Ông Trần Việt - Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết: “Công ty có thế mạnh chuyên sản xuất loại vải dệt kim kháng khuẩn để may thành các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trang phục kháng khuẩn của thị trường này.
Công ty sản xuất khẩu trang với sản lượng 50.000 chiếc/ngày. Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay, Công ty hoàn toàn có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc mỗi ngày”.
Tương tự, đại diện công ty Babu, chuyên sản xuất thời trang trẻ em trong đó có khẩu trang cũng cho hay, sản phẩm của công ty có đặc điểm là làm từ sợi tre nên không chỉ có tính thân thiện với môi trường mà còn đảm bảo khả năng kháng khuẩn lâu dài.
Mặc dù mới qua giai đoạn nghỉ Tết, Công ty đang gấp rút mở rộng số dây chuyền để có thể sản xuất khẩu trang đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương sáng 2-2, đại diện một số doanh nghiệp khác cũng khẳng định đã sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, để việc sản xuất kinh doanh mặt này được thuận lợi, một số doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc kết nối nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung về vải, để có thể sản xuất được khẩu trang đủ số lượng yêu cầu.
Mặt khác, phía doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục để công nhận sản phẩm khẩu trang đạt yêu cầu chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Chúng tôi sẽ đề xuất các giải pháp về đảm bảo sản xuất, cung ứng mặt hàng khẩu trang ra thị trường và phân phối, lưu thông hiệu quả, cung cấp đủ khẩu trang có chất lượng cho người dân, góp phần bình ổn thị trường và phòng chống dịch bệnh”.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại Hà Nội, dọc tuyến phố Ngọc Khánh, các cửa hàng thuốc đều treo biển thông báo hết khẩu trang y tế.
Tại "chợ thuốc" Hapulico (quận Thanh Xuân), hai doanh nghiệp phối hợp Ban Quản lý, lực lượng chức năng tổ chức bán 17.000 hộp khẩu trang loại 50 chiếc/hộp với giá 50.000 đồng/hộp.
Dọc tuyến phố Phương Mai (quận Đống Đa), nhiều cửa hàng thuốc bán các loại khẩu trang nhiều loại với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/hộp nhưng số lượng người mua không nhiều.
Tại các khu vực khác, nhiều cửa hàng thuốc vẫn bán khẩu trang y tế với giá 3.000 đồng/chiếc (150.000 đồng/hộp) nhưng số lượng người mua không nhiều.
Trong khi đó, tại một số địa phương như Quảng Ninh, Lào Cai, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hải Dương và một số tỉnh, thành phố thuộc miền Trung, miền Nam, khẩu trang cũng đang được người dân tìm mua rất nhiều, thậm chí có địa phương có biểu hiện khan hiếm.
Để ngăn chặn tình trạng thương nhân lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán khẩu trang, thiết bị y tế bất hợp lý, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và các lực lượng chức năng của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành đã phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tính đến hết ngày 1-2, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 85 vụ bán khẩu trang, vật tư y tế vi phạm về giá bán, chất lượng với tổng số tiền xử phạt là 88,7 triệu đồng; Tạm giữ 4.870 chiếc khẩu trang.