogon lại chưa bao giờ sở hữu bất kỳ thiết bị nào như vậy, thậm chí họ còn không biết đến sự tồn tại của những thiết bị đó trên đời.
Nhưng chưa kết thúc ở đó, người Dogon còn biết tới sự hiện diện của Sao Thổ và còn biết được rằng hành tinh này được bao quanh bởi "vầng hào quang" - vành đai Sao Thổ; hơn nữa họ còn biết được rằng Sao Mộc có "bốn người bạn đồng hành", tương ứng chính xác với bốn mặt trăng chính của nó.
Chưa dừng lại ở đó, họ còn mô tả Trái Đất như một hình cầu và biết rằng hình cầu này quay quanh trục của nó, và cùng với các hình cầu khác (các hành tinh) quay xung quanh mặt trời; cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, thật đáng ngạc nhiên là người Dogon (những người lớn tuổi trong làng) còn có thể mô tả thiên hà của chúng ta như một hình dạng xoắn ốc khổng lồ.
Chúng ta biết rất rõ rằng khái niệm này chỉ bắt đầu được tiết lộ bởi các nhà thiên văn học phương Tây vào đầu thế kỷ này.
Đối với người Dogon, Sirius B là ngôi sao đầu tiên được tạo ra bởi các vị thần và nó đại diện cho điểm tựa của Vũ trụ. Tất cả vật chất được phát triển từ nó, bao gồm cả linh hồn và tuân theo một chuyển động xoắn ốc phức tạp.
Kiến thức của họ không phải là kết quả của những di sản cổ đại có được bằng cách quan sát bầu trời và các vì sao bằng mắt thường, như đã xảy ra ở các nền văn minh khác, họ chỉ đơn giản là “biết” và đây chính là phần kỳ bí nhất của bí ẩn về bộ lạc Dogon.
Một truyền thuyết lâu đời của người Dogon kể về thời điểm Thần của vũ trụ - Amma gửi Nommo đến Trái Đất. Đây là một sinh vật nửa người nửa lưỡng cư, nơi đầu tiên họ đặt chân tới chính là một vùng lãnh thổ phía đông bắc Bandiagara, trong vùng Mopti; Nommo có màu đỏ, nhưng khi chạm đất, nó trở thành màu trắng.
Tên Nommo bắt nguồn từ một từ Dogon được dịch là "làm tốt"; Tuy nhiên, nó còn một nghĩa khác là "Bậc thầy của nước" (có lẽ ám chỉ thực tế là Nommo không thể sống sót khi ở bên ngoài mặt nước).
Sinh vật này cũng xuất hiện trong lịch sử Lưỡng Hà được viết trong Thế kỷ III trước Công nguyên từ thầy tu Beroso: "anh ta tên là Oannes, cơ thể của anh ta giống như một con cá, anh ta chỉ sống trong nước và có bàn tay giống như của con người".
Ngoài ra hình tượng bí ẩn này cũng xuất hiện trong tín ngưỡng của người Philistines (một dân tộc cổ đại sống trên bờ biển phía nam của Canaan từ thế kỷ 12 trước Công nguyên cho đến năm 604 trước Công nguyên), và đây cũng có thể là cùng một biểu tượng của con cá mà những người theo đạo Cơ đốc đầu tiên dùng để đại diện cho vị thần của họ.
Dù đó là ai hay bất cứ điều gì thì Nommo vẫn là một cái tên xuất hiện rất nhiều trong các bí ẩn trên lãnh thổ Châu Phi.