Trong danh sách Top 100, SIPRI cho biết doanh thu bán vũ khí của các công ty sản xuất vũ khí và dịch vụ quân sự năm ngoái chỉ đạt 597 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm 2021.
“Nhiều công ty vũ khí gặp nhiều khó khăn nên không thể gia tăng sản xuất cho giai đoạn chiến tranh cường độ cao”, Lucie Béraud-Sudreau, giám đốc Chương trình Vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, cho biết.
Theo nghiên cứu, doanh thu năm 2022 của 42 công ty Mỹ trong danh sách – chiếm 51% tổng doanh số bán vũ khí – giảm 7,9% xuống 302 tỷ USD. Hầu hết các công ty cho biết nguyên nhân là do các vấn đề về chuỗi cung ứng và thiếu lao động từ sau đại dịch COVID-19.
Nan Tian, một nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy số lượng đơn đặt hàng mới liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine tăng mạnh”.
Ông cho biết, các hãng lớn của Mỹ, như Lockheed Martin và Raytheon Technologies, nhận được số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh, nhưng vì tình trạng tồn đọng đơn hàng và khó khăn khi tăng năng lực sản xuất, nên doanh thu từ các đơn mới sẽ chỉ thể hiện trong báo cáo tài chính của các công ty này trong 2-3 năm tới.
Doanh thu của các công ty ở châu Á và Trung Đông tăng đáng kể trong năm 2022, cho thấy “năng lực đáp ứng nhu cầu tăng mạnh trong khoảng thời gian ngắn”, báo cáo đánh giá. Israel và Hàn Quốc là hai quốc gia được nêu tên trong phần này của báo cáo.
Tuy nhiên, dù giảm so với năm trước, tổng doanh thu của Top 100 hãng vũ khí trong năm 2022 vẫn cao hơn 15% so với năm 2015 – năm đầu tiên mà SIPRI đưa các công ty Trung Quốc vào bảng xếp hạng.