"Ơ kìa anh đèn đỏ, trông anh buồn thế", nhóm phóng viên chúng tôi vồ vập hỏi anh đèn tín hiệu giao thông đang đứng buồn bã, ủ dột ở ngã tư.
"Các anh xem, nhà mà được 4 mặt tiền như tôi thì hái ra tiền. Còn tôi dù 4 mặt tiền, đứng lù lù giữa ngã tư mà không ai thèm để ý, lắm lúc nghĩ cũng tủi thân", anh đèn đỏ tâm sự.
"Thôi chuyện cũ qua rồi. Năm mới, anh có điều ước gì không".
"Ôi tôi thì ngược đời lắm. Cả xã hội kéo nhau đi tập gym mong được thon thả, cơ bắp, còn tôi chỉ ước mình béo gấp 100 lần thế này. Tại sao à? Tôi cần bệ vệ để đứng các ngã tư cho thiên hạ dễ nhìn thấy".
"Và thay vì chỉ hiển thị màu đỏ, tôi muốn mỗi khi đèn đỏ bật sáng phải có cả nhạc Sơn Tùng MTP bật lên để giới trẻ dừng lại nghe. Có như thế họa may họ mới không bỏ rơi tôi. Chứ hiện tại tôi cố lắm rồi mà dân vẫn coi tôi như người vô hình, buồn lắm".
"Vâng cảm ơn anh. Chúc anh được toại nguyện".
Cột đèn giao thông mong muốn được béo lên và biết hát. Ảnh minh hoạ
Tạm biệt anh đèn đỏ, chúng tôi gặp ngay anh thùng rác cũng đang đứng cô độc cạnh cột điện. Năm mới có khác, trông anh bảnh bao hơn hẳn ngày thường.
"Các anh bị làm sao thế, phận thùng rác như tôi phải bẩn thỉu, hôi hám mới ngầu, chứ sạch sẽ như thế này thì hỏng hết. Tôi há mồm cả ngày xin rác, lại còn cẩn thận dán thêm dòng chữ ‘Xin cho tôi rác’ mà chả ai thèm để ý, nên tôi lúc nào cũng sạch sẽ thế này đấy".
"Tôi có mấy anh bạn đứng ở công viên mới khổ. Dầm mưa dãi nắng cả ngày mà chả được cọng rác nào vào bụng. Nhìn rác vứt đầy bãi cỏ, gốc cây, vệ đường, thèm lắm mà chả làm được gì".
Lại thêm một ca có số phận hẩm hiu. "Thế năm mới anh có nguyện vọng gì đề đạt?", nhóm phóng viên chúng tôi hỏi.
"Thì cũng giống như anh đèn đỏ đằng kia, tôi cũng mong mình được béo hơn, biết hát nhạc Sơn Tùng. Nhưng tôi mơ ước biết hát không phải để dân tình chú ý.
Tôi cần giọng hát để đổi lấy đôi chân giống nàng tiên cá cơ. Có thêm chân, tôi tự chạy đi nhặt rác để khỏi phiền cái anh người Úc sống trong khu Linh Đàm".
Thùng rác chỉ mong có chân và được đổ thật đầy, chứ không phải như này. Ảnh minh hoạ
Bỗng từ trên núi một giọng nói vang xuống: "Các anh phóng viên ơi lên đây chúng tôi nhờ tí việc".
Lần theo giọng nói, chúng tôi lên mãi tận Tam Đảo. Hóa ra tiếng nói phát ra từ anh thiên nhiên. Giọng anh có vẻ khàn lắm, chắc dạo này trái gió trở giời nên viêm họng chăng?
"Gió máy cái gì, tôi hít lắm khói quá nên viêm họng thôi. Chả hiểu sao dạo này dân tình kéo lên đây đông lắm, cứ cuối tuần là xe máy nườm nượp như trẩy hội. Tôi ở đây cả trăm năm rồi mà chưa bao giờ thấy xe đông thế này"
"Xe nào xe nấy gào rú nhức đầu, xì khói khắp nơi. Ngày xưa phổi tôi tốt lắm, dân ở đây cũng được nhờ. Nhưng dạo gần đây thì hết rồi. Phổi yếu, hơi thở cũng bớt thơm tho đi, dân kêu lắm".
"À, thấy các anh nói chuyện với anh thùng rác nên tôi cũng có chút tâm tư. Tôi cũng mong anh thùng rác có thêm chân để tự đi nhặt chứ trên này, đám phượt thủ xả rác nhiều ngang xả khói".
Thế cụ thiên nhiên ước mơ điều gì trong năm mới?
Hãy làm những phượt thủ chân chính. Ảnh minh hoạ
"Tôi đẹp, thiên hạ kéo tới ngắm nhìn tôi vui lắm. Nhưng tôi ước cái anh Mark gì chủ Facebook ấy, anh ý đóng cửa Facebook để đám phượt thủ a dua không có chỗ mà khoe chiến tích. Khi không thể sống ảo, tự khắc phong trào phượt sẽ giảm bớt độ hot".
"Đó là một cách phân loại phượt thủ. Khi không thể khoe nữa, phượt chân chính sẽ tiếp tục đi, còn phượt a dua thì thôi. Tôi nghĩ đó cũng là cách hay, các anh nên tham khảo".
Chào tạm biệt mẹ thiên nhiên, chúng tôi ra về với rất nhiều nỗi trăn trở. Giá như điều ước của đèn đỏ, thùng rác và thiên nhiên trở thành hiện thực…