Ấp ủ vực lại nghề thêu tay
Tối muộn ngày thứ 5, sau khi cho con ngủ, chị Quản Thị Cúc (35 tuổi) lại thắp chiếc đèn nhỏ trong căn phòng rộng chừng 15m2 với đầy chỉ, khung thêu. Đem chiếc lá bồ đề còn đang thêu dở cho khách, chị tỉ mỉ hoàn thành những mũi thêu cuối cùng để sáng mai có hàng gửi đi.
Đồng hồ điểm 0h cũng là lúc chị hoàn thành tác phẩm của mình, nhìn con hổ được thêu cẩn thận trên lá chị hài lòng cho vào khung tranh đóng lại, tắt đèn để nghỉ ngơi.
Bức tranh hình con hổ được chị Cúc thêu trên lá bồ đề.
Chị Cúc vốn sinh ra tại làng nghề thêu tay xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Từ những năm tiểu học chị đã được mẹ dạy cho những mũi thêu đầu tiên. 10 tuổi, Cúc đã có thể tự thêu hoàn chỉnh một tác phẩm. Thêu trở thành tuổi thơ của chị, tuy nhiên, khi tình yêu với nghề thêu lớn dần trong Cúc cũng là lúc nhiều bà con trong làng dỡ khung thêu vì không thể sống được với nghề.
"Thêu rất vất vả, tốn nhiều thời gian công sức nhưng chẳng mấy người hỏi mua", chị Cúc chia sẻ và cho biết lần lượt từng người già trẻ bỏ thêu, bản thân chị vì mưu sinh cũng phải tìm đến công việc khác. Nhưng tình yêu nghề thôi thúc chị không được bỏ kim xuống. Sáng đi làm, tối về nữ nghệ nhân lại lắp vải vào khung thêu tranh.
Nhìn những tác phẩm mình vất vả làm ra, không muốn nghề thêu tay bị mai một rồi mất đi, chị Cúc trăn trở tìm hướng đi mới. Chị tự nhủ nếu khách hàng không tìm tới mình thì mình chủ động tìm tới khách.
Năm 2015, chị gom các tác phẩm mình đã thêu mang đi chào bán tại các cửa hàng đồ lưu niệm ở nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên sự phát triển của thêu công nghiệp làm các tác phẩm thêu tay của chị không đọ nổi. Số tranh gửi đi chỉ bán được một hai bức, còn lại "ế" phải mang về.
Chị Cúc sáng tạo ra kiểu thêu 3D làm phụ kiện trang trí quần áo.
"Nhiều người quen họ thương mình nên mua ủng hộ", Cúc chia sẻ thất bại với việc bán tranh nhưng cô chưa từng nghĩ đến việc từ bỏ nghề thêu. Nhận thấy thị trường tranh thêu tay khá kén khách, Cúc thử thêu lên các sản phẩm thời trang, may mắn mỉm cười với cô, khách hàng khá ưng ý với những bộ trang phục được nhấn họa tiết hoa văn thêu tay cẩn thận. Để không bị nhàm chán, chị sáng tạo ra nhiều họa tiết thêu nổi 3D mới lạ, tôn thêm vẻ đẹp cho trang phục khách hàng. Dần dà, các cửa hàng không còn từ chối sản phẩm thời trang thêu tay của Cúc, có nơi còn chủ động gọi đặt chị thêu thêm vì lượng khách mua nhiều.
Đổi mới nghề thêu bằng lá bồ đề
Một thời gian dài khi thêu trên vải, hay 3D trở nên phổ biến, chị Quản Thị Cúc quyết định tìm một loại chất liệu mới để thêu. Năm 2019, sau nhiều lần khảo sát các loại vật liệu thêu mới, chị Cúc nhận thấy lá bồ đề được nhiều người làm vật trang trí với ý nghĩa mang lại điều tốt đẹp, bình an, hạnh phúc cho chủ nhân, gia đình, chị nghĩ ngay đến việc thử thêu trên lá bồ đề.
Những chiếc lá bồ đề được nghệ nhân Quản Thị Cúc lựa chọn thêu đều là lá có hình dáng đẹp, cân đối hai bên, râu lá thon dài.
Chị Cúc cho biết để có một chiếc lá bồ đề đạt chuẩn có thể thêu được phải trải qua các giai đoạn từ chọn hái, rửa sạch, ngâm nước vôi trong 60 ngày để lấy xương lá. Sau đó xương lá được chải sạch giữ lại đường gân rồi đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Để thêu một bức tranh trên xương lá bồ đề chị cần từ 1 ngày đến nửa tháng tùy độ khó.
"Lá sau khi được làm sạch và phơi khô sẽ dựa trên mẫu hình khách mong muốn phác thảo, sau đó chọn chỉ và bắt đầu khâu", chị Cúc cho hay. Với chị Cúc, thêu trên vải để đẹp đã khó, thêu trên xương lá còn khó gấp nhiều lần, vì phải đảm bảo chân chỉ vẫn mịn màng, không được làm rách lá. Trong quá trình tự thực hiện, những lần đầu chị Cúc phải bỏ cả chục lá vì khổ lá giới hạn và rất mỏng manh, dễ rách, chỉ sơ sẩy một chút là hỏng cả tác phẩm.
Mỗi bức tranh thêu trên lá có giá giao động từ 400.000 đồng đến vài triệu.
Một bức phượng hoàng được chị Cúc thêu trên lá bồ đề.
"Hiện tại thêu lá rất lâu và khó nên tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng sẵn, mỗi tháng trung bình khoảng 15, 20 đơn", chị Cúc chia sẻ.
Ngoài duy trì nghề thêu tay, đổi mới nhiều loại vật liệu thêu để giữ và phát triển nghề, chị Cúc còn mở các lớp dạy thêu online để truyền bá nghề thêu đến nhiều bạn trẻ.
Chị Cúc mong muốn trong tương lai không chỉ chị, mà nhiều bạn trẻ có thể làm quen, yêu thích với nghề thêu tay. Vừa có thu nhập, tạo công việc và quảng bá được sản phẩm, hình ảnh Việt Nam đi khắp nơi qua từng bức tranh thêu.