Nguyễn Thục Uyên Nhi sinh năm 2004, sở hữu chiều cao 1m74. Cô đang là Phó bí thư Đoàn Thanh niên lớp Truyền thông đa phương tiện K42, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nhớ lại hành trình trở thành hoa khôi Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Uyên Nhi cho biết từng không đặt kỳ vọng hay áp lực quá lớn, chỉ mong bản thân có thể tự tin bước ra khỏi vùng an toàn. Trải qua nhiều phần thi khó nhằn nhưng chính điều đó đem đến cho Uyên Nhi trải nghiệm mới cũng như cơ hội để phát triển và bứt phá những giới hạn.
Ngay từ vòng đăng ký hồ sơ, ban tổ chức đánh giá Uyên Nhi là ứng viên tài sắc vẹn toàn. Ngoài vẻ đẹp hiền hòa, thành tích học tập vượt trội, nữ sinh cũng tích cực tham gia các câu lạc bộ, hoạt động cả trong lẫn ngoài nhà trường.
Sau cuộc thi, cường độ tham gia các hoạt động trở nên dày đặc hơn, song vì ngay từ đầu Uyên Nhi xác định rõ việc học vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nữ sinh luôn xây dựng kế hoạch học tập và sắp xếp thời gian hợp lý. Với công việc, 10X tập trung giải quyết nhanh gọn từng phần việc trong thời gian sớm nhất, với các hoạt động xã hội sẽ sắp xếp vào các khoảng thời gian trống còn lại để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập trên lớp.
Chia sẻ về lý do chọn ngành Truyền thông Đa phương tiện, nữ sinh chia sẻ: “Từ những năm học cấp 3, em đã tham gia các câu lạc bộ Nhật báo, câu lạc bộ Nhiếp ảnh và phụ trách mảng truyền thông của ban chấp hành Đoàn trường. Từ đó em hứng thú với các công việc liên quan đến truyền thông. Bên cạnh đó, ngành Truyền thông đa phương tiện mở ra cho em cơ hội tiếp cận với những phương tiện và cách thức truyền thông hiện đại và hiệu quả nhất.”
Ngoài việc học, tham gia hoạt động xã hội, đi làm,... Uyên Nhi thích đọc sách, xem phim, nghe nhạc, đi chơi với bạn bè vào những ngày cuối tuần. Bật mí thêm, không chỉ học đàn piano từ năm lớp 9, nữ sinh còn có niềm đam mê với cờ vua, bộ môn giúp cô thư giãn sau giờ học căng thẳng đồng thời nâng cao tư duy của bản thân.
Trong tương lai, Uyên Nhi tiếp tục hoàn thành tốt việc học và tham gia các hoạt động, dự án của nhà trường, Đoàn trường để có một nhiệm kỳ ý nghĩa. Đồng thời, nữ sinh cũng đang học hỏi, trau dồi kiến thức, kĩ năng chuyên ngành để có thể hoàn thành tốt nhất công tác Truyền thông.