Đọc Ngẫu hứng của Trần Tiến

TS Trịnh Thu Tuyết |

Cách đây ít lâu, nhạc sĩ Trần Tiến cho ra đời cuốn sách Ngẫu hứng nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS Trịnh Thu Tuyết với những cảm nhận đặc biệt về nhân sinh sau khi đọc cuốn sách này.

Trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo, có một từ tôi đặc biệt chú ý, đó là từ "nghêu ngao" trong câu thơ "Tây Ban Nha/ hát nghêu ngao" - từ láy nhẹ như khói, lãng đãng như mây, mênh mông như gió, phiêu du như một nụ cười ... ấy đã xoá mờ tính chất trang trọng của âm nhạc thính phòng, khắc hoạ chất dân gian trẻ trung, phóng túng, ma mị say người của một kiếp du ca. Một từ láy thôi, ấy là chân dung thần thái Lor-ca! Đọc Ngẫu hứng của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi lại bắt gặp cái "nghêu ngao" lãng tử ấy, có điều, đằng sau những trang viết ngẫu hứng, tản mạn, buông lơi như một khúc du ca miên man, không phải chỉ có khói nhẹ, mây bay, gió thổi, mà ám ảnh, dằng dặc nỗi cô đơn, rưng rưng một nỗi buồn về mọi điều nhìn thấy, nghe thấy, ngẫm ra trong cõi nhân thế phù vân.

Chất du ca ngẫu hứng vừa lãng mạn, vừa phóng túng, vừa như buông lơi, vừa như đứt khía... hiện hữu trong cả hình thức và nội dung những trang viết. Đây không phải tác phẩm của một nhà văn mà là những trang viết của môt nhạc sĩ như đơn thuần kí âm lại những nốt nhạc, những tiết tấu, những lát cắt ngẫu nhiên của từng khoảnh  khắc xúc cảm, suy tư thật nhất, khi đau buồn, khi bỡn cợt, khi ngẫm nghĩ day dứt, lúc chỉ tựa một mảnh vụn biếng lười... Dường như thấp thoáng dấu vết của những trang viết hậu hiện đại bao hàm những mảnh vỡ của một thế giới bề bộn ngổn ngang cùng "dòng ý thức" tản mạn, ngẫu hứng. (Tất nhiên nếu tác giả biết nhận xét này, chắc chắn ông sẽ mỉm cười giễu cợt: Này, người đọc kiểu lý trí - lý thuyết ơi, tôi chẳng dân gian hay hiện đại hay hậu hiện đại gì đâu, tôi là tôi thôi, nghĩ gì ghi lại đấy, chắp ghép thành Ngẫu hứng đó)!

Đi qua những mảnh vụn lười biếng, những mảnh vỡ nhói buốt, những kí âm ngẫu hứng đậm chất du ca, người ta thấy một tâm hồn nghệ sĩ với tình yêu, với nỗi buồn, với những suy ngẫm trăn trở chạm vào bờ triết học, và nhất là, với nỗi cô đơn mênh mông thường trực, day dứt.

Khó hình dung một tác giả (dù viết văn, làm thơ, vẽ tranh hay soạn nhạc) mà không có tài sản lớn nhất trong đời mình, cất sâu trong lòng mình, đó là tình yêu. Nhưng quả thật, nếu tình yêu của nhà văn cô đặc và ẩn kín trong từng chi tiết, hình tượng nghệ thuật, tình yêu của nhà thơ gửi gắm trong từng nhịp ngắt hay ngôn từ...thì tình yêu của nhạc sĩ ngân vang hiện hữu trong âm thanh, tiết tấu, ca từ, khi trào dâng mãnh liệt như sóng, khi da diết dịu dàng như gió... tác động trực tiếp vào người nghe, ngươi xem bởi cảm nhận thính giác, thị giác. Tôi đọc 27 khúc Ngẫu hứng và cả cuốn sách như đang lắng nghe một bản nhạc với nhiều âm sắc, nhiều giai điệu, khi ngỡ ngàng hẫng hụt, khi chạm đâu đó vào phần chia sẻ sâu xa trong lòng, thấy thấp thoáng tiếng đàn Bá Nha dù biết người đọc chẳng phải Chung Tử Kỳ!

Thấy xúc động bởi tình yêu nghệ sĩ dành cho cuộc đời.

Tình yêu cho vùng quê xứ Đoài mây trắng, nơi Từ Thức trong ông hình dung ngày trở về sau mấy trăm năm, không còn ai thân thuộc mà "gieo mình" trong cô độc; tình yêu cho đất Hà thành với những người chết vì buồn cũng gọi "gieo mình"; tình yêu cho một nơi thân yêu xa lắc trong tiềm thức với "con sáo sang sông bạt gió...", với "À ơi...hoa cải lên trời, rau răm ở lại...".

Tình yêu thiêng liêng máu thịt dành cho Mẹ - người mẹ "ba mươi năm bố mất là ba mươi năm mẹ ngồi khóc một mình", tình yêu ấy da diết thành lời hẹn "Mùa xuân gọi", thành tiếng nức nở khi mẹ đã "ở trên áng mây vàng" nhìn xuống: "Mẹ ơi, con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con"; tình yêu ấy có khả năng chạm vào lòng tất cả những con người trên đời, vì chúng ta, trước hết là những người con! 

Tình yêu dành cho bạn bè - bạn lính, bạn đồng nghiệp, bạn tri kỉ tri âm găp gỡ nơi phưong trời - thấy một nét đẹp: bạn lính sống chết, thương nhau đã đành, bạn tri kỉ hợp nhau, yêu nhau cũng dễ hiểu, nhưng bạn đồng nghiệp mà trân quí nhường ấy, quả là hiếm thấy. Người cùng nghề, nhất là giới nghệ sĩ, hình như ít nể phục nhau, "văn mình vợ người", âu cũng là không khó hiểu. Ngẫm ra: khi người ta làm nghề vì danh lợi, người ta thấy "duy ngã độc tôn", còn khi coi danh như làn gió thoảng, coi lợi như hơi rượu say, trèo trên ngọn núi này, nhìn sang bạn, chếnh choáng ngả nghiêng, thấy ngưỡng mộ sao ngọn núi bạn cao hơn nhiều thế.

Tình yêu dành cho con người, nhất là những kiếp đời bất hạnh, đây là tình yêu mang thêm một khái niệm đồng nghĩa: nhân hậu! Bản du ca ngưng lại trong một cảm nhận khứu giác khi nghệ sĩ phát hiện "con đường to, có mùi của người nghèo, khổ sở", người  lao động trong cả ngày Quốc tế lao động, con đường vương vấn tiếng hát buồn hơn tiếng khóc của người hành khất "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay", tiếng hát nhạt hơn chén rượu nhạt của người nghệ sĩ có vẻ ngoài thô nhám mà tấm lòng dịu dàng tới mức khiến như ngượng ngùng, phải giấu che thật kín. Đọc đoạn này, tôi cứ nhớ một chi tiết không hề liên quan, đó là kí ức của Ruồi trâu khi nhớ về tuổi thơ, mùa hè, tiếng dương cầm, tiếng rao lắt lay ngoài phố "Dâu tây đây"...! Nhưng hình như cuộc đời hay nghệ thuật cũng hay bắt đầu chính từ những âm thanh, những hình sắc ám ảnh nhiều khi phi lý vậy chăng? Bản du ca ngưng lâu hơn, đau lặng khi nhắc tới kỉ niệm về một nghĩa trang nhỏ bé, lung linh, luôn ấm áp, nơi an nghỉ những linh hồn bé bỏng bị bỏ rơi, nơi có cô ca sĩ nghèo chỉ tìm thấy cái gì đó kì diệu khi đêm đêm trở về thầm thì với những nguồn sáng lung linh trên những ngôi mộ nhỏ. Câu kết khúc ngẫu hứng này là "Lâng lâng và buồn buồn" - đọc ra cả niềm vui nghẹn ngào như muốn khóc khi thi thoảng ta gặp một điều quí giá hi hữu trong cuộc đời, và nỗi buồn, có lẽ vì nhận ra sự hi hữu ấy lạc lõng và cô đơn quá, giữa trùng điệp bủa vây cái xấu, cái ác, cái vô tình... Có khi nào ta gặp một điều đẹp đẽ tới mức ứa nước mắt - khi ấy, nếu có chút tài năng, chắc sẽ đọng lại thành một bài thơ, một bản nhạc! Và đó là nghệ thuật!

Tình yêu với tình yêu, đây cũng là tình yêu miên man trong chiều dài khúc du ca như những "điệp khúc tình yêu"! Điệp khúc da diết và thoáng buồn từ những mảng vụn, từ câu chuyện về "mối tình tím" của người đánh cá hàng năm thả hoa bằng lăng xuống dòng hải lưu vô vọng gửi theo một cái bóng đến việc gắn cho tình yêu thân phận con người với sinh- lão - bệnh- tử để rồi nhận ra chua chát một điều: "... tình yêu chỉ tồn tại trong khoảng thời gian một vài sát na (đơn vị thời gian của thiền), đó là cái lúc ta đạt được đến gần cái điều ta mong đợi, còn đã đạt được rồi tức là hết đấy" - lại nhớ Xuân Diệu từng sợ hãi "Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua"!

Đọc Ngẫu hứng của Trần Tiến - Ảnh 3.

Tình yêu với nghệ thuật, với kiếp du ca có lẽ lại là điều ít hiển ngôn nhất trong Ngẫu hứng. Tuy nhiên, không cần nhiều lắm sự tinh tế, vẫn nhận ra âm nhạc, nghệ thuật, giai điệu, tiết tấu, và nhất là ào ạt thế giới ca từ luôn hiện hữu trong từng câu chuyện, từng cảnh sắc, từng kết cấu phóng túng của Ngẫu hứng - một câu mắng lãng mạn nhất thế kỉ của bà già khi ngồi với chồng bên bờ biển: "Nói ít thôi... dành để nghe tiếng sóng vỗ"; những tiếng vọng trong tâm hồn hiện ra trong từng yếu tố điệp, như buông thả, như hững hờ...; những tản mạn của tâm tư, kí ức, suy ngẫm... miên man như những giai điệu buồn của khúc du ca; những chấm ngắt đột ngột làm thấp thoáng hiện ra những đảo phách làm thay đổi mạch tự sự đơn điệu, những dấu lặng khơi gợi suy ngẫm và xúc cảm... Có thể thấy tác giả Ngẫu hứng viết văn vẫn nguyên vẹn với phong cách nhạc sĩ, dường như ông nói, nghĩ, nhớ, kể... theo sự dẫn dắt của một khúc nhạc nào đó cứ miên man da diết trong lòng. Và phải chăng đây mới đích thực là tình yêu, khi âm nhạc, nghệ thuật luôn ở trong ông, nhắc gọi, lay thức, dẫn dụ...để ông chỉ ngẫu hứng kí âm? Cũng như vậy, tình yêu chỉ có thực khi người ta yêu không còn là một khái niệm bên ngoài mà hoà nhập tận cùng trong ta, lẫn tan trong tỉnh thức, nương náu trong từng ý nghĩ, tâm tư...

Tác giả Ngẫu hứng không thuộc số những nhạc sĩ có ý thức đẩy xúc cảm của mình kết tinh thành những ca từ thấm đẫm chất triết học như Trịnh Công Sơn. Ông thanh thản, phiêu du, say, yêu, buồn, nhớ... tự nhiên nhi nhiên, không gắng sức tạo ra một cái gì đó lớn hơn cảm xúc trong ca từ. Vậy mà, chính những giai điệu ám ảnh, những lời ca buồn, những ghi chép tản mạn, những lời như bông lơn của ông lại thấp thoáng chất triết học, có phải vì nỗi buồn, cảm giác cô đơn... cũng là nẻo dừng cuối cùng của mọi xúc cảm suy tư mang tính phổ quát của con người?  Đọc Ngẫu hứng càng thấy rõ sự kết tủa ấy.

Về sự lưu dấu trong cõi phù vân này, nghệ sĩ cho rằng "Hãy như chim kia, bay đi không cần để lại dấu, đoàn tàu đi không nhớ để lại tiếng còi. Con người đi, ngoái lại làm chi cái bóng của mình." Thấy bóng dáng của Cát bụi trong suy nghĩ giản dị này. Giá ai trên đời cũng nghĩ vậy, mặt đất sẽ rộng hơn bao nhiêu khi bớt những "vết lăn", những viện bảo tàng và những pho tượng đá! Để dành không gian mênh mông cho gió!

Nhớ khi đọc một lập ngôn "Hãy học cách suy nghĩ bằng trái tim, và học cách cảm xúc bằng lý trí", thấy mình khó mà học theo nổi. Tới lúc bắt gặp quan niệm của Trần Tiến: "Người nghệ sĩ đích thực phải viết bằng trái tim. Đôi khi trái tim sai lầm, chuyện đó bình thường. Vì... nó có phải là óc đâu. Viết bằng óc mới kinh tởm", thấy vui như có sự chia sẻ. Vì trước đây, có lần viết về Mị Châu, tôi đã nghĩ:

..." Bao câu thơ kể tội Mị Châu
Về trái tim một lần lầm chỗ
Có ai nghĩ để đầu vào trong tim mới thật là đáng sợ
Không phải cho Loa thành, mà cho chính Mị Châu.
Mấy ngàn năm rồi, cho em nói một câu
Vẫn chỉ nói bằng trái tim, vì đâu còn đầu nữa
Em đã yêu thì làm sao sửa chữa
Sống thận trọng với tình đâu gọi là yêu..."

Hay trong phần "lưu ảnh kí", khi suy nghĩ về bức ảnh của chính mình thời trẻ, Trần Tiến bày tỏ: "...ai bảo quay lại thời tuổi trẻ, tôi cũng không có nhu cầu. Tôi vẫn ổn, yên tâm với thứ tịch lặng cuối đời bên sóng biển" - chỉ là suy nghĩ chân thành, giản dị, nhưng hoá ra đã chạm vào chân lý phổ quát của tâm lý con người: bất cứ lúc nào, hiện tại cũng luôn là khoảnh khắc con người thấy mình hoàn hảo, khôn ngoan, chín chắn nhất.

Nhắc tới các đồng nghiệp tiền bối, Trần Tiến cho rằng: "Người có tài thực sự, bao giờ cũng hiền, vì họ có tâm và quan trọng nhất là họ giỏi." Đúng là để sống tử tế, không chỉ cần tử tế, trước hết phải có trí tuệ để hiểu đời hiểu người hiểu mình, những cái hiểu ấy mới khiến người ta tự điều chỉnh cho mình thật sự tử tế. Nhân bất học bất tri lý, mà đã bất tri lý, sao có thể tử tế!

Nói về tình yêu, nói về chất triết lý trong Ngẫu hứng, vẫn chưa hẳn đã chạm vào phần sâu xa, căn cốt làm nên tạng tâm hồn riêng cho tác giả nếu chưa đề cập tới nỗi cô đơn luôn thường trực trong từng suy nghĩ, xúc cảm, nỗi buồn, nỗi nhớ... của ông. Nỗi cô đơn được nghệ sĩ thể hiện ám ảnh trong Độc huyền cầm, cô đơn từ nhan đề, ca từ cho đến giai điệu buồn khắc khoải, buồn như tiếng khóc, buồn như mảnh vỡ cây đàn của Bá Nha trong một thế giới mênh mông không còn bóng dáng Tử Kì. Có lần Trần Tiến nhắc tới nỗi cô đơn của Trịnh Công Sơn với câu nói "Mình chẳng xem ti vi thì còn làm gì nữa" - cảm giác phải bật ti vi để tạo ra ảo giác có người nói chuyện bên cạnh mình, đó là cô đơn. Nhưng có lẽ lạc lõng giữa đám đông mới thực là sự cô đơn đáng sợ nhất, khi con người nhận ra "Thế giới này mình không quen" - đó là nỗi cô đơn khi nhận ra cách nghĩ, cách sống, thói quen... của mình lạc lõng với những người chỉ có cái "cùng" duy nhất là cùng thời! Trần Tiến cô đơn trong nỗi buồn lạc loài, khi nhìn những fan hâm mộ của thế hệ các nhạc sĩ An Thuyên, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân "tóc đã đều điểm bạc", khi nghe họ chia sẻ: "Thế kỉ âm nhạc của các anh qua rồi..." - thấy thấp thoáng nỗi buồn Vang bóng một thời của Nguyễn xưa! Trần Tiến cô đơn trong cảm giác hoang vắng giữa đám đông, khiến "Cả đời anh chỉ sợ người ta giận hờn mình", thậm chí sợ một em thạch sùng giận hờn bỏ đi không thèm ngoái lại - đi gần hết cuộc đời, người cô đơn lại trở về với những nỗi niềm thơ trẻ nguyên sơ vậy sao? Trần Tiến cô đơn trong những hoài niệm ám ảnh về chiến tranh, có cảm giác người nghệ sĩ bên ngoài sôi động, ào ạt như sóng như gió ấy, trong cõi riêng của mình cứ một mình một nẻo, đi về với những kí ức của cuộc chiến buồn, khi hiện hữu trong cảm nhận rất thực của khứu giác, khía vào lòng người là chi tiết "Gối đầu giường tôi bây giờ là ...cái gối, vẫn còn phảng phất mùi ẩm mốc của rừng già thời chiến tranh"; khi là nỗi buồn trong đêm cuối năm nhớ những người bạn đã nằm lại trong những ô vuông đen mộ huyệt....những người lính Hà Nội còn chưa vào tới Sài Gòn, nằm lại dưới cơn mưa lạnh giá, trống trải giữa rừng cao su..., những người lính không bao giờ được biết tới ly rượu đắng hay khúc blue buồn muốn khóc, những người bạn đã ra đi để lại một thế giới trống rỗng cho người nghệ sĩ cứ muốn ôm vào mình mọi nỗi đau buồn của cõi trần gian!

Lọc qua những nỗi buồn bã, cô đơn của mình, cái neo giữ nghệ sĩ lại có lẽ chính là niềm tin vào sự tốt đep của con người và cuộc đời. Ca khúc Chim sẻ tóc xù được phát triển từ ý thơ Phố ta của Lưu Quang Vũ đã cho thấy vẻ đẹp trong nhân cách của một nghệ sĩ yêu cuộc đời, tin vào sự tốt bụng của con người, yêu tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá của một vùng biển lặng, và để âm nhạc cất lên chính từ niềm yêu tin ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại