Chiếc đinh cuối cùng
Trước khi quyết định tăng mức thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% của Mỹ đối với Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào ngày hôm nay (10/5), rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng tương lai xuất khẩu hàng hóa của họ sang thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới sẽ "tiêu tùng" vì đòn trả đũa của Trung Quốc.
Ông Jaime Castaneda, Phó Chủ tịch Hội đồng các sản phẩm làm từ sữa của Mỹ, cho biết ngành công nghiệp này đã bị Trung Quốc "giáng đòn" thuế quan 25% từ năm ngoái, khiến tổng sản lượng xuất khẩu của ngành sang Trung Quốc giảm đi 48% trong năm 2018.
"Bất cứ động thái gia tăng mức hạn chế nhập khẩu sẽ là 'chiếc đinh cuối cùng đóng lên quan tài dành cho các mặt hàng xuất khẩu' của chúng tôi.
Nếu Tổng thống [Donald] Trump lại tiếp tục tăng thuế, thì chúng tôi không thể lường trước Trung Quốc sẽ hành động ra sao. Chúng tôi hy vọng là họ sẽ không trả đũa. Nếu như họ trả đũa, thì chúng tôi rất mong là họ sẽ không đánh vào toàn bộ các sản phẩm làm từ sữa", ông Castaneda chia sẻ.
Trung Quốc được dự đoán là sẽ có động thái phản ứng tức thì, sau khi phía Bắc Kinh vừa qua tuyên bố rằng họ sẽ "buộc phải tiến hành các biện pháp trả đũa cần thiết" nếu như Mỹ vẫn tiếp tục thực thi quyết định áp thuế của mình.
Mặc dù Bắc Kinh không còn nhiều lựa chọn để đánh thuế, bởi thực tế là họ mua từ Mỹ ít hơn so với số lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng họ có thể tăng mức thuế hiện đang được áp dụng.
Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh còn có thể gây khó dễ hơn nữa cho các công ty của Mỹ bằng cách yêu cầu người tiêu dùng hoặc các đơn vị nhập khẩu hàng hóa Mỹ ngừng mua hoặc cắt giảm lượng mua đối với một số loại hàng hóa.
Hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được sử dụng để quảng cáo rượu vang California ở Hồng Kông. Ảnh: Finbarr Bermingham
"Canh bạc tồi tệ" của Mỹ-Trung
Tại một sự kiện được tổ chức ở Hồng Kông hôm thứ 5 (9/5) vừa qua, một loạt công ty Mỹ đã thừa nhận rằng họ cảm thấy sợ hãi trước nguy cơ Trung Quốc trả đũa, và cho biết căng thẳng leo thang sẽ khiến tình hình vốn đã khó khăn càng thêm phức tạp.
Patricia Kontur, Giám đốc chương trình của Hiệp hội Việt quất Tự nhiên, một hiệp hội thương mại dành cho những người trồng và sản xuất việt quất của bang Maine, cho biết đòn trả đũa đầu tiên của Trung Quốc hồi năm ngoái đã tăng mức thuế nhập khẩu việt quất từ 40% lên 65%.
Đòn đáp trả của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu mặt hàng việt quất sang Trung Quốc, và bà Kontur cho biết nếu có thêm bất kì gánh nặng nào, thì việc giao thương đối với mặt hàng này sẽ "tiêu tùng".
"Chúng ta [Mỹ] đã nhắm tới Trung Quốc trong vài năm nay, nhưng do thị trường đó bị đánh thuế rất cao nên sẽ rất khó kinh doanh các sản phẩm cao cấp - bạn cần phải đàm phán về giá cả và tìm ra một 'kẽ hở'. Nhưng tôi không biết tình hình sẽ còn tồi tệ thêm đến mức nào nữa", bà Kontur trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Tình trạng căng thẳng leo thang đã diễn ra trước sự ngỡ ngàng của nhiều người, bà Kontur chia sẻ rằng mình mới biết về điều đó khi máy bay đưa bà đến Hong Kong hôm Chủ nhật (5/5) vừa qua. Tại sự kiện bà này tham gia, nơi các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm đối tác tại thị trường Trung Quốc, chiến tranh thương mại là chủ đề được nói đến nhiều nhất.
Được biết, trong những ngày gần đây, cộng đồng sản xuất nông nghiệp của Mỹ đang hết sức lo lắng trước những diễn biến mới của cuộc chiến thương mại. Họ là một phần trong những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi cuộc chơi "ăn miếng trả miếng" thuế quan của chính phủ hai nước.
Ông David De Gendt là đại diện xuất khẩu rượu bourbon của nhà máy rượu Boundary Oak ở bang Kentucky, Mỹ, cũng có mặt tại sự kiện ở Hồng Kông cùng bà Kontur.
Các sản phẩm của nhà máy rượu Boundary Oak. Ảnh: Finbarr Bermingham
Ông De Gendt đã chia sẻ về nỗi sợ rằng việc căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước Trung-Mỹ sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch tiến vào thị trường Trung Quốc của công ty ông. Được biết, hiện nay rất nhiều công ty nước ngoài coi Trung Quốc là thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm cao cấp.
"Việc gia tăng thuế quan giống như một canh bạc tồi tệ, khi cả hai người chơi không ai chịu nhượng bộ", ông De Gendt nói.
Tổng lượng rượu vang Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm gần như ngay khi Trung Quốc tuyên bố đáp trả Mỹ bằng thuế quan. Sau 2 đòn giáng hồi tháng 4 và tháng 9/2018, mặt hàng này đã phải gánh thêm 25% thuế nhập khẩu. Tổng lượng rượu vang Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm đi 25% kể từ đó, và 90% trong số đó là từ bang California.
Ông Christopher Beros, giám đốc phụ trách thị trường châu Á của Viện nghiên cứu Rượu vang California, cho biết: "Chúng tôi biết rằng khi mức thuế tăng cao rõ rệt, thì nó sẽ đi kèm những ảnh hướng nhất định".
Tuy nhiên, ông Beros vẫn đặt niềm tin vào các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Trung Quốc:
"Các nhà sản xuất Mỹ và nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ phải tự quyết định về cách họ đối mặt với tình hình hiện tại. Đó không phải tin tốt lành, nhưng cuộc đời vẫn còn dài. Người tiêu dùng Trung Quốc thích sản phẩm của chúng tôi, do đó tôi hy vọng và tin tưởng rằng hàng rào thuế quan hiện nay sẽ có ngày được dỡ bỏ".