Đổ hàng tỷ USD để biến thành phố thành “miếng bọt biển”, tại sao khát vọng trị thủy nghìn đời của Trung Quốc vẫn dang dở?

Anh Dũng |

Các nhà quy hoạch đô thị đang phải vật lộn để bắt kịp với những thay đổi đột ngột về lượng mưa do biến đổi khí hậu.

Đổ hàng tỷ USD để biến thành phố thành “miếng bọt biển”, tại sao khát vọng trị thủy nghìn đời của Trung Quốc vẫn dang dở? - Ảnh 1.

Sông Yongding sau trận mưa lớn ở Bắc Kinh vào ngày 1/8. Nguồn: CNS/AFP/Getty Images

Ít nhất 30 triệu người Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong năm 2023, trong đó có ít nhất 20 người thiệt mạng. Tình trạng này đặt ra câu hỏi rằng Trung Quốc đã chuẩn bị những gì để đối phó với thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để đối phó với những trận mưa lớn. Sau trận lụt năm 2012 khiến 79 người thiệt mạng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi xây dựng các “thành phố bọt biển”.

Ý tưởng này rất đơn giản. Đó là tạo sân vườn trên mái nhà, vỉa hè có thể thấm nước, xây bể chứa ngầm và nhiều ứng dụng khác giống miếng bọt biển có thể hấp thụ lượng nước lớn, sau đó từ từ xả nước trở ra sông hoặc hồ chứa. Kể từ đó, hàng chục thành phố của Trung Quốc, từ Bắc Kinh ở phía bắc đến Trùng Khánh ở phía nam đều cam kết thực hiện chuyển đổi.

Nhưng số người thiệt mạng ở miền bắc Trung Quốc kể từ thứ Bảy tuần trước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc liệu các chiến lược này có hiệu quả hay không. Vì nhiệt độ toàn cầu tăng cao khiến các trận mưa xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Đổ hàng tỷ USD để biến thành phố thành “miếng bọt biển”, tại sao khát vọng trị thủy nghìn đời của Trung Quốc vẫn dang dở? - Ảnh 2.

Một toà nhà ở Bắc Kinh chìm trong nước. Ảnh: CNS/AFP/Getty Images

Ví dụ như sân bay Đại Hưng là một trung tâm hàng không lớn ở ngoại ô Bắc Kinh. Các hồ nước, bể chứa và hệ thống thoát nước của sân bay này được thiết kế để hấp thụ lượng nước mưa tương đương với khoảng 1.300 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Được mệnh danh là “sân bay bọt biển” đầu tiên, nhưng một phần đường băng của Đại Hưng vẫn bị ngập nước khi thủ đô hứng chịu trận mưa kỷ lục.

Ở tỉnh Hà Bắc lân cận, thành phố Hình Đài cũng là nạn nhân của các trận mưa lớn. Mặc dù thành phố này đã tham gia vào chiến dịch quốc gia từ năm 2016 để bổ sung nhiều “bọt biển”, khi mưa trút xuống, lũ lụt dâng vẫn khiến nhiều người thiệt mạng.

Không chỉ riêng sân bay Đại Hưng hay thành phố Hình Đài phải chật vật vì mưa lũ. Vào cuối thập kỷ trước, thành phố Trịnh Châu đã đầu tư 53,3 tỷ NDT (7,4 tỷ USD) để trang bị thêm cơ sở hạ tầng, biến thành phố thành miếng bọt biển. Tuy nhiên, vào năm 2021, một trận lũ kinh hoàng xảy ra đã khiến 380 người thiệt mạng và cuốn trôi khoảng 41 tỷ NDT tài sản.

Đổ hàng tỷ USD để biến thành phố thành “miếng bọt biển”, tại sao khát vọng trị thủy nghìn đời của Trung Quốc vẫn dang dở? - Ảnh 3.

Ô tô chìm trong nước lũ ở Trịnh Châu vào ngày 22/7/2021. Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images

Theo nhà nghiên cứu Hongzhang Xu tại Đại học Quốc gia Australia, chiến lược “thành phố bọt biển” của Trung Quốc có một vấn đề nghiêm trọng là không tính đến các sự kiện thời tiết cực đoan hay các thảm hoạ.

Nhà nghiên cứu Li Zhao tại Greenpeace cho biết các cơ sở hạ tầng được thiết kế để đối phó với lượng mưa của năm 2014 đổ về trước. Còn những hiện tượng thời tiết cực đoan hiện tại vượt xa những gì mà hệ thống có thể đối phó.

Giám đốc Ma Jun của Viện Công cộng và Môi trường đánh giá chiến lược “thành phố bọt biển” rất hữu ích. Song, các chiến thuật đơn lẻ không thể đối phó với trường hợp cực đoan và cần kết hợp với các biệp pháp khác. Ông nói ngay cả miếng bọt biển thật cũng chỉ hút được đến một lượng nước nhất định.

Lũ lụt không phải là vấn đề mới ở Trung Quốc. Sự phát triển của đô thị đã gây căng thẳng cho công tác đối phó với thiên tai. Các thành phố lấn chiếm hệ thống thoát nước tự nhiên như hồ, đầm lầy và rừng. Điều này buộc Trung Quốc phải xây dựng cơ sở hạ tầng mới để xử lý nước mưa.

Việc mở rộng các công viên đô thị và vườn trên mái nhà có thể giảm bớt những hiểm hoạ thời tiết ở mức độ nhất định. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Hongzhang Xu đề xuất khôi phục các tuyến đường thuỷ bị bỏ hoang từ thời nhà Thanh để thoát lũ. Ông cho rằng chính quyền cũng nên cải thiện hệ thống cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại.

Theo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại