Tham dự buổi làm việc sáng 15/4 tại VPCP có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp theo ngành hàng như lương thực, gỗ và lâm sản…, các hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc…, lãnh đạo các doanh nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục, hàng không, du lịch…
Trước đó, ngày 26/3, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, Hội nghị toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp dự kiến được tổ chức cuối tháng 4 này, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã gây những thiệt hại lớn cho cộng đồng kinh doanh.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.
Bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tin tưởng, đồng lòng cùng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, cuộc làm việc nhằm lắng nghe các ý kiến về tình hình đi vào cuộc sống của các chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ, các bộ ngành triển khai, những bất cập, tồn tại, vướng mắc trong thực tế.
"Thủ tướng giao VPCP lắng nghe, tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp. Trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh thời gian qua, niềm tin của người dân và doanh nghiệp rất lớn, chúng ta lấy niềm tin đó là cơ sở vươn lên mạnh mẽ.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề sẽ phải tái cơ cấu lại như thế nào thời gian tới", Bộ trưởng phát biểu.
Cần những hướng dẫn cụ thể, thống nhất hơn
Tại buổi làm việc, các ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá cao các giải pháp vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, ở thời điểm tháng 1, tháng 2, khi dịch bệnh vừa xâm nhập vào Việt Nam, có những ý kiến từ các doanh nghiệp châu Âu chưa đồng tình, quan ngại với các giải pháp của Chính phủ Việt Nam mà họ cho là quá chặt chẽ.
Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 2, tất cả đều thừa nhận các giải pháp này là cần thiết và đúng đắn để ngăn chặn dịch bệnh. Vấn đề các doanh nghiệp băn khoăn hiện nay là khi hết dịch, các chính sách sẽ thế nào cho phù hợp?
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu và Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ cũng đánh giá cao các nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc kịp thời xử lý các vướng mắc trong thời gian thực hiện cách ly xã hội vừa qua, như việc một số địa phương ngăn các phương tiện chuyên chở hàng hóa hay yêu cầu phải có giấy đi đường…
"Chúng tôi biết rằng việc hướng dẫn, trao đổi với các địa phương từ VPCP không chỉ bằng các công văn mà còn bằng các cuộc điện thoại trực tiếp nữa", đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ nói.
Các đại biểu cũng nêu nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể liên quan tới việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trước mắt liên quan tới các quy định về thuế, tiền thuê đất, lãi suất, cơ chế quản lý đầu tư, cùng các các vấn đề dài hạn hơn như chống gian lận thương mại, buôn lậu, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực…, cũng như vướng mắc trong một số tình huống cụ thể mà doanh nghiệp đang gặp phải.
"Việc cải cách hành chính, thời gian qua, Chính phủ đã làm tốt nhưng nhân dịp này cần làm tốt hơn nữa, như với việc làm thủ tục qua mạng", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu phát biểu.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất hơn trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, tiếp tục thực hiện giãn cách, cách ly xã hội. Chẳng hạn như cần định nghĩa rõ thế nào là hàng hóa thiết yếu.
Các doanh nghiệp cho rằng hàng hóa thiết yếu không chỉ là thành phẩm mà còn bao gồm cả các nguyên liệu đầu vào sản xuất ra thành phẩm đó. Hoặc, điện thoại di động có phải mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh xã hội đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến hay không?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, VPCP cũng đã tiến hành tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau, tuy nhiên, "nghe những ý kiến từ thực tế vẫn khác".
Theo Bộ trưởng, dịch bệnh như hiện nay là chưa có tiền lệ, do đó, nhiều giải pháp ứng phó cũng là chưa có tiền lệ, nên việc các địa phương nếu có cách hiểu khác nhau cũng là bình thường. Vấn đề là phải theo dõi, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
"VPCP rất sát sao, liên tục theo dõi công luận, các ý kiến phản hồi để trả lời, giải thích, tham mưu xử lý. Mục tiêu là làm sao để chính sách đi vào cuộc sống.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, không thể chấp nhận được "con virus trì trệ"", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. VPCP sẽ tổng hợp đầy đủ, phản ánh trung thực, đề xuất xử lý cụ thể với các kiến nghị và tiếp tục theo dõi việc thực hiện các chính sách trong thời gian tới.