"Thuế quan như Trường Thành, vừa lợi vừa hại"
Theo Đa Chiều, Nhiệm Chí Cường ví thuế quan như Trường Thành.
Ông nói: "Trường Thành được bắt đầu xây dựng quy mô lớn từ thời nhà Tần. Nó giúp ta phòng ngự nhưng xây Trường Thành mang lại hai kết quả: một là ngăn được kẻ địch bên ngoài, khiến chúng gặp khó khăn khi xâm nhập, nhưng cũng làm phương hại đến việc giao thương, buôn bán với bên ngoài của dân chúng vùng biên giới, không còn được tự do giao lưu nữa.
Xét từ ý nghĩa đó, nếu đơn thuần nói về thuế quan thì thuế quan là bức Trường Thành. Anh không đến với tôi thì tôi có thu được thuế của anh không? Anh vào bên trong Trường Thành của tôi mới liên quan đến thuế. Cho nên nó (thuế quan) không phải là tiến công, mà là phòng ngự".
Ông cho rằng, hiện nay chính phủ Trung Quốc đang củng cố vững chắc hơn Trường Thành của mình, đi ngược lại tư tưởng cải cách mở cửa mà ông Đặng Tiểu Bình đề xướng.
Nhiệm Chí Cường nói: "Tôi không hiểu lắm về chiến tranh thương mại, nhưng ít nhất cũng nhận thức được rằng, thuế quan là bức Trường Thành tự mình phòng ngự, không phải được xây để tiến công. Nếu không dỡ bỏ Trường Thành thì những gì phía bên ngoài đều không phải của Trung Quốc".
Ông nêu câu hỏi với chính phủ: Trung Quốc cần cái Trường Thành đó để làm gì?
Nhiệm Chí Cường: "Trung Quốc không nói chuyện được với ông Donald Trump vì Trung Quốc không chịu mở rộng cánh cửa của mình".
Về cải cách mở cửa, Nhiệm Chí Cường nói: "Nếu anh bỏ đi hai chữ phía sau (mở cửa) thì đừng gọi là cải cách. Cải cách của Trung Quốc là đến từ việc mở toang cánh cửa. Bây giờ anh đóng chặt cửa thì đâu có đúng. Tôi thấy đầu tiên là cần xét từ phía Donald Trump xem ông ta phòng ngự hay nhất định muốn tấn công mình.
Nếu tấn công thì tại sao ông ta cũng tăng thuế đối với nước khác? Đừng nói là ông ta tấn công Trung Quốc, ông ta chỉ là phòng ngự, cho nên đối với các nước khác cũng làm thế. Nước khác nói chuyện thông suốt (với Donald Trump) được vì họ mở cửa. Trung Quốc không nói chuyện được với ông ấy vì Trung Quốc không chịu mở rộng cánh cửa của mình".
Nhiệm Chí Cường cho rằng, "từ khi bùng nổ chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc yếu hẳn, thị trường chứng khoán sụt giảm, đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá, vốn nước ngoài đã xuất hiện làn sóng triệt thoái, cộng thêm gần đây có trang web bàn về kinh tế bị chỉnh đốn, gánh nặng sưu thuế của dân chúng tăng lên, một thời gian tiếng kêu oán thán nổi lên. Trung Quốc ít nhiều đã xuất hiện trạng thái khủng hoảng".
Nhiệm chí Cường cho rằng: sau khi bùng nổ Chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã ít nhiều xuất hiện tình trạng khủng hoảng.
Phê phán việc không tiếp tục chính sách ngoại giao "Giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình
Nhiệm Chí Cường nói: "Năm 2015, nước Mỹ xuất hiện một bản báo cáo nghiên cứu. Khi đó chưa có Donald Trump nhưng nói về quan hệ Trung – Mỹ đã rất gay gắt, giữa hai nước đã xuất hiện rất nhiều, rất nhiều vấn đề. Nếu Trung Quốc không thay đổi phương châm 28 chữ và tư tưởng "Giấu mình chờ thời" thì giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không xảy ra cuộc chiến thương mại và các cuộc chiến tranh khác. Nhưng nếu anh thay đổi những thứ đó của Đặng Tiểu Bình, anh không cần Giấu mình chờ thời, anh nhất định phải dẫn đầu, không cần phải thế này thế khác, thì xin lỗi, tôi quyết không cho anh làm điều đó vì các quốc gia khác cũng sẽ không cho anh làm như thế".
Ông nói, Đặng Tiểu Bình đề ra chính sách "Giấu mình chờ thời" vào sau "Sự kiện 4 tháng 6" (hay sự kiện Thiên An Môn, ngày 4.6.1989), Trung Quốc đứng trước sự phong tỏa của quốc tế, cộng thêm Đông Âu biến đổi và Liên Xô tan rã, Trung Quốc khi ấy lo ngại bi kịch đó cũng xảy ra đối với mình.
Sách "Giải thích quan điểm cốt lõi của lý luận Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc" có ghi, trước tình hình quốc tế phức tạp, Đặng Tiểu Bình kịp thời đề ra phương châm chỉ đạo quan hệ đối ngoại gồm 28 chữ: "Lặng lẽ quan sát - giữ vững trận địa - bình tĩnh ứng phó - giấu mình chờ thời - khéo léo phòng thủ - quyết không đi đầu - hành động thích hợp".
Ông Đặng cho rằng: "Trung Quốc nhất định phải đi đến cùng con đường Xã hội chủ nghĩa đã chọn, không ai có thể làm chúng ta sụp đổ. Chỉ cần Trung Quốc không sụp đổ thì trên thế giới vẫn có một phần năm dân số kiên trì Chủ nghĩa xã hội…".
Nhiệm Chí Cường nhắc lại, theo "Đặng Tiểu Bình niên phả", trước tình hình một số nước thuộc Thế giới thứ Ba muốn Trung Quốc dẫn đầu, tháng 12.1990, ông Đặng đã nhấn mạnh: "Chúng ta quyết không được dẫn đầu. Đây là quốc sách căn bản. Chúng ta không thể đảm đương được chuyện dẫn đầu, lực lượng của ta cũng không đủ. Đi đầu chẳng có gì là tốt, nhiều quyền chủ động bị mất. Trung Quốc vĩnh viễn đứng về phía Thế giới thứ Ba, vĩnh viễn không xưng bá, cũng vĩnh viễn không đi đầu. Nhưng trong vấn đề quốc tế không làm gì là không thể, vẫn phải có hành động thích hợp. Làm gì đây? Tôi thấy phải tích cực thúc đẩy xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế mới".
Tới tháng 4.1992, Đặng Tiểu Bình lại nói: "Chúng ta phải giấu mình chờ thời một số năm nữa mới thực sự hình thành được lực lượng chính trị khá lớn, khi đó sức nặng của tiếng nói trên trường quốc tế của Trung Quốc sẽ khác".
Nhiệm Chí Cường cho rằng, nếu Trung Quốc không từ bỏ chính sách “Giấu mình chờ thời” thì giữa Trung Quốc và Mỹ đã không xảy ra cuộc chiến tranh thương mại.
Nhiệm Chí Cường sinh năm 1951, quê Sơn Đông, là con trai cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Nhiệm Tuyền Sinh. Ông hiện là đảng viên, Ủy viên Chính Hiệp thành phố Bắc Kinh, từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nhà đất Hoa Viễn Bắc Kinh, CEO Tập đoàn Hoa Viễn, Giám sự của Ngân hàng thương mại Bắc Kinh, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Bảo hiểm nhân thọ Tân Hoa, đã tuyên bố nghỉ hưu năm 2014. Ông có bằng Thạc sĩ Luật và có biệt danh "Nhiệm Đại Pháo" bởi những phát ngôn bạo miệng.
Được biết, đoạn video này được ghi tại một cuộc hội thảo. Sau khi xuất hiện trên mạng nó đã gây nên "bão dư luận" và nhanh chóng được nhiều trang mạng và cơ quan truyền thông Hoa ngữ đăng lại.