CTCP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (mã chứng khoán: DNH) vừa báo cáo tài chính quý 4/2023. Theo đó, trong quý 4, DNH đạt 527 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 188 tỷ, tăng 27%.
Lũy kế năm, DNH báo doanh thu thuần đạt 2.373 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.157 tỷ, lần lượt giảm 14% và 23% so với năm 2022.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của DNH gần 8.000 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ so với hồi đầu năm, chủ yếu do tiền mặt và tiền gửi giảm gần 1.000 tỷ. Nợ phải trả của công ty ở mức 2.730 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ vay là 1.538 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 5.266 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tiền thân là Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Ngày 21/5/2001, Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho Nhà máy thủy điện Đa Nhim tiếp quản vận hành hệ thống công trình Hàm Thuận - Đa Mi (công suất 475MW) theo mô hình cụm đầu tiên trong khối thủy điện và đổi tên thành Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, là đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc, trực thuộc EVN. Đến năm 2011, Công ty đã chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi.
Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) là công ty mẹ đang nắm 99,93% cổ phần của Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi.
Trong những năm gần đây, trừ năm 2020 lãi 660 tỷ, hàng năm doanh nghiệp này đều mang về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận.
Nhà máy Thủy điện Đa Nhim là một trong những nhà máy thủy điện có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, được khởi công từ ngày 1/4/1961 và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 1964. Nhà máy nằm ở nấc thang trên cùng của hệ thống sông Đồng Nai.
Thuỷ điện Đa Nhim có hồ chứa với lưu vực rộng 775 km 2 nhận nguồn nước từ sông Đa Nhim và sông Kronglet trên thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai, cửa nhận nước, đường hầm áp lực thuộc tỉnh Lâm Đồng; đường ống áp lực, trạm phân phối và tòa nhà năng lượng thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Tuyến đường ống thủy áp Nhà máy thủy điện Đa Nhim bao gồm hai đường ống lắp song song nhau, mỗi đường ống có chiều dài 2,257m, đường kính giảm dần từ 2m xuống 1,05m khi đến nhà máy, được lắp đặt trên núi với độ nghiêng từ 20 độ đến 45 độ. Đường ống khổng lồ này khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng đấy là đường đèo Ngoạn mục "dốc thẳng lên trời" dẫn đến Đà Lạt.
Bên cạnh đó, DNH cũng là chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng trên hồ thủy điện Đa Mi tại xã Đa Mi, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận là dự án nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Dự án có công suất 47,5 MWp với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Toàn bộ các hạng mục công trình nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng trên diện tích 56,65 ha, trong đó 50 ha mặt nước dùng để lắp đặt các tấm quang điện mặt trời (diện tích lắp đặt tấm quang điện chiếm chưa đến 10% tổng diện tích mặt hồ Đa Mi.
Số lượng tấm quang điện khoảng 143.940 tấm, loại pin Poly, công suất khoảng 330 Wp/tấm được lắp đặt trên hệ thống phao nổi được sản xuất tại khu vực nhà máy) và 6,65 ha trên đất liền để xây dựng hệ thống nghịch lưu (inverter), trạm biến áp nâng áp 22/110 kV, đường dây 110 kV đấu nối vào lưới điện quốc gia,... và các hạng mục phụ trợ khác.