Quốc gia Văn Lang – Âu Lạc
Vào thời gian đầu của văn hóa Đông Sơn, các công cụ lao động bằng đồng thau trở nên phổ biến và bắt đầu có công cụ bằng sắt. Nhờ vậy, cùng châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả được khai phá thành những cánh đồng màu mỡ, có nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, dùng cày với sức kéo của trâu, bò khá phát triển.
Sự chuyển biến trong nền kinh tế đã tạo tiền đề cho sự chuyển biến xã hội. Từ thời Phùng Nguyên đã bắt đầu có hiện tượng phân hóa xã hội giữa giàu và nghèo. Thời Đông Sơn, mức đố phân hóa xã hội ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, sự phân hóa giàu, nghèo cũng chưa thật sâu sắc.
Vua Hùng luôn được coi là những người đặt nền móng đầu tiên cho dân tộc ta
Cùng với sự phân hóa xã hội thành các tầng lớp giàu nghèo và sự giải thể các công xã thị tộc, công xã nông thôn (làng, xóm) và các gia đình nhỏ theo chế độ phụ hệ ra đời
Sự chuyển biến về kinh tế — xã hội dẫn đến đòi hỏi phải có các hoạt động trị thuỷ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng thời gian này, yêu cầu chống ngoại xâm đã được đặt ra. Những điều đó đã dẫn đến sự ra đời của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc.
Tổ chức nhà nước Văn Lang – Âu Lạc còn rất đơn giản, sơ khai. Đứng đầu nhà nước Văn Lang là vua Hùng, đứng đầu nhà nước Âu Lạc là vua Thục An Dương Vương. Giúp việc cho vua có Lạc hầu, Lạc tướng. Cả nước chia làm 15 bộ (đơn vị hành chính lớn) do Lạc tướng đứng đầu. Dưới bộ là các xóm, làng, do Bồ chính (già làng) cai quản
Kinh đô của nước Âu Lạc đặt ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)
Nhà nước Âu Lạc được mở rộng hơn về mặt lãnh thổ, hoàn chỉnh hơn về tổ chức so với nhà nước Văn Lang (có quân đội mạnh, vũ khí tốt, đặc biệt có thành Cổ Loa kiên cố, vững chắc). Nhờ vậy, nhiều lần nhân dân Âu Lạc đã đánh bại các cuộc xâm lược của Triệu Đà.
Tổ chức bộ máy nhà nước thời Văn Lang – Âu Lạc
Trong xã hội Văn Lang - Âu Lạc có các tầng lớp : vua, quý tộc ; dân tự do ; nô tì.
Cư dân Văn Lang - Âu Lạc có cuộc sống vật chất và tinh thần khá phong phú.
Nguồn lương thực chính là thóc gạo (gạo nếp và gạo tẻ), ngoài ra còn có khoai, sắn. Thức ăn có các loại cá, thịt, rau, củ.
Cư dân Việt cổ có tập quán ở nhà sàn, nhuộm răng đen, ăn trầu, xăm mình ; cả nam lẫn nữ đều thích dùng đồ trang sức. Thường ngày, nữ mặc áo, váy ; nam đóng khố.
Tín ngưỡng phổ biến của cư dân Văn Lang - Âu Lạc là sùng bái tự nhiên (thờ thần Mặt Trời, thần Sông, thần Núi và tục phồn thực). Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng kính các anh hùng, người có công với làng nước là nét đặc sắc của người Việt cổ. Dần dần hình thành một số tục lệ : cưới xin, ma chay ; lễ hội khá phổ biến, nhất là hội mùa.
Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp10 , tr74-75-76.