Đố bạn: Vì sao smartphone Android (Huawei, Samsung, Nokia...) càng ngày càng nhiều camera?

CL |

Các hãng smartphone vốn rất mạnh về công nghệ phần mềm như Apple và Google đang dùng AI để tạo ra những lợi thế đặc biệt. Nếu là một đối thủ không mạnh về phần mềm, bạn sẽ làm gì?

Năm 2016 quả thật là năm của cuộc chạy đua số camera. Phát súng đầu tiên và có lẽ là đáng chú ý nhất thuộc về Huawei khi hãng này ra mắt 3 camera trên P20, mẫu đầu bảng mới nhất tập trung vào "photo".

Tiếp bước, 2 đồng hương Trung Quốc là OPPO và Vivo cũng nhanh chóng bắt kịp với các mẫu V11, Xplay 7, R17, F10 Plus... Không chịu kém cạnh, Samsung đáp trả bằng mẫu Galaxy 3 ống kính và... 4 ống kính đầu tiên trong cùng một sự kiện.

Nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là chiếc Nokia Pure 9 sắp ra mắt của Nokia. Kế thừa tiếng tăm của các mẫu PureView để lại, Nokia 9 bị rò rỉ với... 5 camera (ống kính) trên mặt sau.

Đố bạn: Vì sao smartphone Android (Huawei, Samsung, Nokia...) càng ngày càng nhiều camera? - Ảnh 1.

Số lượng camera (hoặc ống kính) trên smartphone càng ngày càng nhiều.

Nhiều camera để làm gì?

Rõ ràng là các nhà sản xuất Android đang dần khởi động một cuộc đua về số lượng ống kính. Họ có lợi gì khi tham gia vào cuộc đua này?

Trước hết là khá nhiều lợi ích thực tế. Do không gian dành cho bộ phận camera (cảm biến, ống kính v...v...) là có hạn, camera trên smartphone cũng gặp rất nhiều giới hạn mà đặc biệt là khả năng chụp góc rộng và chụp bokeh. Bằng cách tăng thêm số ống kính và số cảm biến, các nhà sản xuất có thể khắc phục các nhược điểm này.

Ví dụ, HTC là kẻ khởi đầu cuộc đua dùng camera kép để tạo ra "mô hình 3D" của cảnh vật, từ đó cho phép tạo ra các bức chân dung có hiệu ứng bokeh.

Ở đây, bokeh tạo thành không phải là bokeh "thật" do giới hạn vật lý tạo ra mà là bokeh "hiệu ứng" bằng cách xử lý lồng ghép dữ liệu từ 2 camera khác nhau.

Đố bạn: Vì sao smartphone Android (Huawei, Samsung, Nokia...) càng ngày càng nhiều camera? - Ảnh 2.

Dù đã lụi bại nhưng HTC vẫn có công là hãng đầu tiên thực sự khai phá tiềm năng của camera kép.

Sau HTC 2 năm, 2 nhà sản xuất khác là LG và Huawei cũng đem thêm ống kính và cảm biến lên smartphone của mình. LG dừng ở một ý tưởng khá đơn giản với 2 camera 16MP để chụp ảnh thường và 8MP để chụp ảnh góc rộng.

Huawei, dưới sự trợ giúp của Leica, đi theo một hướng khác: smartphone Huawei có ống kính đơn sắc (monochrome) để chụp ảnh trắng đen. Ống kính/cảm biến đơn sắc này không chỉ giúp tạo ra những bức ảnh đen trắng đẹp hơn hẳn ảnh đen trắng "hiệu ứng" mà còn đóng vai trò bổ trợ cho ảnh chụp thường – thông qua các chi tiết thu về và qua cả độ sâu tính toán được.

Lợi ích thực tế

Dĩ nhiên, bất kỳ một trào lưu nào cũng sẽ luôn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Apple. Mặc dù camera kép là ý tưởng do HTC khai phá, phải từ sau khi Apple vén màn iPhone 7 trào lưu này mới thực sự bùng nổ trên smartphone Android. Từ năm 2017 tới nay, camera kép đã trở thành tiêu chuẩn – ngay cả trên smartphone Android tầm trung.

Nhưng khi ngay cả smartphone tầm trung cũng đã có camera kép, các hãng điện thoại cần có giải pháp để tạo nét riêng và để chứng minh sự vượt trội của mình.

Cũng giống như việc tăng số nhân trên chip hay tăng dung lượng RAM, tăng số lượng camera là một giải pháp đơn giản đến... ngớ ngẩn để cạnh tranh: người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận ra smartphone nào có nhiều ống kính trên mặt lưng nào mà không thực sự biết lợi ích phía sau.

Đố bạn: Vì sao smartphone Android (Huawei, Samsung, Nokia...) càng ngày càng nhiều camera? - Ảnh 3.

3 camera trên Galaxy A7 dùng để: chụp thường (thiếu sáng tốt), chụp bokeh và chụp góc siêu rộng.

Thực tế là camera hơn 2 ống kính cũng đem đến những lợi ích nhất định. Ví dụ, mỗi camera có thể được tùy biến với tiêu cự và khẩu độ khác nhau.

Một giải pháp được nhiều hãng lựa chọn hiện tại là một camera thường (chụp thiếu sáng), một camera góc rộng và một camera tele. Theo cách này, camera smartphone có thể sử dụng trong nhiều tình huống hơn và hữu ích hơn với người dùng.

Hai hướng phân hóa

Cần phải lưu ý rằng tăng số lượng ống kính không phải là cách duy nhất để tăng chất lượng ảnh chụp. Hiện tại, các thương hiệu lớn và mạnh về phần mềm như Apple và Google đang đặt trọng tâm ngày một lớn hơn vào khâu cuối cùng của ảnh chụp: xử lý tín hiệu ảnh từ cảm biến truyền về SoC.

Bằng cách can thiệp vào khâu vốn ít khi được các hãng camera truyền thống để ý, 2 gã lớn đang tạo ra những tính năng thú vị và hữu ích với người dùng, trong đó điển hình nhất là bokeh có chiều sâu chứ không chỉ là bokeh kiểu hiệu ứng Gaussian như các hãng khác.

Bằng phần mềm, đôi khi Apple và Google chỉ cần ít ống kính vẫn có thể làm được những gì các hãng nhiều camera muốn hướng tới. Ví dụ, Google tiên phong trong cuộc đua sử dụng camera đơn để chụp ảnh bokeh.

iPhone hiện tại cũng chỉ có camera kép (1 rộng và 1 tele) thay vì phải sử dụng 3 camera cho 2 góc chụp như các hãng khác. Smartphone của Apple và Google cũng chụp thiếu sáng tốt và tự nhiên dù chỉ có 1 hoặc 2 bộ camera/lens.

Đố bạn: Vì sao smartphone Android (Huawei, Samsung, Nokia...) càng ngày càng nhiều camera? - Ảnh 4.

Phần đông các hãng nhiều camera thực hiện khâu xử lý ISP (phần mềm, AI) khá kém.

Rõ ràng là camera AI và "nhồi nhét" camera đang trở thành 2 hướng tiếp cận riêng biệt và nổi bật nhất của các hãng smartphone. Chưa ai biết phe nào sẽ chiến thắng, nhưng có vẻ các hãng lựa chọn phần cứng có lợi thế hơn: so với AI vốn đòi hỏi chi phí R&D rất cao và thậm chí là chip tùy biến, "nhồi nhét" camera thực chất vẫn là một phương pháp vật lý.

Bởi thế, các hãng chọn hướng đa-camera đơn giản chỉ phải giải bài toán thiết kế "nhồi nhét" quen thuộc trong lúc Apple và Google đi tìm những sáng tạo thực sự nằm ngoài giới hạn vật lý.

Quan trọng nhất, giữa một bên chọn tập trung vào một lĩnh vực vô cùng mông lung (AI) và một bên là những chiếc điện thoại ai nhìn cũng thấy nhiều... ống kính, hãng nào sẽ dễ thuyết phục người dùng phổ thông rằng điện thoại của mình chụp ảnh đẹp hơn?

Câu trả lời không khó để nhận ra: nếu người dùng hiểu được AI có ý nghĩa to lớn đến thế nào, bao năm qua họ đã không mù quáng chạy theo số nhân, xung nhịp hay số chấm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại