Doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất thành công thuốc điều trị ung thư đang kinh doanh ra sao?

Pha Lê |

Công ty này là một trong những doanh nghiệp nổi bật trong công cuộc chạy đua nâng cấp nhà máy đạt chuẩn EU – GMP tại Việt Nam.

CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) tiền thân là Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định được chuyển đổi từ Doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty TNHH Một Thành viên do Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình Định làm chủ sở hữu (100% vốn Nhà nước). Hoạt động chính của Công ty là sản xuất, kinh doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế.

Năm 2010, Bidiphar gây tiếng vang lớn trong ngành công nghiệp Dược Việt Nam khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thành công thuốc điều trị ung thư. Đến năm 2016, với việc dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư đạt tiêu chuẩn GMP – WHO, công ty tiếp tục cho ra đời hàng loạt các sản phẩm, khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.

Năm 2018, cổ phiếu của Công ty chính thức niêm yết và giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, với mã chứng khoán DBD.

Doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất thành công thuốc điều trị ung thư đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Bidiphar đang kinh doanh ra sao?

Theo báo cáo tài chính, tính đến hết ngày 30/6/2023, công ty có 1.257 nhân sự và 3 công ty liên kết là Công ty TNHH MTV Thương Mại Bình Định (tỷ lệ quyền biểu quyết nắm giữ 100%), Công ty TNHH MTV dược liệu hữu cơ Bidiphar (100%) và Công ty liên kết Công ty Cổ phần Cao su Bidiphar (33,58%).

Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, doanh thu thuần của DBD trong quý 2 đạt 414 tỷ đồng (tăng 22,8%), động lực tăng trưởng đến từ mảng dược phẩm tự sản xuất. Các sản phẩm chủ lực như thuốc ung thư, kháng sinh và dung dịch lọc máu đều có mức tăng trưởng hai chữ số (dưới 15%). Trong đó, thuốc kháng sinh có tốc độ tăng trưởng cao nhất 44% do các dịch bệnh như Covid-19, thủy đậu, tay chân miệng... bắt đầu bùng phát từ tháng 4.

Biên lãi gộp của công ty đạt 49,7%, giảm nhẹ so với quý 1 và đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái do tỷ trọng các sản phẩm chủ lực trong quý 2 giảm so với quý 1 (biên lợi nhuận gộp các sản phẩm chủ lực đều dưới 53%, cao hơn biên lợi nhuận của các sản phẩm khác là khoảng 50%). Công ty nỗ lực duy trì mức biên lãi gộp cao trong 6 tháng cuối năm nhờ đã chốt giá nguyên liệu sản xuất sản phẩm chủ lực đến hết năm 2023.

Tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17% (chủ yếu là tăng lương cơ bản nhân viên và chi phí dịch vụ mua ngoài). Tuy nhiên, tỷ trọng chi phí hoạt động/doanh thu thuần giảm 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Kết quả là lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 21%, đạt 71,8 tỷ đồng.

Cùng với đó, vòng quay vốn lưu động duy trì ổn định từ giai đoạn 2019 - 2022, giúp dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty luôn dương và tăng dần qua các năm. Cuối năm 2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh của DBD tăng 41%. Đến cuối quý 2/2023, do công ty tái đánh giá một số dây chuyển sản xuất nên phải sản xuất trước để trữ hàng khiến lượng hàng tồn kho ở cuối quý 2 tăng 54% so với đầu năm và thời gian tồn kho bình quân từ 163 ngày tăng lên 196 ngày.

Doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất thành công thuốc điều trị ung thư đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 2.

Nguồn: Công ty chứng khoán Bảo Việt

Trong năm 2023, DBD tiếp tục gia tăng sản lượng thuốc ung thư tiêm, ước tính khoảng 2,2 triệu lọ/năm (tăng 30%). Doanh thu thuốc ung thư của Bidiphar dự kiến đạt 417 tỷ đồng trong năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng thuốc kháng sinh khoảng 19% trong 2023 nhờ mở rộng kênh bán lẻ (dự kiến đạt 23.000 nhà thuốc trong 2023). Dự kiến mảng sản phẩm tự sản xuất thuốc kháng sinh của công ty tăng từ mức 415 tỷ đồng năm 2022 lên mức 493 tỷ đồng trong năm nay.

Thị trường dung dịch lọc máu vẫn còn dư địa tăng trưởng khi nguồn cung chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu hiện tại. Ước tính sản lượng tiêu thụ dung dịch lọc máu tăng 30%, với giả định giá bán đi ngang so với cùng kỳ. Chính vì vậy, doanh thu của công ty cũng tự kiến tăng thêm hơn 13% lên mức 205 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất thành công thuốc điều trị ung thư đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 3.

Nguồn: Công ty chứng khoán Bảo Việt

Các mảng kinh doanh khác của Bidiphar dự kiến tăng nhẹ, từ 576 tỷ đồng lên 590 tỷ đồng. Theo Euromonitor, tốc độ tăng trưởng nhóm thực phẩm chức năng cho trẻ em khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026. Do đó, DBD sẽ đẩy mạnh mảng thực phẩm chức năng tập trung vào nhóm trẻ em và phụ nữ sau sinh, nhóm trung niên và người cao tuổi. Trong năm nay, công ty chú trọng sản phẩm tự sản xuất, hạn chế các sản phẩm mua ngoài.

Biên lãi gộp của công ty trong năm nay ước tính ở mức 52%, đạt 933 tỷ đồng nhờ khả năng cung ứng nguyên vật liệu ổn định giúp giá nguyên vật liệu đầu vào. Công ty đã chốt giá nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm chủ lực đến hết năm 2023, còn với các sản phẩm không chủ lực chốt giá nguyên liệu đến hết quý 3/2023. Ước tính giá nguyên vật liệu trung bình 2023 tăng 5-7% so với 2022 trong khi đó giá một số loại thuốc tăng ở mức hai chữ số.

DBD là một trong những doanh nghiệp nổi bật trong công cuộc chạy đua nâng cấp nhà máy đạt chuẩn EU – GMP tại Việt Nam. Ngoài việc nâng cấp dây chuyền sản xuất ung thư, Công ty còn dự kiến sẽ xây dựng thêm 2 nhà máy mới trong giai đoạn 2023 - 2026 là nhà máy sản xuất thuốc vô trùng và non betalactam theo tiêu chuẩn EU – GMP với tổng nguồn vốn hơn 1.600 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết trong quý 4/2023 công ty sẽ khởi công nhà máy thuốc tiêm vô trùng với chi phí xây dựng ước tính trong năm nay dự kiến 71 tỷ đồng. Công ty sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn tự có, ngoài ra sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược trong giai đoạn 2023 - 2024 (với mức sở hữu khoảng 25%).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại