Đổ máu trong Quốc hội Macedonia sau khi lộ diện tân chủ tịch

Phạm Nghĩa |

Những người biểu tình xông vào Quốc hội Macedonia hôm 27-4 sau khi một người Albania được bầu làm chủ tịch.

Theo đài BBC (Anh), ít nhất 10 người bị thương sau vụ đụng độ, trong đó có thủ lĩnh đảng Dân chủ Xã hội Zoran Zaev – người rời khỏi hiện trường với khuôn mặt đầy máu.

Đám đông biểu tình – vốn ủng hộ đảng VMRO của cựu Thủ tướng Nikola Gruevski – yêu cầu chính phủ tiến hành một cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch quốc hội khác.

Họ tức giận vì tân chủ tịch quốc hội là một người gốc Albania tên Talat Xhaferi, đồng thời lo ngại quá trình thống nhất đất nước bị ảnh hưởng nếu một “kẻ ngoại đạo” xen vào bộ máy chính quyền cấp cao.

Trong số khoảng 200 người xông vào quốc hội hôm 27-4, có vài người đeo mặt nạ. Các nhân chứng kể rằng họ nhìn thấy kính vỡ trên sàn nhà và vết máu dọc hành lang.

Cảnh sát buộc phải ném lựu đạn choáng để xua tan đám đông, cho phép các chính trị gia rời khỏi an toàn.

Đổ máu trong Quốc hội Macedonia sau khi lộ diện tân chủ tịch - Ảnh 1.

Cảnh sát chống bạo động bên ngoài tòa nhà quốc hội. Ảnh: REUTERS

Đại sứ quán Mỹ tại Macedonia chỉ trích trên mạng xã hội Twitter: “Chúng tôi mạnh mẽ lên án vụ bạo lực xảy ra ở Macedonia”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng chia sẻ ông “bị sốc” bởi thông tin này.

“Tất cả các bên phải tôn trọng dân chủ và tham gia đối thoại chứ không phải dùng bạo lực” – ông Stoltenberg “đăng đàn” trên Twitter.

Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) Johannes Hahn nhấn mạnh: “Bạo lực không có chỗ trong nghị viện. Dân chủ phải đi đúng hướng”.

Nền chính trị tại nước Cộng hòa Nam Tư cũ này trở nên rối ren sau đợt bầu cử gây nhiều tranh cãi hồi tháng 12 năm ngoái. Cách đây 2 năm, chính phủ Macedonia cũng vướng phải một vụ bê bối nghe lén điện thoại khác.

Đổ máu trong Quốc hội Macedonia sau khi lộ diện tân chủ tịch - Ảnh 2.

Khoảng 200 người tham gia cuộc biểu tình. Ảnh: REUTERS

Ông Zaev đang tìm cách tạo ra một liên minh với các đảng phái người Albania. Tuy nhiên, nỗ lực thành lập chính phủ của ông bị tổng thống Macedonia ngăn chặn.

Các nhà hoạt động vì dân tộc đã mở nhiều cuộc biểu tình trên đường phố kể từ khi ông Zaev nhen nhóm ý định thành lập liên minh.

Người gốc Albania hiện chiếm khoảng 1/4 dân số của Macedonia. Hồi năm 2001, Macedonia suýt rơi vào nội chiến sau cuộc nổi dậy của người Albania.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại