Lễ hội vật Cầu nước làng Vân có từ lâu đời gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian của nhân dân địa phương từ bao đời nay.
Tục truyền rằng, khi xưa có bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy đi theo Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương.
Khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn; còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu nhà thánh.
Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, phải quy phục đức thánh Tam Giang ở đây. Chính vì vậy, dân làng Vân mở hội vật cầu (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của đức thánh, với ý nghĩa hội mừng chiến thắng.
Lễ hội là nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây được xem là lễ hội “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, thu hút nhiều du khách.
Lễ hội vật Cầu nước làng Vân 4 năm tổ chức 1 lần
Theo thông lệ xưa, hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức thường xuyên theo điều lệ và quy ước của làng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954, Lễ hội Vật cầu nước ít được tổ chức, Hòa bình lập lại đến năm 1973, nhân dân địa phương khôi phục và duy trì trở lại.
Năm 2002, được nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức, Lễ hội Vật cầu nước làng Vân đã được khôi phục lại mang đầy đủ sắc thái, diện mạo của lễ hội dân gian theo nghi thức cổ truyền. Hương ước của làng hiện nay quy định, 4 năm sẽ tổ chức Lễ hội Vật cầu nước một lần.
Luật chơi của hội vật cầu nước được tổ chức như sau: 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu được chia làm hai giáp (mỗi giáp tám người), gọi là giáp trên và giáp dưới.
Hội vật cầu nước được tổ chức trên sân chính của đền thờ thánh Tam Giang (xóm 4, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp. Ngày 12 đánh hai cầu (tỷ số hòa), ngày 13 đánh ba cầu (tỷ số 2-1) và ngày 14 đánh bốn cầu (tỷ số hòa).
Sẽ có 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật
Với giá trị "độc bản" ở Việt Nam, lễ hội vật cầu nước làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm nay, lễ hộ vật cầu nước làng Vân sẽ được tổ chức trong 3 ngày 12,13, 14 tháng Tư, Nhâm Dần (tức ngày 12,13,14/5 dương lịch).
Theo ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), ngoài lễ công bố quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phần hội sẽ gồm rước, đánh cầu, giao lưu hát quan họ truyền thông, đốt lửa trại, các trò chơi dân gian. Du khách cũng sẽ được trải nghiệm tại 5 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của xã và huyện.
Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, lễ hội Vật cầu nước làng Vân mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, hội mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh.
Quả cầu tròn là dương tượng trưng cho mặt trời, còn lỗ cầu tượng trưng cho âm, âm dương hòa hợp là mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên và đó cũng là mong muốn của cộng đồng, mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.