Không ngoa khi nói rằng, ngành Y Dược có lẽ là một trong những ngành học "khó nhằn" nhất trong tất cả các ngành nghề. Để có thể được người khác gọi mình với danh xưng "bác sĩ", "y tá" thì sinh viên ngành Y Dược phải trải qua cực nhiều gian truân: từ việc cạnh tranh với số điểm đầu vào phải cao chót vót cho đến 6 năm học với lịch trình kín mít, hầu như chẳng có lấy 1 ngày nghỉ.
Học Y Dược nghĩa là chấp nhận cảnh chỉ có lên lớp, học và thi. Quy trình đó cứ lặp đi lặp lại cho đến khi ra trường mới thôi.
Khối lượng kiến thức mà sinh viên Y Dược phải học quá nhiều so với các ngành học khác, số trình học cũng nặng không kém. Mỗi một kỳ, sinh viên phải trải qua 6-7 chuyên khoa lẻ, giáo trình của mỗi khoa này dày 200-300 trang, phải học thuộc lòng và hiểu cặn kẽ từng vấn đề nhỏ nhất.
Nhưng học thế chưa đủ, ngành này còn có những kiểu kiến thức không giống ai, đặc biệt phải kể đến một lô ký hiệu về tên thuốc, mà người ngoài nhìn vào cứ tưởng là nét vẽ nghệch ngoạc, ai ngờ đấy là tên của một loại thuốc!
Cảnh giới thượng thừa ngành Y Dược. Ảnh: Bạc hà trắng.
Ngay sau khi đoạn hội thoại "đầy tri thức" này được chia sẻ rần rần, nhiều người tỏ ra bất ngờ và có phần thán phục trước những ai đang làm việc trong ngành Y Dược. Bạn Thảo Hiền cho hay: "Hồi xưa tớ đi khám, ông bác sĩ kia kê đơn mà thế nào tên cuối ổng ghi như 1 đường thẳng, hay hơn nữa là bà bốc thuốc vẫn bốc được".
"Nãy có đọc 1 bài trai Y viết thư tình cho bạn gái, bạn gái nhìn xong tưởng bùa nên viết thư cảm ơn lại bảo đã dán lên trước cửa rồi", bạn Kyu Jo nói thêm.
"Tôi sợ nhất là đơn bác sĩ viết tay và tên thuốc bệnh nhân đọc. Bệnh nhân vào mà nói một tên thuốc là não mình phải chạy bằng tốc độ ánh sáng để phân tích tất cả các thuốc có tên giống nhau.
à có ít gì, chỉ riêng loại para cũng có hàng trăm biệt dược. Tôi cũng đến lạy, strepsil thì đọc thành pepsi, chưa kể m phải biết tiếng lóng, bệnh nhân nói "bánh xe lãng tử" phải biết đường đưa Griseofulvin, bệnh nhân nói "vỉ hạt dưa" phải đưa diamicron...", bạn An Inseo trải lòng.
Từ điển ký hiệu của chuyên ngành Y Dược. Ảnh: Tuoitrenongnhiet.
Có thể khẳng định rằng, "chữ bác sĩ" đã trở thành cụm từ phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Nét đặc trưng nhất của những vị bác sĩ lành nghề chính là chữ viết tay cực kì xấu, cảm tưởng như có hàng ngàn con giun đang uốn éo trên trang giấy vậy. Điều này khiến các bệnh nhân trở nên ngao ngán mỗi khi đọc những toa thuốc.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải thấu cảm rằng, công việc của một bác sĩ tại bệnh viện cũng như tại các phòng khám luôn phải đối mặt với những áp lực nặng nề vì bệnh nhân cứ kéo đến và không có dấu hiệu ngớt đi.
Để công việc được đẩy nhanh tiến độ, các bác sĩ buộc phải viết chữ nhanh để đến lượt những bệnh nhân khác. Thế nên việc dùng các ký hiệu đặc biệt hay viết chữ xấu là một điều chúng ta phải thông cảm cho họ.