Doanh nghiệp kêu mất oan hàng trăm tỷ vì bị... siết nhầm

Minh Thư |

Quy định nhằm chống chuyển giá trốn thuế nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước lại đang thiệt thòi do thuế tăng cao. Có phản ánh doanh nghiệp phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng, doanh nghiệp trung bình phải nộp thêm 100-200 tỷ đồng, còn doanh nghiệp lớn phải nộp thêm đến 500 tỷ đồng…

Phát biểu tại Hội thảo Nghị định số 20/2017/NĐCP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, khoản 3, điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".

Quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Ông Nam cho biết, công ty con – công ty mẹ đều phải nộp thuế trên phần lãi mà thực chất là chi phí. Trước mắt nghe có vẻ thu được nhiều thuế hơn, nhưng doanh nghiệp không phát triển được, không đầu tư kinh doanh được thì về trung và dài hạn nguồn thu của chúng ta sẽ bị giảm.

Mục tiêu của Nghị định 20 theo giải thích dường như để phòng ngừa chuyển giá để trốn thuế của doanh nghiệp FDI nhưng trên thực tế các doanh nghiệp FDI lại không có phản ứng gì về Nghị định 20 vì nghị định này mục đích chống chuyển giá nhưng họ lại không chuyển giá bằng lãi vay ngân hàng.

Họ có chuyển giá rất nhiều nhưng chuyển giá bằng giá đầu vào và đầu ra.

“Có phản ánh doanh nghiệp phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng, doanh nghiệp trung bình phải nộp thêm 100-200 tỷ đồng, còn doanh nghiệp lớn phải nộp thêm đến 500 tỷ đồng… điều này rất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền lợi của các cổ đông, trong đó có người dân đầu tư”, ông Nam nói.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp bị nộp thuế oan năm ngoái và năm nay chuẩn bị phải nộp. Ông Đức cho biết đã cảnh báo quy định này không hợp lý, khiến doanh nghiệp mất tính chủ động, mất cơ hội mở rộng đầu tư kinh doanh.

Hôm nay, ông Đức tiếp tục đưa ra 3 điều chưa hợp lý của khoản 3 điều 8 của Nghị định 20.

Theo LS Trương Thanh Đức, quy định “tổng chi phí lãi vay” “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần...” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”.

Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác.

Do đó, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.

“Trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế”, ông Đức nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ “Tôi muốn nói về mục đích của Nghị định này, có 3 mục đích: Một là chống chuyển giá, hai là giảm rủi ro cho ngân hàng và ba là tạo cách "chơi", cách phát triển để thị trường minh bạch hơn.

Thực tế, 2 mục đích đầu tiên gần như không đạt được. Nghị định đem lại rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ khó lớn lên. Vấn đề rất quan trọng là khuyến khích đổi mới sáng tạo, nếu cái khó gây ra nhiều hơn là cái lợi ích, chúng ta cần xem lại”, ông Thành nói.

Cần sửa Nghị định 20

Trước những bất cập của Nghị định 20, ông Nguyễn Trần Nam khẳng định, chắc chắn phải điều chỉnh khoản 3 điều 8 của Nghị định 20.

“Điều chỉnh bỏ đi là tốt nhất, nếu không thì phải tăng tỷ lệ lên. Trong thời gian chờ đợi điều chỉnh Nghị định thì cần tạm hoãn áp dụng khoản 3 điều 8 của Nghị định 20”, ông Nam kiến nghị.

TS Võ Trí Thành cũng kiến nghị cần có thời gian khoảng một năm là tốt nhất để nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 20 và nên áp dụng và đưa chuẩn mực thông lệ quốc tế vào áp dụng tại Việt Nam.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cho rằng, cách tốt nhất mong các Hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội tư vấn Thuế, Hội Luật sư và các chuyên gia có kiến nghị tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, làm thế nào nhanh chóng sửa đổi và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018.

“Chúng tôi mong có sự thay đổi cho năm 2018 để các doanh nghiệp thật sự sống được, tồn tại được và hợp tác được với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt có quy định, chính sách riêng cho những dự án nhà ở xã hội”, ông Quân nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại