Đoạn video 10 phút khiến Hungary nổi giận, chặn Thụy Điển gia nhập NATO

Hoàng Vân |

GD&TĐ - Hungary đang đe dọa ngăn Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì đoạn video dài 10 phút được cho là xúc phạm nền dân chủ.

Việc chính phủ Hungary lên tiếng đe dọa chặn Thụy Điển gia nhập NATO là một động thái bất ngờ, bởi trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7, Budapest khẳng định nước này sẵn sàng ủng hộ Stockholm trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Nguyên nhân khiến Budapest nổi giận và đe dọa chặn đường vào NATO của Stockholm có liên quan đến một video bị coi là “xúc phạm nền dân chủ Hungary” được sản xuất bởi UR, một đài truyền hình dịch vụ công của Thụy Điển có nội dung không chịu ảnh hưởng của chính phủ nước này.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 14/9 đã viết một lá thư gửi Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom, trong đó nói rằng, đoạn video chắc chắn không giúp ích gì cho việc Stockholm liên tục yêu cầu Budapest phê chuẩn nỗ lực gia nhập NATO của nước này.

Ông Szijjarto nhấn mạnh thêm rằng, đoạn video là một thông tin giả mạo khi nói rằng “nền dân chủ đã suy thoái ở Hungary trong những năm gần đây”, thế mà chính phủ Thụy Điển lại phê duyệt video giáo dục gây sốc, mang tính chất “tấn công Hungary” này.

“… Làm thế nào để chúng tôi thuyết phục các nghị sĩ Hungary ủng hộ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển khi nền dân chủ của chúng tôi liên tục bị nghi ngờ, các cử tri của chúng tôi bị xúc phạm?” - cố vấn chính trị của Thủ tướng Viktor Balázs Orbán là ông Balazs Orban tuyên bố.

Gergely Gulyas, một nghị sĩ cấp cao của đảng cầm quyền, cho biết thêm: “Nếu đoạn phim được chiếu ở các trường công lập, điều đó có nghĩa là chính Thụy Điển đang làm mọi cách để ngăn Hungary phê chuẩn việc cho phép họ gia nhập NATO”.

Được biết, video này được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành các biện pháp trừng phạt chống lại Budapest và thu hồi hàng tỷ euro hỗ trợ Hungary, với cáo buộc chính quyền Thủ tướng Viktor Orban đã “vi phạm nguyên tắc pháp quyền”, trong khi Nghị viện châu Âu (EP) tuyên bố rằng, Hungary “không còn là một nền dân chủ đầy đủ”.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đến nay vẫn chưa phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.

Trong một thời gian dài, Ankara đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn sự gia nhập của Thụy Điển sau một loạt hành động đốt kinh Koran ở Thụy Điển khiến nhiều quốc gia Hồi giáo, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ tức giận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại