Khuôn viên phía Bắc tượng đài 2 Tháng 9 (quận Hải Châu, Đà Nẵng) năm nay tấp nập kẻ bán, người mua với gần chục ki-ốt bán đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp.
Ngay cổng vào khu hội chợ này, một doanh nghiệp từ huyện Thăng Bình (Quảng Nam) mang ra trình làng những bộ phản gỗ quý hiếm. Tuổi đời gỗ từ vài chục năm đến trăm năm.
Khách tham quan cùng người mua khó rời mắt trước tấm phản gỗ hương dài đến 7m, rộng 1,5m, dày 18cm. Chủ nhân tấm phản kê giá 600 triệu đồng.
Tấm phản gỗ cẩm lai đắt nhất hội chợ có giá 2,25 tỉ đồng. Ảnh: Tấn Việt
Cạnh đó, tấm phản gỗ cẩm lai dài 4m, rộng 1,8m, dày 20cm có giá đến 1,15 tỉ đồng. Ngay chính giữa gian hàng này là tấm phản đắt nhất với giá 2,25 tỉ đồng. Đây là phản gỗ cẩm lai dài 4m, rộng 2,1m, dày 35cm.
Một tấm phản gỗ cẩm lai bên cạnh dài 4,8m, rộng 2m, dày 20cm cũng được hét giá đến 1,25 tỉ đồng.
Ông Châu (người dân Đà Nẵng) trầm trồ: “Cả đời tôi chưa thấy nhiều gỗ quý hiếm mà đắt giá đến vậy. Chắc chỉ có hàng đại gia mới dám sờ tay đến”.
Ngoài ra, gần chục gian hàng còn trưng bày đủ loại bàn ghế, tượng gỗ… được chạm khắc cực kỳ tinh xảo. Mỗi sản phẩm có giá từ 5 triệu đến hàng chục triệu đồng.
Theo chủ một gian hàng, những sản phẩm gỗ đắt giá được đưa xuống hội chợ lần này rất kén khách vì giá khủng. Mục đích chính của họ là quảng bá thương hiệu. Hội chợ còn kéo dài đến hết hôm nay (14-2, tức 29 Tết).
Tấm phản gỗ hương dài đến 7m có giá 600 triệu đồng. Ảnh: Tấn Việt
Những gian hàng như thế này chủ yếu để trưng bày, quảng bá thương hiệu chứ vô cùng kén khách do giá cả đắt đỏ. Ảnh: Tấn Việt
Lưng ghế cùng tay nắm được chạm khắc vô cùng tinh xảo. Ảnh: Tấn Việt.
Những sản phẩm gỗ mỹ nghệ phong phú, giá vừa phải được nhiều người tìm mua. Ảnh: Tấn Việt
Tượng Phật di lặc bằng gỗ nhiều kiểu dáng, kích thước, hoa văn khác nhau. Ảnh: Tấn Việt