Từ biểu hiện của "bốn chấm không"...
Ít tháng gần đây, trong dòng thời sự kinh tế nước nhà thường nói đến cụm từ "cách mạng công nghiệp 4.0". Khối người cười tủm tỉm khi thấy một cựu quan chức lên tiếng cho rằng nói chuyện bốn chấm không ít thôi vì Singapore, Trung Quốc mới có ba chấm năm. Hoặc cứ xem mấy cuộc thi đường lên đỉnh Olympia, học sinh đi thi gặp câu hỏi "môn thi chạy ở Olympic gọi là môn gì" còn chịu chết, chỉ vì câu hỏi được hỏi bằng tiếng Anh, là đủ biết cái "bốn chấm không" ấy gian nan lắm.
Tuy nhiên có một biểu hiện ở tầm xã hội rất "ra dáng bốn chấm không" mà có lẽ ai cũng phải công nhận. Đó là việc Việt Nam sử dụng điện thoại di động thuộc loại hàng đầu thế giới. Theo bà Tammy Phan – Giám đốc đối tác chiến lược và Kênh bán hàng Việt Nam của Google (Googla APAC) - đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động.
Có một chi tiết thú vị là việc hiện nay có đến 55% người Việt sở hữu điện thoại di động dường như khá mâu thuẫn với thói quen sử dụng tiền mặt cố hữu trong phần lớn dân chúng.
Ở các quốc gia phát triển như Mỹ chẳng hạn, công nghệ điện thoại di động phát triển tương ứng với lối sống, sở thích, thậm chí can thiệp sâu vào thói quen tiêu dùng của người dân. Bởi đó là nền tảng của việc mua bán online, hay còn gọi là thương mại điện tử, với việc người tiêu dùng không cần phải đến tận cửa hàng móc tiền mặt ra mua hàng nữa.
Điện thoại xịn là món "tiêu sản" có thể khiến bất cứ người dùng nào nhắm mắt ký vào các hợp đồng trả góp với thời gian cân nhắc cực ngắn.
Tuy nhiên bối cảnh ở Việt Nam có sự khác biệt lớn. Tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017 vừa diễn ra tại Đà Nẵng, khi vị khách mời tỷ phú Jack Ma của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) có buổi nói chuyện về khởi nghiệp với sinh viên Việt Nam, trên các trang mạng xã hội lập tức có hàng vạn ý kiến bình luận rôm rả, trong đó không ít ý kiến cho rằng thương mại điện tử hay chuyện bán hàng online, mua bán qua mạng, qua điện thoại ở Việt Nam có từ lâu rồi.
Chuyện đó đúng là có thật, nhưng một là thói quen tiêu tiền mặt đã ăn sâu vào tư duy của người tiêu dùng Việt, hai là nền tảng cho một ngành thương mại điện tử ở Việt Nam chưa vững.
Thành thử người Việt sắm điện thoại di động để alo (dĩ nhiên rồi) và để sử dụng một số ứng dụng mang tính giải trí như lướt Facebook, chụp ảnh, nghe nhạc hay chơi game là chính, chứ để tham gia thương mại điện tử thì phải chờ xem tới đây "anh Alibaba và một số anh em" sẽ làm thế nào.
... đến chuyện "không có bữa trưa miễn phí"
Có một thực tế là đồ tiêu dùng công nghệ cao thường rất hấp dẫn khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Việc khách hàng trẻ ở Mỹ hay châu Âu xếp hàng rồng rắn từ đêm hôm trước ngày mở bán mẫu điện thoại iPhone mới là chuyện bình thường chứ chẳng riêng gì ở Việt Nam.
Người tiêu dùng ở các nước phát triển cũng mua đồ tiêu dùng trả góp với quy mô còn lớn hơn ở Việt Nam nhiều, đơn giản là vì hình thức bán hàng này xuất phát từ những quốc gia ấy.
Dù vậy điểm khác biệt là trong khi người tiêu dùng ở các nước phát triển mua trả góp trên nền tảng có thu nhập ổn định thì ở Việt Nam, một số đông mua trả góp là do chưa đủ tiền. Đây là điều dễ hiểu bởi với thói quen tiêu tiền mặt, người tiêu dùng Việt thường trả tiền mặt lấy hàng ngay và chỉ khi không thể làm thế thì họ mới tìm đến hình thức mua hàng khác.
Người tiêu dùng Việt thường trả tiền mặt lấy hàng ngay và chỉ khi không thể làm thế thì họ mới tìm đến hình thức mua hàng khác.
Các chính sách liên kết kích cầu tiêu dùng và tín dụng trong vài năm trở lại đây được các ngân hàng và doanh nghiệp bán hàng tiêu dùng rất quan tâm và áp dụng rộng rãi, đặc biệt là những mặt hàng công nghệ cao như máy tính hay điện thoại di động.
Với những chương trình cho vay trả góp không lãi suất, các doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động tăng doanh số bán hàng nhanh chóng do nhu cầu sở hữu một chiếc alo là rất lớn, bất kể đó có là mặt hàng thời thượng hay không (thực ra những chiếc điện thoại thông minh thời nay đổi mới liên tục nên dù mua một chiếc máy cũ, khách hàng vẫn có thể tự hào điện thoại của mình chẳng kém gì "điện thoại của nó").
Chỉ có điều như một câu ngạn ngữ "không có bữa trưa miễn phí", chẳng ai cho không bạn cái gì cả. Thay vì các chương trình khuyến mãi tặng quà không phù hợp với khách hàng, phần tiền khuyến mãi được doanh nghiệp bù vào việc không tính lãi suất. Đó là chưa kể trường hợp cá biệt, doanh nghiệp có thể bán hàng với giá cao hơn giá thực rồi cho trả góp để "trừ dần là vừa".
Và độ vênh của thói quen tiêu dùng, mức sống lẫn cái gọi là "trải nghiệm cuộc sống trong một xã hội công nghiệp hóa" giữa người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng ở các nước phát triển dẫn đến hậu quả là chủ sở hữu của chiếc alo mua trả góp thường xuyên bị ngân hàng gọi ời ời nhắc trả tiền hàng tháng vì khổ nỗi, phần lớn đều tiêu tiền mặt chứ có sử dụng tài khoản như một chiếc ví điện tử đâu để mà trừ nợ.
Vì một tương lai của nền kinh tế số
Nói như vậy không có nghĩa chuyện mua trả góp điện thoại bị đánh giá theo kiểu "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào". Nhu cầu sử dụng điện thoại di động là có thật và khi nhu cầu ấy rất cao thì lại là tiền đề quá tốt cho một nền kinh tế hiện đại mà thế giới gọi là nền kinh tế số, khi thương mại thông qua kết nối trực tuyến trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên để có được điều ấy, không chỉ sở hữu thật nhiều điện thoại di động hoặc có số người truy cập internet thật nhiều là đủ.
Việt Nam mới chỉ tiếp cận điểm đầu tiên của nền kinh tế số là có tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại kết nối internet ở mức cao.
Một nghiên cứu của Đại học Havard (Mỹ) cho biết Việt Nam là một trong 5 ngôi sao đang lên của làng công nghệ số thế giới (gồm Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines), thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ viễn thông và điện thoại di động cao nhất khu vực và thế giới, nhưng mức độ sẵn sàng cho kinh tế số ở Việt Nam chưa cao.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết ở thời điểm năm 2015, Việt Nam đứng thứ 85/143 nền kinh tế về mức độ chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế số. Điều này có nghĩa là chúng ta chưa xây dựng được một nền tảng thực sự để kinh tế số phát triển.
Ngoài vấn đề thể chế, việc người dùng điện thoại di động Việt Nam chưa có thói quen sử dụng điện thoại trong mua bán thương mại cũng là một rào cản để tạo ra một nền tảng vững chắc cho nền kinh tế số.
Bán được điện thoại, dù là trả ngay hay trả góp cũng đã tốt rồi, nhưng thay đổi thói quen để hướng người tiêu dùng đến một cấp độ tiêu dùng mới, tạo thành thói quen mới, là việc quan trọng hơn rất nhiều bởi chính điều đó mới giúp san bằng dần độ vênh của các hành vi thương mại khi một xã hội mới phát triển tiếp xúc ồ ạt với những sản phẩm từ những nền công nghiệp hóa hiện đại hơn cả trăm năm và tạo ra các thế hệ người tiêu dùng năng động, sẵn sàng thích ứng với một nền kinh tế số.