Vào ngày 4/6 năm nay, công viên Avengers (Avengers Campus), thuộc khu vui chơi Disney California Adventure Park, đã chính thức mở cửa với rất nhiều hoạt động liên quan đến vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU). Một trong số đó chính là màn trình diễn nhào lộn trên không trung ở độ cao 65 feet (gần 20m) của Spider-Man mà không hề sử dụng bất cứ dụng cụ bảo hộ nào, khiến cho ai cũng phải kinh ngạc, vừa thót tim mà lại vừa hưng phấn.
Màn trình diễn ấn tượng nhất nhì Avengers Campus chính là pha nhào lộn ở độ cao gần 20m của Spider-Man mà không hề có dây bảo hộ.
Tuy nhiên, vén bức màn bí mật đằng sau màn trình diễn này lên, khách tham quan lại được dịp trầm trồ trước độ chịu chơi và khả năng ứng dụng công nghệ của Disney: Màn trình diễn này bao gồm 2 "anh chàng" Spidey: Một người thật có nhiệm vụ chào đón khách du lịch, và một mẫu robot “đóng thế” với khả năng bay nhảy, lộn nhào ở độ cao 65 feet và tiếp đất an toàn mà không cần đến “tơ nhện” bảo hộ.
Đây là sản phẩm được phát triển trong nhiều năm liền của đội ngũ kỹ sư tại Walt Disney Imagineering, bộ phận chịu trách nhiệm nghiên cứu và sáng tạo các thiết kế công trình tại chuỗi công viên của Disney trên toàn thế giới. Nó có tên là “Stuntronics” và hiện là 1 trong những địa điểm thu hút du khách nhất tại Avengers Campus.
Tony Dohi, nhà nghiên cứu, kỹ sư tại Imagineering cho biết: “Lần đầu tiên chứng kiến (mẫu robot Spider-Man nhào lộn), tôi thực sự cảm thấy mình và các cộng sự đã thành công. Ngay trong buổi thảo luận đầu tiên về dự án này, tôi đã nhận ra đây chính là lý do vì sao mình trở thành 1 kỹ sư của Imagineering. Buổi họp đó thực sự rất đặc biệt, không giống bất kỳ những buổi họp nào khác”.
Tony Dohi (trái) và Morgan Pope, 2 kỹ sư tại Walt Disney Imagineering, đang lắp ráp nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên của Stuntronics Spider-Man, mẫu robot mà họ đã nhiều năm nghiên cứu và phát triển cho riêng công viên Avengers.
Như bạn có thể thấy trong đoạn video trên đây, màn trình diễn của Spider-Man bắt đầu với một diễn viên thực thụ, chạy qua lại trên mái của một tòa nhà công nghiệp điển hình. Sau vài động tác thu hút ánh nhìn của du khách, anh chàng này liền lẩn đi mất, nhường lại sân khấu cho “người anh em robot” của mình.
“Nhìn đây!”, giọng của nam tài tử trẻ tuổi Tom Holland vang lên, và lập tức Stuntronics Spidey tung mình lên không trung, nhào lộn như trên màn ảnh, tạo đủ các kiểu dáng của siêu anh hùng, trước khi lao xuống và biến mất phía sau tòa nhà. Lúc này, chàng diễn viên trong vai Spidey ban nãy lại xuất hiện và tiếp tục chào đón khách tham quan đến với công viên.
Dan Fields, giám đốc sáng tạo tại Imagineering cho biết: “Khi xây dựng Avengers Campus, chúng tôi luôn muốn thúc đẩy giới hạn của bản thân để du khách có thể chiêm ngưỡng và tương tác với Spider-Man theo những cách đáng nhớ, mang tính biểu tượng hơn. Với bối cảnh ngoài trời, con người cũng gặp phải những hạn chế nhất định khi trình diễn những pha nhào lộn như vậy, đặc biệt là khi họ phải mang lại cảm giác chân thực về 1 siêu anh hùng cho tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng với trẻ nhỏ. Chúng tôi hiểu ấn tượng và trải nghiệm của du khách với nhân vật nổi tiếng bậc nhất của Marvel là quan trọng thế nào”.
Trên phần ngực của nguyên mẫu Mk1 là chữ ký của nam diễn viên Tom Holland (trái), người đang thủ vai Spider-Man của MCU; và Kevin Feige, chủ tịch hiện tại của Marvel Studios, bộ não sáng tạo phía sau loạt phim MCU trong hơn 1 thập kỷ qua.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa người - máy đã tạo ra 1 màn trình diễn hoàn hảo, mang đến ảo giác về một siêu anh hùng sở hữu siêu sức mạnh của Người nhện ngay trong đời thực. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Robot Stuntronics Spider-Man sẽ tiếp đất thế nào khi tung mình ở trên độ cao choáng váng như vậy? Liệu nó “tan tành” sau mỗi màn trình diễn của mình, và họ phải thay bằng một mẫu robot khác hay không? Câu trả lời là nó sẽ rơi thẳng xuống 1 tấm lưới lớn được giăng sẵn ở bên dưới, tại góc khuất của tòa nhà, trong khi anh chàng thủ vai Spidey sẽ lại xuất hiện để tương tác với du khách.
Bên cạnh đó, Stuntronics cũng được thiết kế đặc biệt để trong quá trình rơi xuống, nếu có va chạm xảy ra, nó cũng chỉ bị đứt gãy những bộ phận được in 3D mà thôi. Còn những thành phần quan trọng như các cảm biến bên trong đều được bảo vệ an toàn sau mỗi lần rơi tự do như vậy. Ngoài ra, đội ngũ kỹ sư cũng phải tính toán đến việc giảm tốc độ của con robot này một cách nhanh chóng khi nó gần tiếp đất.
Vậy cụ thể quá trình lên ý tưởng, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và đi vào hoạt động của con robot Stuntronics Spider-Man này diễn ra như thế nào, mời bạn theo dõi đoạn video dưới đây.
[Vietsub] Đây là cách Disney tạo ra robot Spider-Man với khả năng nhào lộn tự do trên không trung ở độ cao gần 20m mà không cần bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào.