Doanh nghiệp thống lĩnh trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại Việt Nam kinh doanh ra sao?

Pha Lê |

Trong quý 1 năm nay, doanh nghiệp này đã có mức lợi nhuận tăng trưởng 154,7% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - PLX) hiện nay được hình thành từ việc cổ phần hóa và cấu trúc lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam.

Lĩnh vực kinh doanh chính của Petrolimex là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu, đầu tư vốn vào các doanh nghiệp khác để kinh doanh các ngành nghề mà Petrolimex đang kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Đây là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại Việt Nam.

Theo cáo cáo tài chính quý 1/2023, doanh thu quý 1/2023 đi ngang so với cùng kỳ đạt 67.432 tỷ đồng (tăng 0,6% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, lợi nhuận gộp quý 1 tăng mạnh 28,1% so với cùng kỳ lên 3.559 tỷ đồng nhờ nguồn cung trong nước ổn định trở lại khi nhà máy lọc dầu (NMLD) Nghi Sơn hoạt động hết công suất, giúp PLX giảm thiểu các khoản chi phí đột biến liên quan đến việc tăng nguồn hàng nhập khẩu như trong quý 1/2022.

Trong quý 1 năm nay, chi phí bán hàng của công ty tăng 22,2% so với cùng kỳ lên 2.808 tỷ đồng do chi phí nhân viên cao hơn (tăng 27% so với cùng kỳ) và lợi nhuận tài chính thuần tăng 520% so với cùng kỳ lên131 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi tỷ giá cao hơn.

Kết quả, PLX ghi nhận lợi nhuận ròng quý 1/2023 đạt 620 tỷ đồng, tăng trưởng 154,7% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp thống lĩnh trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại Việt Nam kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Vào ngày 7/4 vừa qua, PLX đã bán đấu giá toàn bộ 120 triệu cổ phần PGBank (PGB), tương đương 40% tổng cổ phần của ngân hàng với giá 21.400 đồng/cổ phiếu. Thương vụ thành công đồng nghĩa với việc PLX đã thoái vốn hoàn toàn khỏi PGB và thu về 2.568 tỷ đồng.

"Chúng tôi ước tính PLX ghi nhận 680 tỷ đồng doanh thu tài chính trong quý 2/2023, tương đương khoảng 14% lợi nhuận trước thuế của PLX trong năm 2023", Công ty chứng khoán VnDirect nhận định.

Công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng tăng trưởng kép lợi nhuận ròng của PLX trong giai đoạn 2023 - 2025. Nguyên nhân là do thị trường xăng dầu trong nước ổn định trở lại từ năm 2023 nhờ việc NMLD Nghi Sơn vận hành hết công suất và việc điều chỉnh phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý, giúp hạn chế các chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến như đã phát sinh trong năm 2022, và tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu đạt tăng trưởng kép là 3% trong năm 2023 - 2025.

Doanh nghiệp thống lĩnh trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại Việt Nam kinh doanh ra sao? - Ảnh 2.

Kế hoạch kinh doanh của PLX.

Năm 2023 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năm nay cũng được đánh giá là năm bản lề trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của PLX.

Trong tài liệu phục vụ cho Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 dự kiến được tổ chức vào ngày 26/6 tới đây, tập đoàn đặt mục tiêu kế hoạch sản lượng xăng dầu xuất bán hợp nhất là 12,95 triệu m3/tấn, bằng 93% thực hiện năm 2022. Doanh thu hợp nhất là 190.000 tỷ đồng bằng 62% kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất trước thế là 3.228 tỷ đồng, bằng 142% năm 2022. Petrolimex cũng dự kiến chia cổ tức 10%.

"Sau một năm 2022 khó khăn chưa từng có đối với ngành phân phối xăng dầu, chúng tôi tin tưởng vào triển vọng phục hồi mạnh mẽ của PLX từ năm 2023 trở đi. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan với PLX. Động lực tăng giá là sản lượng tiêu thụ xăng dầu cao hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá chủ yếu đến từ sự gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong nước do sự cố có thể tái diễn tại NMLD Nghi Sơn", VnDirect nhìn nhận.

Đồng thời, VnDirect cũng dự đoán, giá cổ phiếu của Petrolimex đến cuối năm sẽ đạt 45.600 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, chốt phiên giao dịch ngày 16/6, cổ phiếu này đang ở mức 37.900 đồng/cổ phiếu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại