Sáng ngày 7/7, Kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Hà Nội đã tái chất vấn tại hội trường về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố đã được chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 và các dự án được HĐND thành phố giám sát trong thời gian qua.
Tại buổi chất vấn trên, trả lời về việc dự án 148 Giảng Võ (quận Ba Đình) sau nhiều năm phê duyệt đến nay vẫn để không, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, khu đất 148 Giảng Võ, Ba Đình đã có chủ trương đầu tư chuyển đổi đầu tư làm trung tâm dịch vụ thương mại văn hóa được Chính phủ phê duyệt và gắn với chủ trương đầu tư trung tâm triển lãm, khu đô thị mới ở Đông Anh…
Vừa qua, thành phố đã chấp thuận đầu tư với trung tâm hội chợ triển làm ở Đông Anh. Đối với ô đất 148 Giảng Võ, thành phố đã từng phê duyệt chủ trương đầu tư với khoảng 10 tòa nhà chung cư trên ô đất 6,8ha tại số 148 Giảng Võ.
Mặc dù xác định ô đất này là điểm nhấn, song trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, UBND, các bộ ngành, dư luận, năm 2019 thành phố đã có quyết định thu hồi dự án để nghiên cứu một dự án phù hợp hơn.
Thời gian qua, dưới sự quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP đang quyết liệt điều chỉnh lại quyết định đầu tư, chủ đầu tư cũng đã thống nhất không xây dựng 10 tòa nhà cao tầng và thay vào đó là khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại cho phù hợp, hài hòa với việc cải tạo khu tập thể Giảng Võ, hồ Giảng Võ. Từ đó, điều chỉnh lại quy mô phục vụ hoạt động cộng đồng…
Vị trí khu đất vàng Giảng Võ
Chủ đầu tư của dự án trên là CTCP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC - mã CK: VEF), công ty con của Tập đoàn Vingroup (mã CK: VIC).
Do các dự án đang trong quá trình đầu tư, doanh thu của VEF chủ yếu đến từ hoạt động tài chính.
Quý 1, doanh thu từ hoạt động tài chính của VEF đạt 115,8 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, trong quý này, VEF cũng phát sinh khoản chi phí tài chính 10 tỷ đồng.
Kết quả, VEF lãi trước thuế 101 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 81 tỷ đồng. Năm 2022, VEF đặt kế hoạch doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 10 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.
BCTC ghi nhận tính đến 31/3/2022, các khoản tiền và tương đương tiền của VEF đạt 2.514 tỷ đồng, tăng 93% cùng kỳ. Trong đó 2.500 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng có lãi suất từ 4% đến 6,8%/năm. Các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh giảm mạnh chỉ còn 315 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có thời gian thu hồi lớn hơn 3 tháng, lãi suất 8%/năm.
Ngoài ra, VEF còn đang cho các đối tác doanh nghiệp vay 3.236 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm. Trong đó, 2.396 tỷ đồng là cho vay ngắn hạn và 840 tỷ đồng là cho vay dài hạn.
Về dư nợ đi vay, VEF cũng phát sinh khoản vay nợ 1.605 tỷ đồng, là khoản vay ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), kỳ hạn tối đa 24 tháng với lãi suất 8,6%/năm cho năm đầu và sau đó theo lãi suất thả nổi. Trong 1.605 tỷ đồng, có 713 tỷ đồng là nợ vay dài hạn đến hạn trả.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, cổ đông VEF đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, VEFAC sẽ phát hành thêm 852.997.376 cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp với tỷ lệ 1:5,12, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 1.666 tỷ đồng lên 10.196 tỷ đồng.
Về phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành, VEFAC sẽ sử dụng 8.443 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án: dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội (6.975 tỷ đồng) và dự án trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (1.467 tỷ đồng).
Kết phiên ngày 7/7, giá cổ phiếu VEF giảm 3,75% về 133.500 đồng/cp. Tính từ mức giá ở vùng đỉnh tháng 3 là 275.000 đồng/cp, giá cổ phiếu VEF đã giảm tới 49%. Với 166,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của VEF rơi vào khoảng 22.241 tỷ đồng (khoảng 950 triệu USD) - cao hơn nhiều tên tuổi trong ngành bất động sản như Nam Long, Viglacera hay Đất Xanh…