Theo hãng tin AP, trong một tuyên bố của quân đội Israel cuối ngày 15/1, cuộc đụng độ xảy ra gần cửa khẩu biên giới Nitzana với Ai Cập trên Bán đảo Sinai. Binh sĩ Israel đã có cuộc đọ súng với 20 nghi phạm có vũ trang.
Quân đội Israel cho biết nữ binh sĩ Israel bị trúng đạn đã được sơ tán đến bệnh viện để điều trị y tế và gia đình của cô đã được thông báo. Quân đội Israel chưa xác định được danh tính các nghi phạm.
Theo một tuyên bố của quân đội Ai Cập ngày 16/1, các đối tượng liên quan đến vụ đụng độ vào thời điểm đó đang thực hiện hành vi buôn lậu ma túy vào Israel. Lực lượng Ai Cập thông báo một kẻ đã thiệt mạng và sáu kẻ khác đã bị bắt sau đó.
Ai Cập và Israel đạt thỏa thuận hòa bình kể từ năm 1979, nhưng cuộc chiến kéo dài của Israel nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza đã khiến mối quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.
Trước đó, vào tháng 6/2023, tại cửa khẩu Al-Awja, viên cảnh sát Ai Cập Mohamed Salah đang làm nhiệm vụ truy bắt những kẻ buôn lậu đã không may làm 3 binh sĩ Israel thiệt mạng.
Mặc dù đối với vụ đụng độ lần này, cả hai nước dường như đều muốn đưa ra nguyên nhân truy quét buôn lậu ma túy để không làm gia tăng căng thẳng trong một khu vực vốn đã căng thẳng. Tuy nhiên, vẫn có một vài điểm hoài nghi. Hiếm khi những kẻ buôn lậu ma túy di chuyển với số lượng người lớn như vậy trong khu vực đó và đặc biệt tìm cách vượt biên vào Israel thông qua khu vực được giám sát chặt chẽ như Al-Awja.
Bình luận trên tờ Al-Jazeera, các nhà phân tích Arab nhận định kiểu hoạt động phối hợp này cho thấy có sự tham gia của một hoặc nhiều nhóm chiến binh hoạt động ở khu vực Sinai. Những nhóm này có liên quan trực tiếp tới cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza.
Kể từ những ngày đầu khi Israel tiến hành chiến dịch đáp trả tổng lực vào Gaza, Tel Aviv đã liên tục pháo kích vào bức tường biên giới giữa thành phố Rafah và Ai Cập, buộc Cairo phải đóng cửa hoàn toàn biên giới trước làn sóng di cư của người Palestine.
Hơn nữa, quân đội Israel đã nổ súng vào các vị trí biên giới Ai Cập song họ nói rằng các cuộc tấn công chỉ là vô ý.
Căng thẳng gia tăng khi Israel đe dọa giành quyền kiểm soát hành lang Philadelphia giữa Rafah và Ai Cập, cáo buộc lực lượng Hamas sử dụng đường hầm dưới lòng đất để buôn lậu vũ khí.
Ai Cập phủ nhận những cáo buộc như vậy và nhấn mạnh rằng tất cả các đường hầm đã bị phá hủy.
Trong khi đó, người Palestine cáo buộc Israel lấy các đường hầm nối với Ai Cập như một cái cớ để biện minh cho việc tái chiếm khu vực. Trước đó, các quan chức Israel đã nhiều lần công khai ý muốn đưa người Palestine ra khỏi Dải Gaza.