Bên cạnh đó, tỷ lệ duy trì hợp đồng cũng ở mức thấp, số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ giảm 10,6% so với năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ bồi thường tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2022, với số tiền chi trả ước khoảng 57.070 tỷ đồng.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường cả năm 2023 giảm 11,6% so với năm 2022, chỉ ở mức xấp xỉ 157.024 tỷ đồng.
Theo đó, số lượng hợp đồng khai thác mới năm 2023 đạt 1.915.623 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 12.441.381 hợp đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường năm 2023 ước đạt 28.179 tỷ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đến quý 1/2024, doanh thu phí bảo hiểm năm thứ nhất (FYP) của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm 35%. Trong 17 công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động trên thị trường, chỉ có 3 công ty có tăng trưởng doanh thu phí mới còn 14 công ty doanh thu khai thác mới trong quý 1/2024 đều giảm mạnh, theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.
Hiệp hội bảo hiểm cho biết việc khai thác qua kênh bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) của một số công ty bảo hiểm top đầu và khủng hoảng truyền thông sau một video tiêu cực đã ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ thị trường trong năm 2023.
Doanh thu phí mới của khối nhân thọ trong 4 tháng đầu 2024 vẫn ảm đạm, với 16/17 doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu tiếp tục giảm sút. Tính chung toàn khối nhân thọ, doanh thu khai thác mới trong 4 tháng ước giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân này cũng đến từ việc doanh thu phí bảo hiểm quy năm của kênh bancassurance hai tháng đầu 2024 tiếp tục giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, theo số liệu của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm quy năm của kênh bancassurance giảm 47%, phí thực thu năm đầu 2023 giảm 54%. Đồng thời, doanh thu phí bảo hiểm kênh bancassurance chỉ còn chiếm 48% tổng doanh thu phí toàn thị trường, so với mức luôn trên 50% như giai đoạn trước.
Các doanh nghiệp nhân thọ cũng như ngân hàng có triển khai bán bảo hiểm đều nhìn nhận việc siết chặt hơn hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng từ cơ quan quản lý sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ kênh này tại ngân hàng và doanh thu phí bảo hiểm tại doanh nghiệp nhân thọ chậm lại so với giai đoạn 2019-2022.
Doanh nghiệp BHNT mở hàng loạt văn phòng trải nghiệm, tiếp cận khách hàng
Trong bối cảnh đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã khai trương các văn phòng mang tính trải nghiệm, đặt tại trung tâm một số đô thị lớn để tiếp cận khách hàng. Chẳng hạn, Sun Life có văn phòng trải nghiệm Sun Life Flagship tại đường Pasteur, quận 3, TP HCM. Nơi đây tổ chức các chuỗi hoạt động nghệ thuật, sáng tạo.
Còn AIA có nest by AIA, họ gọi đây là “Không gian truyền cảm hứng”. Nest by AIA có các văn phòng trải nghiệm tại Hà Nội, TP HCM, thường xuyên tổ chức các hoạt động workshop cho khách hàng cũ và khách hàng tiềm năng.
Trung tâm Chăm sóc Khách hàng của Prudential cũng được khai trương và đưa vào sử dụng “hướng đến việc cung cấp cho khách hàng trải nghiệm hoàn hảo và đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng khi đến với Prudential” - ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam chia sẻ với Nhịp cầu đầu tư.
Còn Chubb Life ra mắt văn phòng Infinity, văn phòng đầu tiên tại Hà Nội. Các văn phòng này sẽ mở rộng sự hiện diện của Chubb Life đến gần khách hàng địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Chubb Life Việt Nam, cho biết: “Mục tiêu chúng tôi hướng đến khi xây dựng Infinity là thông qua kênh Đối tác kinh doanh này tiếp cận và đáp ứng tốt nhất những nhu cầu đa dạng của khách hàng, để người dân ở mọi phân khúc, mọi vùng miền của đất nước đều có cơ hội đến gần hơn với các giải pháp bảo hiểm nhân thọ phù hợp và đáng tin cậy”.