Vào những ngày bình thường nhất, cô Yuki Watanabe (tên nhân vật đã được thay đổi) phải làm đến 12 tiếng tại văn phòng, chưa kể đến thời gian tăng ca.
Hãng tin CNN cho hay câu chuyện làm từ 9h sáng đến 9h tối hàng ngày là chuyện bình thường tối thiểu với cuộc sống của Watanabe.
"Thông thường phải 11h đêm tôi mới ra khỏi văn phòng đi về", cô Watanabe, một nữ nhân viên 24 tuổi làm việc cho một hãng viễn thông lớn tại Nhật Bản ngậm ngùi.
Sự căng thẳng và mệt mỏi trong công việc của Watanabe đã khiến cô gái trẻ này mắc một số căn bệnh như run chân và đau dạ dày.
Đến thời điểm này, Watanabe hiểu rằng mình cần nghỉ việc chuyển chỗ làm, thế nhưng cô gái 24 tuổi lại sợ sự nghiệp bị ảnh hưởng vì mang tiếng nghỉ làm.
Tồi tệ hơn, văn hóa làm việc đến chết và trung thành với doanh nghiệp tại Nhật Bản càng khiến câu chuyện xin nghỉ việc trở thành ác mộng với Watanabe.
Theo nữ nhân viên 24 tuổi, việc xin nghỉ làm chẳng khác nào một hành động vô lễ với sếp cũng như công ty trong văn hóa lao động tại Nhật Bản, khi thông thường nhân viên sẽ phải trung thành với doanh nghiệp hàng thập niên, nếu không muốn nói là cả đời.
Chính vì văn hóa làm việc như vậy mà trong rất nhiều trường hợp, người quản lý giận dữ có thể xé tờ đơn xin nghỉ của nhân viên và mạt sát họ, ép người lao động ở lại làm việc.
Cô Watanbe cho biết mình không hề hài lòng với công việc hiện tại khi người sếp coi thường cô, nhưng người phụ nữ 24 tuổi này lại chẳng dám xin nghỉ.
"Tôi không muốn bị la mắng, từ chối cho nghỉ việc và bị ép ở lại", cô Watanabe nói.
Thế rồi nhân viên 24 tuổi này tìm đến Momuri, một dịch vụ chuyên giúp người lao động nghỉ việc, phụ trách việc nói chuyện với sếp các doanh nghiệp để các bên "chia tay" trong êm đẹp.
Nghe có vẻ lạ nhưng dịch vụ như của Momuri lại đang làm ăn phát đạt ở Nhật Bản khi người lao động thuê các chuyên gia đàm phán để xin nghỉ việc thành công với quản lý.
Trên thực tế dịch vụ này đã có từ trước đại dịch Covid-19 nhưng ngày càng nở rộ bởi sau khi giãn cách, người lao động Nhật Bản đã nhận ra sự mệt mỏi của văn hóa lao động đến chết cũng như trân trọng hơn sức khỏe bản thân và cuộc sống riêng tư.
"Tôi hết chịu nổi rồi"
Giám đốc Shiori Kawamata của Momuri cho biết trong năm vừa qua, hãng này đã nhận được đơn hàng của 11.000 lao động.
Được thành lập năm 2022 với cái tên "Momuri", nghĩa là "Tôi hết chịu nổi rồi", doanh nghiệp này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của giới lao động Nhật Bản.
Chỉ với giá 22.000 Yên, tương đương 150 USD, hoặc 12.000 Yên cho những lao động bán thời gian, là các chuyên gia của Momuri sẽ giúp mọi người giải quyết chuyện nghỉ việc mà không cần chịu sự la mắng hay làm phiền từ sếp cũ.
Đồng thời Momuri cũng sẽ chịu trách nhiệm đàm phán, đưa ra những tư vấn luật pháp hiệu quả nhất, có lợi nhất cho người lao động trong trường hợp có xung đột.
"Rất nhiều lao động đến với chúng tôi khi đơn xin nghỉ việc bị xé nát đến 3 lần liền và người quản lý không chịu cho họ rời đi, kể cả khi nhân viên đã quỳ xuống van xin để họ được nghỉ", giám đốc Kawamata nói khi nhận xét văn hóa làm việc tại Nhật Bản khá khắc nghiệt.
Theo Kawamata, đôi khi công ty nhận những cuộc gọi đầy nước mắt từ khách hàng khi họ tuyệt vọng muốn nghỉ việc nhưng không được.
Nhiều nhân viên bị sếp trù dập, đe dọa và bắt nạt khi họ xin nghỉ việc, ví dụ như đến thẳng nhà lao động để bấm chuông làm phiền liên tục mà không chịu rời đi. Một số trường hợp còn bị sếp ép đưa đến chùa ở Kyoto để giải quyết.
Giám đốc Kawamata cho biết phần lớn những lao động gặp rắc rối nặng đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm trong ngành thực phẩm, chăm sóc sức khỏe...
Trên thực tế, văn hóa làm việc đến chết tại Nhật Bản chẳng còn gì lạ với nhiều người quản lý khắt khe, ép buộc giờ làm tăng ca vô lý, kiểm soát ngặt nghèo và tạo áp lực quá lớn lên nhân viên.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi chính phủ Nhật Bản phải lên một danh sách những doanh nghiệp, người quản lý vô đạo đức để cảnh báo người lao động.
"Những doanh nghiệp vô đạo đức này có quá nhiều vấn đề, môi trường làm việc quá tệ và chẳng có sự an toàn, thoải mái nào cho nhân viên. Thậm chí người lao động còn có thể bị đe dọa", giáo sư Hiroshi Ono của trường đại học Hitotsubashi University Business School cho hay.
Kể từ khi danh sách trên được thành lập vào năm 2017, đã có hơn 370 doanh nghiệp bị nêu tên.
Tuy nhiên văn hóa làm việc đến chết, hay còn gọi là "Karoshi" tại Nhật Bản vẫn chưa hề chấm dứt.
Số liệu của Bộ lao động xã hội Nhật Bản cho thấy chỉ có 54 người tử nạn vì lao động trong năm 2022 được bồi thường. Trong khoảng 10 năm qua, con số lao động bị áp lực tại Nhật Bản và yêu cầu bồi thường đã tăng từ 341 trường hợp lên 2.683 vụ.
Giáo sư Hisakazu Kato của trường đại học Meiji University cho biết chính phủ đã ban hành các quy định bảo vệ người lao động, thế nhưng văn hóa làm việc truyền thống của Nhật Bản cũng như môi trường lao động khiến nhiều nhân viên khó lòng từ chối.