Ông Thống tâm sự: Một số người bạn tôi đi du lịch ở Châu Mỹ về chia sẻ rằng trên thế giới có nhiều giống nho rất lạ, nó không leo dây nữa mà nó nằm trên thân cây, nếu phát triển giống cây này ở Việt Nam rất có thể sẽ cho lợi nhuận cao.
“Nho thân gỗ” của ông Thống có hình dạng bắt mắt và bám chặt trên thân cây. Ảnh: Sở Hạ
Với kinh nghiệm có được và niềm đam mê làm giàu sẵn có, tôi đã tìm được một giống nho có xuất xứ từ Mexico để đem về trồng và tiến hành nhân giống thành một loại nho khác.
Nó thân giống cây ổi còn trái có hình dáng giống trái sung, vì bám chặt trên thân cây nên còn được gọi là "Nho thân gỗ". Công việc này tiêu tốn của tôi thời gian gần 10 năm trời.
Cây "Nho thân gỗ" rất dễ trồng, ít sâu bệnh, sử dụng phân hữu cơ, có thể trồng với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Một cây trung bình khoảng 50-70 trái, từ nở bông đến có trái mất khoảng 40 ngày.
Chăm sóc loài cây này cũng mất khá nhiều công sức. Ảnh: Sở Hạ
Ông Thống đã đem giống nho gửi đi những người thân, người bạn trồng thử như Hà Nội, Quảng Nam, Đà Lạt, Sa Đéc, Cà Mau,… vẫn phát triển bình thường. Nhưng để cây phát triển tốt nhất vẫn là ĐBSCL vì cây thích hợp đất tơi xốp, nhiều phù sa.
Ông Thống bên cạnh cây giống “Nho thân gỗ” trưởng thành. Ảnh: Sở Hạ
Trao đổi với phóng viên, Ông Trương Tiến Lực - Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho hay: Đối với trường hợp "Nho thân gỗ" của ông Thống thì đơn vị của chúng tôi cũng nghe nói đến.
Tuy vậy, giá cây giống trưởng thành loại này hiện đang khá cao nên chúng tôi chỉ khuyến khích người dân trong vùng nếu có trồng thì chỉ nên trồng thử nghiệm xem thử hiệu quả như thế nào.
Hiện, hằng năm gia đình ông Thống cũng cung cấp ra thị trường trên 1.000 cây con.
Với giá từ 100.000 đến 500.000 đồng đối với cây con, từ 500.000 đến 2.000.000 đồng đối với cây trưởng thành và từ 2.000.0000 đến 3.000.000 đồng đối với cây có trái.
Trên thị trường, riêng mỗi kg nho trên đã có giá 600.000 đồng.
"Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND phường Tân Lộc, tiến hành đến tận vườn của ông Thống để khảo sát chất lượng loại cây trồng này một lần nữa để xem thử chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế của nó đến đâu.
Nếu thấy khả thi thì đơn vị có phương án hỗ trợ người nông dân trong vùng về kỹ thuật nếu như họ muốn trồng để tăng thêm thu nhập.", ông Lực nhấn mạnh.
Huỳnh Công Thống (ngụ Tân An, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) vốn xuất thân một giáo viên dạy toán ở một trường cấp 2, nhưng vì có niềm đam mê với trồng cây từ nhỏ nên sau khi học xong chuyên ngành về toán ông đã trở về vừa làm giáo viên toán vẫn cố gắng mài mò tiếp tục nghiên cứu về cây trồng.