Dọa tấn công Syria để "tung hỏa mù": Thổ Nhĩ Kỳ cố tình đánh lạc hướng để Mỹ "quên" thương vụ S-400 với Nga?

Quốc Vinh |

Với việc Washington đang xem xét các lựa chọn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mối quan hệ ngày càng tăng với Nga, không có cách nào tốt hơn việc làm nóng lại vấn đề Syria để tranh cãi S-400 đi vào lãng quên.

Canh bạc đánh đổi Syria lấy S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong nhiều ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục đe dọa sẽ khởi động một chiến dịch quân sự chống lại người Kurd – đối tác của Mỹ ở Syria. Không chỉ vậy, Ankara còn vừa nhận các bộ phận đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 từ Nga – một bước đi khiến giới chính trị ở Washington phẫn nộ.

Cứ mỗi cuộc khủng hoảng mới mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành, Mỹ buộc phải đi vào hai lựa chọn, hoặc chống lại ý muốn của quốc gia đồng minh NATO, hoặc chấp nhận nhượng bộ và khiến cho nguy cơ Ankara ngày càng trôi xa khỏi mình, theo Jerusalem Post.

Dọa tấn công Syria để tung hỏa mù: Thổ Nhĩ Kỳ cố tình đánh lạc hướng để Mỹ quên thương vụ S-400 với Nga? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tấn công Syria.

Vào mùa thu năm 2018, Ankara đã làm điều tương tự, đe dọa tấn công miền Đông Syria, huy động các nhóm phiến quân và đụng độ với các cứ điểm của Lực lượng Dân chủ Syria, đối tác chính của Mỹ tại đây.

Washington đã phản ứng bằng việc tuyên bố rút quân khỏi Syria. Trong lập luận của mình, Tổng thống Donald Trump nói cuộc chiến chống khủng bố đã kết thúc và người Mỹ cần phải rời khỏi quốc gia Trung Đông.

Các quan chức quốc phòng Mỹ đã bị sốc trước quyết định bất ngờ của Nhà Trắng khi đồng minh của họ ở Syria bị bỏ rơi.

Hiện tại, vào mùa hè năm 2019, một cuộc khủng hoảng mới do Ankara châm ngòi lại bắt đầu. Sau khi hoạt động bầu cử trong nước kết thúc, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chuyển hướng sang một chiến dịch quân sự mới chống lại người Kurd ở miền Đông Syria, với lý do Mỹ đã trì hoãn tiến hành thiết lập một khu vực an toàn tại đây.

Một mặt, Washington lên tiếng chỉ trích hành động đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đồng thời các nhà ngoại giao đang ở sau hậu trường tìm cách thỏa hiệp.

Quyết định của Ankara đến ngay sau khi nước này bắt đầu nhận hệ thống phòng không S-400 của Nga. Theo giới phân tích, đây không phải là sự trùng hợp.

Tờ Jerusalem Post cho rằng, với việc Washington đang xem xét các lựa chọn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mối quan hệ ngày càng tăng với Nga, không có cách nào tốt hơn việc làm nóng lại vấn đề Syria để tranh cãi S-400 đi vào lãng quên.

Vì vậy, về lâu dài, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẵn sàng sử dụng các đòn bẩy ở Syria để hệ thống S-400 được chấp nhận ở Mỹ.

Mỹ có nhượng bộ?

Trở thành đồng minh của nhau từ những năm 1950, Ankara hiểu rất rõ suy nghĩ của Washington.

Sau khi theo dõi chính sách của Mỹ trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ đã hiểu được vấn đề mà Iran, Nga và Trung Quốc đã nhận ra trước đó: Mỹ thường nể mặt các quốc gia có sức mạnh và các lời đe dọa cứng rắn, qua đó sẵn sàng sẽ đưa ra một số thỏa hiệp.

Vì vậy, những gì Thổ Nhĩ Kỳ đang làm hiện tại là một trong những cách thương lượng khá cổ điển, mặc dù tuyên bố tấn công nhưng mục tiêu thực sự của Ankara lại ở chỗ khác. Đây được coi là canh bạc của Tổng thống Erdogan, tờ Jerusalem Post nhận định.

Dọa tấn công Syria để tung hỏa mù: Thổ Nhĩ Kỳ cố tình đánh lạc hướng để Mỹ quên thương vụ S-400 với Nga? - Ảnh 3.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang bế tắc về kế hoạch thành lập khu an toàn ở Syria.

Mỹ hiện đã đưa ra một kế hoạch mới để hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria. Giống như việc đồng ý tuần tra chung xung quanh Manbij, một khu vực khác mà Thổ Nhĩ Kỳ từng đe dọa sẽ tiến hành tấn công, Mỹ đã đồng ý sẽ thực hiện nhanh chóng các bước để giải quyết các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng nhau thành lập một trung tâm hoạt động chung, hướng tới thiết lập vùng an toàn để giải quyết mối lo người Kurd. Bế tắc hiện tại trong đàm phán hai nước chỉ là quy mô của khu vực an toàn và ai sẽ thực hiện tuần tra, kiểm soát.

Về phần mình, trong thời gian tới, chính sách của Ankara sẽ không còn quan tâm đến mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad mà làm việc trực tiếp với Nga trong câu chuyện liên quan đến Idlib – thành trì cuối cùng của phe đối lập.

Từ quan điểm của Ankara, đây là phương án tốt nhất. Điều này cũng giúp mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên chặt chẽ hơn với Nga, quốc gia cũng đồng tình rằng Mỹ nên rời khỏi miền Đông Syria.

Hơn cả, một kịch bản như vậy cũng làm vừa lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người cảm thấy đất nước họ không bị phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ và tạo ra một chính sách đối ngoại độc lập để định vị Thổ Nhĩ Kỳ như một thế lực thống trị ở Trung Đông.

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được bao nhiêu phần trăm thành công trong mục tiêu của mình.

Hiện tại, một thỏa thuận ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga – đại diện cho quân đội Syria ở Idlib có nguy cơ sụp đổ. Thời gian cho Ankara không còn nhiều và Tổng thống Erdogan sẽ phải nhanh chóng yêu cầu Mỹ làm rõ ràng những nhượng bộ của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại